Ứng phó hộ đê trong tình huống lũ lớn

Tuyết Chinh| 04/08/2020 18:01

(TN&MT) - Xây dựng phương án ứng phó với sự cố vỡ đê trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành ứng phó hộ đê một cách chủ động và hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại khi có lũ lớn xảy ra trên hệ thống sông.

230 trọng điểm đê xung yếu có nguy cơ vỡ khi mưa lũ

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), diễn biến mưa lũ cực đoan với cường độ lớn, ngập lụt đang uy hiếp an toàn hệ thống đê điều, khi trong tổng số 9.078 km đê từ cấp 3 đến cấp đặc biệt, đang có tới 230 trọng điểm đê điều xung yếu và đây là những vị trí có thể xảy ra sự cố bất cứ lúc nào khi xuất hiện mưa lũ cực đoan.

Ông Đào Văn Khương, Trưởng phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về động lực học sông biển (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) cho biết, trong trường hợp xảy ra mưa lớn, trái mùa, đặc biệt mưa lớn tập trung khu vực thượng nguồn hồ chứa lưu vực sông Hồng - sông Thái Bình, khả năng hồ chứa không thể cắt hết lũ, bắt buộc phải xả lũ khẩn cấp dẫn tới ngập lụt hạ du; khả năng xuất hiện lũ lớn, đặc biệt lớn, vượt lũ lịch sử trên các tuyến sông gây uy hiếp đến an toàn hệ thống đê điều là hiện hữu.

Nguy cơ lũ lớn trên sông Hồng. Ảnh minh họa

Khi đó, nguy cơ vỡ đê gây thảm họa thiên tai là rất lớn, thiệt hại chắc chắn sẽ vượt gấp nhiều lần trận lũ lụt lịch sử tại Thái Lan năm 2011, cũng như thiệt hại vỡ đê tại Nhật Bản do bão Habigis xảy ra mới tháng 10 năm 2019 hay như lũ lụt xảy ra nghiêm trọng đang xảy ra tại Trung Quốc.

Theo ông Khương, trước những diễn biến tình hình mưa lũ ngày càng cực đoan, bất thường, việc xây dựng các phương các ứng phó với sự cố vỡ đê để chủ động chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với với các tình huống có thể xảy ra, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai là vô cùng cần thiết cho mỗi lưu vực sông và các tỉnh có sông chảy qua trên hệ thống sông Hồng – Thái Bình.

Nguy cơ lũ lớn trên hệ thống sông Hồng – Thái Bình

Khi có nguy cơ xảy ra lũ lớn, các sự cố lũ vượt thiết kế hay sự cố vỡ đập từ thượng nguồn, đặc biệt trên hệ thống có các hồ chứa lớn như Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà có khả năng chống được các trận lũ 500 năm lặp lại cho hạ du. Tuy nhiên, trong điều kiện biến đổi như hiện nay thì khả năng xuất hiện các trận lũ lớn vượt thiết kế hoàn toàn có thể xảy ra.

Ở lưu vực sông Hồng, dòng chảy lũ trong sông do mưa gây nên. Tuỳ theo chế độ mưa khác nhau mà tính chất lũ cũng khác nhau. Ở vùng này mùa mưa bắt đầu từ tháng 5, mùa lũ trên các sông suối bắt đầu từ tháng 6. Kết thúc mùa lũ vào tháng 10, nhưng có khi lũ còn xuất hiện vào đầu tháng 10 hoặc tháng 11.

Theo diện tích lưu vực hứng nước, thì hệ thống sông Hồng vào loại vừa nhưng lượng nước hàng năm và lũ lại rất lớn. Cụ thể, tổng lượng nước bình quân năm đứng thứ 22, còn về lưu lượng đỉnh lũ đứng thứ 15 so với các sông có lượng nước và lưu lượng đỉnh lũ lớn nhất trên thế giới. Lưu lượng đỉnh lũ sông Hồng chỉ nhỏ hơn một số sông trên thế giới như sông Von Ga ở Châu Âu, sông Công Gô ở Châu Phi, sông Amazôn, sông PaLaTa, sông Misisipi ở Châu Mỹ.

Lũ lớn sẽ uy hiếp an toàn hệ thống đê điều

Trong khi đó, ông Khương cho biết, lũ tại hạ du sông Thái Bình là do lũ sông Hồng đóng vai trò chính nên thường khi bên sông Hồng có mực nước cao thì ở hạ du sông Thái Bình cũng có mực nước cao.

Trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình trong lịch sử đã xảy ra những trận lũ có lưu lượng lớn, mực nước rất cao, thời gian lũ kéo dài làm vỡ đê gây rất nhiều thiệt hại đối với nền kinh tế. Trong những năm gần đây do trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình xây dựng nhiều công trình thủy điện lớn đã phát huy rất tốt vai trò điều tiết và cắt lũ cho hạ du, ở hạ du ít có lũ lớn, từ đó xuất hiện tâm lý chủ quan trong nhân dân và trong cả những người có trách nhiệm trong công tác phòng chống lũ và thiên tai.

“Tuy nhiên, với lịch sử đã xảy ra lũ lớn và tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay, việc có lũ lớn và lũ đặc biệt lớn xảy ra trên hệ thống sông Hồng là hiện hữu và việc chuẩn bị các phương án ứng phó hộ đê cần được các địa phương quan tâm thực hiện”, ông Khương khẳng định.

Chủ động phương án ứng phó

Theo ông Khương, xây dựng phương án ứng phó với sự cố vỡ đê trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình sẽ phục vụ công tác chỉ đạo điều hành ứng phó hộ đê một cách chủ động và hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại khi có lũ lớn xảy ra trên hệ thống sông.

Phương án ứng phó sự cố đê khi xảy ra lũ lớn, lũ vượt thiết kế được xây dựng cho vùng trung du và đồng bằng hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình bao gồm địa phận 15 tỉnh, thành phố có đê là: Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc.

“Với phạm vi rộng nên khi xây dựng phương án ứng phó cần có sự chỉ đạo, phối hợp từ cấp Trung ương đến địa phương”, ông Khương nói và cho biết, với 7 bước triển khai, phương án ứng phó hướng đến việc có được bức tranh tổng thể về các sự cố đê điều trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình khi có các tình huống xảy ra.

Đồng thời, sơ bộ xác định được khối lượng vật tư cần thiết để xử lý các sự cố, từ đó có thể xây dựng phương án bổ sung vật tư hộ đê trước mắt cũng như lâu dài. Xây dựng được sơ đồ chỉ đạo, điều hành cụ thể trong đó quy định cụ thể trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, các kịch bản điều động vật tư, nhân lực khi xảy ra các sự cố đê điều trên toàn hệ thống.

Ông Khương nhấn mạnh, việc xây dựng phương án ứng phó với đê khi xảy ra lũ lớn cần được thực hiện từ cấp Trung ương đến các tỉnh, huyện, xã nằm trong vùng được đê bảo vệ để chủ động các phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra, giảm đáng kể những thiệt hại về người và tài sản cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng phó hộ đê trong tình huống lũ lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO