Biến đổi khí hậu

Ứng phó hiệu quả với thiên tai vùng ven biển

Khánh Ly - Hoài Thu (thực hiện) 01/08/2023 - 09:14

(TN&MT) - Do đặc điểm địa hình và tự nhiên, khu vực ven biển của Việt Nam thường xuyên hứng chịu rủi ro do thiên tai nhiều nhất cả nước.

Những yếu tố nào sẽ giúp các địa phương ven biển phòng chống thiên tai, giảm tối đa thiệt hại do tác động cộng hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH)? Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Quốc Khánh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (KHKTTV&BĐKH) xung quanh vấn đề này.

processed-35241deb-b6da-4b81-9f97-78499f41c361-017a82c7-74db-4670-bcdc-9660b23af9ff.jpeg.jpeg
TS. Nguyễn Quốc Khánh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu

PV: Trên cơ sở các nghiên cứu, dự báo kịch bản BĐKH và nước biển dâng, xin ông cho biết những nguy cơ thiên tai mà người dân tại các địa phương vùng ven biển sẽ phải đối mặt?

TS. Nguyễn Quốc Khánh: Cả nước hiện có 28/63 tỉnh, thành phố có biển. Tuy nhiên, tính đến nguy cơ ngập do nước biển dâng sẽ bao gồm tới 34 tỉnh (gồm toàn bộ 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)) và hơn 100 đơn vị hành chính cấp thành phố, thị xã, huyện có đường bờ biển.

Các kịch bản dự báo cho thấy, do ảnh hưởng của BĐKH, khu vực ven biển của Việt Nam thường xuyên phải chịu rủi ro do thiên tai nhiều nhất cả nước và tác động không nhỏ đến đời sống xã hội, phát triển kinh tế. BĐKH làm cho diện tích nhiễm mặn ở vùng ven biển tăng đáng kể, từ đó, giảm sút sản lượng lúa và nhiều hậu quả khác về môi trường như làm suy giảm đa dạng sinh học vùng ven bờ, thay đổi hệ sinh thái của các vùng thấp ven sông, trong sông hay cửa sông do thay đổi lượng mưa, dòng chảy mặt và nước ngầm cùng một số đặc trưng của chất lượng nước và chất dinh dưỡng.

Các đợt hạn hán xuất hiện ngày càng nhiều tại địa phương ven biển sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng xâm nhập mặn, nhất là khu vực Nam Trung Bộ. Bởi lượng mưa hàng năm trong khu vực đạt thấp nên dòng chảy tại khu vực này sụt giảm mạnh dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn lấn sâu vào đất liền, gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp và nguồn nước sinh hoạt của người dân ven biển.
Theo Kịch bản BĐKH của Việt Nam năm 2020, nếu mực nước biển dâng thêm 100cm, khu vực ĐBSCL có nguy cơ ngập khoảng 47% diện tích, khoảng 10% dân số tại khu vực ĐBSCL bị ảnh hưởng trực tiếp do xâm thực gây mất đất. Khi mực nước biển dâng trung bình 57cm, sẽ có khoảng 8% diện tích rừng và thảm thực vật tự nhiên ở vùng ven biển có nguy cơ bị ngập. Diện tích rừng ngập mặn bị thu hẹp nghiêm trọng nhất ở các tỉnh Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nam Định và TP. Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, các địa phương ven biển là khu vực tập trung nhiều đô thị, phát triển hạ tầng giao thông vận tải, kết nối, tập trung nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng và dân số đông. Sự phát triển nhanh của đô thị và kinh tế - xã hội cộng hưởng với tác động của nóng lên toàn cầu, dẫn đến làm gia tăng nhanh hơn các hiện tượng cực đoan, cũng như rủi ro khí hậu ở các địa phương ven biển. Trong đó, những tác động cần chú ý đó là nước biển dâng, xâm nhập mặn, ngập lụt đô thị, đảo nhiệt đô thị và nắng nóng, lũ lụt, sạt lở bờ sông và bờ biển, gió mạnh, bão và áp thấp nhiệt đới…

original-30610bec-7582-47db-8663-b9a9fd24d386.jpeg.jpeg
Ứng phó hiệu quả với thiên tai vùng ven biển.

Do vậy, để ứng phó hiệu quả với thiên tai và BĐKH, chúng ta cần chú ý 2 khía cạnh: Làm rõ bản chất vấn đề khoa học về khí hậu với các quá trình phát triển, làm cơ sở khoa học và thực tiễn cho quy hoạch và phát triển đô thị, các địa phương ven biển; Quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội cần lồng ghép ứng phó với thiên tai, BĐKH và giảm phát thải khí nhà kính.

PV: Việc chủ động thích ứng BĐKH sẽ đem lại hiệu quả như thế nào cho địa phương trong giai đoạn trước mắt và lâu dài, thưa ông?

