Xã hội

Ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế bền vững

Phạm Hoạch 31/07/2023 15:50

(TN&MT) - Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang làm ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói chung, cũng như TP.Móng Cái nói riêng. Việc tìm ra giải pháp thích nghi để phát triển lâu dài, bền vững giúp người dân ổn định cuộc sống là vấn đề rất cần thiết. Để làm rõ hơn những giải pháp của TP. Móng Cái để ứng phó với BĐKH, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn bà Nguyễn Thu Hương - Phó Chủ tịch UBND TP.Móng Cái.

anh-mc-02.jpg
Bà Nguyễn Thu Hương- Phó Chủ tịch UBND Thành phố Móng Cái

Phóng viên: Thưa Bà, xin Bà cho biết hiệu quả của chính sách giảm nghèo đối với người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Thành phố Móng Cái trong thời gian qua, thưa bà?

Bà Nguyễn Thu Hương: Phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo chính sách an sinh xã hội, ổn định, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển Thành phố Móng Cái giai đoạn 2021-2025. Việc tập trung thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo tạo điều kiện để người nghèo, đặc biệt là người nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Theo kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, năm 2021 tổng số hộ nghèo toàn Thành phố là 39 hộ và 180 hộ cận nghèo, trong đó có 16 hộ nghèo và 26 hộ cận nghèo là người dân tộc thiểu số. Dưới sự chỉ đạo của Cấp ủy Đảng và Chính quyền Thành phố, đời sống nhân dân đã từng bước được cải thiện, mức sống được nâng cao. Các chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng gồm đất ở, nhà ở, công trình phụ, giếng nước, hỗ trợ phát triển sản xuất, như con giống, vốn, công cụ sản xuất, đào tạo nghề, tư vấn hỗ trợ việc làm, nhận đỡ đầu trẻ em, hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi... đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo, làm chuyển biến nhận thức, giúp người nghèo có việc làm, phát triển sản xuất, tạo thu nhập ổn định để thoát nghèo.

Việc huy động, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo đã đạt hiệu quả, tính đến tháng 6/2023 đã giảm 12/16 hộ nghèo DTTS (còn 4 hộ nghèo đều thuộc diện bảo trợ xã hội) và 17/26 hộ cận nghèo người dân tộc thiểu số góp phần đảm bảo chính sách an sinh xã hội đối với người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Thành phố.


anh-mc-03.jpg
Diện mạo đô thị Thành phố Móng Cái ngày càng khang trang, sạch đẹp

Phóng viên: Trong những năm gần đây, Thành phố có nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả giúp nhiều hộ thoát nghèo, xin bà cho biết những chính sách hỗ trợ của Thành phố đối với các mô hình này như thế nào?

Bà Nguyễn Thu Hương: Nhằm triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu giảm nghèo nhanh và bền vững theo chuẩn hộ nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021-2025, mục tiêu chung là đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp và thương mại, dịch vụ.

Ban Chỉ đạo giảm nghèo các cấp đã chủ động linh hoạt trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện một cách đồng bộ, lồng ghép vào các chương trình phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo một cách có hiệu quả. Vận dụng tốt các nguồn vốn phát triển kinh tế, gắn với giảm nghèo, mở rộng sản xuất, làm tốt công tác chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát huy sức mạnh nội lực của địa phương, đa dạng hoá các nguồn vốn huy động; thực hiện lồng ghép với nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới.

Các chính sách an sinh xã hội và chính sách trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được lồng ghép triển khai đồng bộ, kịp thời, từ đó tạo điều kiện cho người nghèo phát triển kinh tế gia đình để vươn lên thoát nghèo. Đầu năm 2021, số hộ nghèo là 39 hộ, chiếm tỷ lệ 0,15%; đến tháng 6/2023 đã giảm 23 hộ nghèo, hiện toàn Thành phố còn 16 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,06% (16/16 hộ đều thuộc diện bảo trợ xã hội).

Phóng viên: Những giải pháp trọng tâm của Thành phố để thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo theo chuẩn mới trong thời gian tới?

Bà Nguyễn Thu Hương: Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo theo chuẩn nghèo mới, Thành phố tiếp tục thực hiện những giải pháp trọng tâm. Đó là: Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp; sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận Tổ quôc và các tổ chức chính trị - xã hội từ Thành phố đến các xã, phường, thôn, khu phố đối với công tác giảm nghèo. Tiếp tục tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức và khơi dậy ý chí chủ động tự vươn lên của người nghèo, người cận nghèo để thoát nghèo. Nâng cao nhận thức và đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành; gắn công tác giảm nghèo với nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Nêu gương các tập thể, cá nhân điển hình trong công tác giảm nghèo và nhân rộng các mô hình hiệu quả về giảm nghèo bền vững.

Tập trung bố trí nguồn lực để thực hiện công tác giảm nghèo. Đa dạng hóa nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tạo thành phong trào sâu rộng, thu hút và động viên sự tham gia ủng hộ của các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể, các tổ chức kinh tế - xã hội hỗ trợ người nghèo, hạn chế tối đa hộ nghèo phát sinh, hộ tái nghèo. Phát triển các dịch vụ xã hội cơ bản, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo thông qua thực hiện các chính sách ưu đãi xã hội về bảo hiểm y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, nâng cao trình độ dân trí, trợ giúp pháp lý.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO