Ứng phó sạt lở tiếp diễn phức tạp ở đầu nguồn sông Cửu Long

16/08/2019 23:00

(TN&MT) - “Đang bước vào mùa mưa, cộng với tình hình lũ về muộn, thiếu phù sa bồi đắp cho nên đất ven sông bị “hổng chân” dẫn đến nguy cơ sạt lở bờ sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao… tăng cao” - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh An Giang Tô Hoàng Môn lo ngại.

an1
Hiện trường vụ sạt lở Quốc lộ 91 mới xảy vào ngày 1/8

Chủ động cảnh báo giảm thiệt hại

Hiện nay, tỉnh An Giang vẫn đang ráo riết khắc phục sự cố sạt lở 1/2 mặt Quốc lộ 91 kéo dài 85m (đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú) bằng cách thả khoảng 34.000m3 cát đóng bao lấp hố xoáy và các luồng lạch sâu, ngăn khu vực sạt lở tiếp tục ăn sâu vào mặt đường và mở rộng về phía thượng nguồn. Sở TN&MT tỉnh An Giang cũng đã cho dừng các phương tiện khai thác cát trên tuyến sông Hậu (đoạn thuộc xã Bình Long, Châu Phú) của Công ty TNHH MTV Xây lắp An Giang và chỉ sử dụng các phương tiện này khai thác cát phục vụ cho việc lấp các hố xoáy đang đe dọa sạt lở. UBND tỉnh An Giang cũng đã chính thức ban bố tình huống khẩn cấp nguy cơ sạt lở nghiêm trọng Quốc lộ 91 đoạn này.

Sự cố sạt lở tuyến Quốc lộ 91 đoạn thuộc ấp Bình Tân (xã Bình Mỹ) đã được ngành TN&MT tỉnh An Giang cảnh báo đoạn sông qua khu vực này lòng dẫn hẹp do xuất hiện bãi bồi phía bờ đối diện khiến dòng chảy áp sát bờ Quốc lộ 91 nên dễ gây sạt lở. Nhờ đó, khi phát hiện mặt đường Quốc lộ 91 xuất hiện vết nứt, các đơn vị chức năng đã tiến hành quan trắc, xác định lòng sông có hiện tượng lạch sâu sát bờ và cách bờ 70m có hố xoáy sâu 25m, kịp thời vận động hỗ trợ di dời các hộ dân trong vùng nguy cơ đến nơi an toàn không bị thiệt hại về người và hạn chế thiệt hại về tài sản.

Đây là điểm sạt lở nghiêm trọng thứ 4 xảy ra trên địa bàn mà UBND tỉnh An Giang đã phải ban bố tình huống khẩn cấp. Cụ thể, 4 điểm sạt lở nghiêm trọng, gồm: khu vực sông Cái Sắn (đoạn chảy qua phường Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên); kênh xáng Tân An (đoạn chảy qua ấp Tân Hậu A1, xã Tân An, TX Tân Châu); tuyến Tỉnh lộ 946 huyện Chợ Mới và Quốc lộ 91 đoạn xã xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú. Riêng trên tuyến Tỉnh lộ 946, đoạn cặp sông Ông Chưởng (từ cầu Mương Tịnh đến cầu Bà Vệ) thuộc ấp Long Hòa 1, xã Long Kiến, huyện Chợ Mới đã kè rọ đá nhưng vẫn xảy ra hiện tượng sụp lún mặt đường nhựa với chiều dài hơn 150m, ăn sâu vào mặt đường gần 2m, hiện đang tiếp tục lan rộng, nguy cơ sạt lở rất cao. Sở TN&MT tỉnh An Giang đã tiến hành khoanh vùng khu vực có nguy cơ tại những điểm sạt lở nghiêm trọng này, thiết lập hành lang an toàn, đồng thời, tổ chức quan trắc, theo dõi diễn biến và có báo cáo đề xuất UBND tỉnh An Giang chỉ đạo xử lý kịp thời.

Ghi nhận từ Văn phòng Ban Chỉ đạo Ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh An Giang đã xảy ra 13 điểm sạt lở, sụp lún đất bờ sông, kênh rạch với chiều dài hơn 1.089m, ảnh hưởng tới 81 căn nhà, gây thiệt hại hơn 3,3 tỉ đồng. Ông Tô Hoàng Môn, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh An Giang cho biết các vụ sạt lở vừa xảy ra vừa qua đều nằm trong danh mục cảnh báo hằng năm và đã được chính quyền địa phương chủ động cảnh báo cho người dân bết nên đã không gây thiệt hại về người và hạn chế được thiệt hại về tài sản.

an2
Tỉnh lộ 946, đoạn cặp sông Ông Chưởng đã kè rọ đá nhưng vẫn bị sụp lún dài hơn 150m, ăn sâu vào mặt đường gần 2m

Triển khai nghiên cứu địa hình, thủy văn sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Nao

Theo kết quả quan trắc đợt 1 năm 2019 về tình hình sạt lở trên địa bàn, Sở TN&MT ghi nhận toàn tỉnh An Giang hiện có 51 đoạn sông có nguy cơ sạt lở, trong đó 6 đoạn được cảnh báo ở mức độ sạt lở đặc biệt nguy hiểm, 31 đoạn ở mức độ nguy hiểm, 11 đoạn ở mức độ trung bình và 3 đoạn ở mức độ nhẹ, đe dọa hơn 20.000 hộ dân.

Trước những diễn biến phức tạp bất thường của thời tiết và sạt lở đất bờ sông, kênh rạch trên địa bàn, cùng với những việc tổ chức lực lượng hỗ trợ người dân trong những vùng nguy cơ sạt lở ứng phó kịp thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần An Thư cho rằng cần phải thay đổi tập quán sinh sống ven sông hoặc kênh rạch, để hạn chế tải trọng đường bờ, tránh nguy cơ sạt lở. Các địa phương cần quy hoạch lại dân cư, sắp xếp di dời dân vùng cảnh báo sạt lở vào các khu dân cư mới ở những vị trí có nền đất ổn định để tránh sạt lở; quản lý chặt các hoạt động xây dựng của người dân sống ven sông, kênh rạch, các hoạt động giao thông thủy bộ.

“Bên cạnh đó, UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo Sở TN&MT tiếp tục nâng cao công tác cảnh báo, dự báo sạt lở vùng nguy hiểm để chủ động ứng phó hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân; triển khai nhanh dự án nghiên cứu địa hình, thủy văn 3 sông chính trên địa bàn tỉnh là sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Nao làm cơ sở đánh giá sạt lở và quy hoạch lại hoạt động khai thác cát sông; tăng cường giám sát, đánh giá tác động các dự án nạo vét thông luồng, các dự án chỉnh trị, điều chỉnh bố trí lại hoạt động khai thác cát sau khi có kết quả nghiên cứu dự án 3 sông chính” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần An Thư cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng phó sạt lở tiếp diễn phức tạp ở đầu nguồn sông Cửu Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO