Theo kết quả quan trắc của các ngành chức năng ở một số tỉnh, thành vùng ĐBSCL mới đây cho thấy, nguồn nước mặt, nước ngầm đang bị cạn kiệt và ô nhiễm do những tác động của BĐKH và hoạt động khai thác nước tự phát, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, xả thải của công ty, xí nghiệp tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung dọc theo các tuyến sông.
Trước thực trạng đó, ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ cho biết, thời gian tới, Cần Thơ sẽ quyết liệt thực hiện các giải pháp để giảm nhẹ và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nước ở những khu vực trọng điểm; khoanh vùng các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm; kiểm soát và xử lý chất thải ở các kênh, rạch; chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Bên cạnh đó, giám sát các vấn đề ô nhiễm mang tính liên vùng, liên tỉnh hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh, bền vững.
Theo PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH - Trường Đại học Cần Thơ, để ứng phó hiệu quả với BĐKH, nguồn nước suy kiệt, các địa phương vùng ĐBSCL cần tập trung kinh phí hoặc vốn dự phòng của công tác phòng chống thiên tai để làm vùng trữ nước trong nội đồng, mương vườn. Không nên vì những khó khăn hiện nay mà đầu tư xây dựng những công trình lớn vừa lãng phí, kém hiệu quả mà còn gây tác hại đến môi trường, tính đa dạng sinh học. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống cảnh báo sớm và mạng lưới thông tin đến cộng đồng để chủ động thích ứng với tự nhiên.
Nhiều người dân chuyển sang dưa hấu, bắp, cà... trên diện tích đất chuyên trồng lúa để thích nghi với BĐKH, khó khăn về nguồn nước |
Riêng với phòng chống sạt lở, Ths. Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL đưa ra giải pháp là các ngành chức năng của Trung ương và của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL sớm khảo sát lập bản đồ những nơi có nguy cơ sạt lở cao để di dời người dân và không xây dựng công trình, nhà cửa gần bờ sông; đồng thời, quản lý chặt chẽ việc khai thác cát sông trên toàn tuyến sông Hậu, sông Tiền”.
Ngoài ra, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, qua mùa khô 2019 - 2020, các tỉnh ven biển sẽ biết được vùng nào thiếu nhiều nước, những vùng đó mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, mùa vụ, còn những tỉnh nào có lợi thế trữ nước được thì trữ nước lại. Tuy vậy, để làm được việc này phải có sự chỉ đạo của Nhà nước, các Bộ, ngành Trung ương có liên quan để quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên nước một cách tối ưu nhất.
Để thích nghi với những bất lợi của thời tiết, nông dân ở một số địa phương như: Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau đã thay đổi tập quán sản xuất, một số khu vực chuyên trồng lúa 3 vụ đã được chuyển sang trồng lúa - khoai - bắp; lúa - tôm. Từ các mô hình sản xuất này, đã giúp người nông dân xác định được những ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp, bố trí thời vụ, cây trồng hợp lý để thích nghi với BĐKH.