TS. Nguyễn Quốc Khánh: Việc chủ động thích ứng với BĐKH ở cấp địa phương thể hiện rõ qua việc xây dựng kế hoạch hành động ứng phó BĐKH tại các tỉnh, trong đó xác định các giải pháp ứng phó theo từng giai đoạn.

Chính vì vậy, trong các kịch bản BĐKH năm 2009, 2012, 2016 và 2020, Bộ TN&MT đều tham vấn và khuyến cáo sử dụng kịch bản BĐKH và nước biển dâng để lồng ghép vào xây dựng các giải pháp thích ứng BĐKH phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Hội nghị COP26, các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Việt Nam đã cùng cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Để đạt được những cam kết này, nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó có việc lồng ghép ứng phó BĐKH trong chính sách phát triển vĩ mô như chiến lược, quy hoạch và kế hoạch, cũng như các chương trình, dự án cụ thể. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, lồng ghép nội dung thích ứng và giảm nhẹ BĐKH sẽ mang lại những lợi ích về kinh tế - xã hội và môi trường. Việc lồng ghép này thể hiện ở việc phân tích, đánh giá mối tương tác giữa các yếu tố khí hậu thay đổi theo thời gian, không gian như mưa, nhiệt độ, giông, bão, nước biển dâng... với yếu tố địa hình, cấu tạo địa chất, sử dụng đất, chế độ thủy văn trong lập quy hoạch, kế hoạch, dự án…

Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã bổ sung quy định thực hiện “lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH vào chiến lược, quy hoạch” (Điều 93) tạo hành lang pháp lý cho các địa phương chủ động ứng phó BĐKH.

Lợi ích của việc chủ động thích ứng sẽ tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên và kinh tế của các tỉnh. Trên hết, các địa phương có thể nâng cao được khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội, đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân. Ví dụ rõ nhất là tại các tỉnh ven biển và khu vực ĐBSCL, các dự án liên quan đến gây bồi, tạo bãi, trồng và phục hồi rừng ngập mặn ven biển được triển khai.

PV: Xin ông cho biết một số nghiên cứu, đề tài mà Viện KHKTTV&BĐKH đang triển khai để góp phần đánh giá được mức độ rủi ro thiên tai ngày càng gia tăng vùng ven biển, và giải pháp đưa ra là gì, thưa ông?

TS. Nguyễn Quốc Khánh: Hiện tại, Viện KHKTTV&BĐKH đã và đang triển khai một số đề tài cấp bộ, cấp Nhà nước về nghiên cứu phân cấp, đánh giá rủi ro các loại hình thiên tai ở Việt Nam; Nghiên cứu xây dựng hệ thống cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai bão và áp thấp nhiệt đới theo các bản tin dự báo khí tượng thủy văn và áp dụng thử nghiệm cho khu vực Bắc Trung Bộ; Đồng thời, nghiên cứu về các giải pháp khoa học và công nghệ quản lý đa thiên tai, xây dựng công cụ hỗ trợ cho khu vực ven biển, khu vực ven biển Trung Trung Bộ… góp phần đánh giá được mức độ rủi ro thiên tai ngày càng gia tăng.

Qua đánh giá của Viện, những giải pháp cấp thiết bao gồm: Nâng cao hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn biển, bao gồm cả dự báo tác động, xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro đa thiên tai vùng ven biển, xây dựng các mốc cảnh báo ngập lụt do nước dâng do bão, triều cường cho toàn dải ven biển; xây dựng hệ thống trực canh và cảnh báo sóng thần kết hợp với cảnh báo các loại thiên tai khác; xây dựng và cập nhật các kịch bản BĐKH và nước biển dâng theo các kịch bản mới nhất chi tiết cho các tỉnh ven biển, trong đó có các dự tính giá trị cực trị của yếu tố mực nước và sóng.

Bên cạnh đó, cần củng cố, nâng cao cấp hệ thống đê biển, đảm bảo chống các cấp bão thường xuyên xảy ra (bão kết hợp triều cường); tăng cường trồng cây chắn sóng, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ở cửa sông, ven biển, bảo tồn cồn cát tự nhiên ven biển.

Các cấp chính quyền cần phải thường xuyên kiểm tra việc đảm bảo an toàn thiên tai đối với các hoạt động xây dựng hạ tầng kỹ thuật, bố trí dân cư (tập trung, nhỏ lẻ), phát triển kinh tế - xã hội, không làm gia tăng rủi ro thiên tai. Đồng thời đánh giá thực trạng, rà soát kịch bản, phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai. Đối với người dân vùng ven biển cần có trách nhiệm chủ động chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm phục vụ hoạt động phòng, chống thiên tai theo hướng dẫn của chính quyền.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng phó hiệu quả với thiên tai vùng ven biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO