Ứng phó biến đổi khí hậu là ưu tiên hợp tác giữa Việt Nam và Niu Di-lân
(TN&MT) - Chiều ngày ngày 30-10, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&NT) Việt Nam Lê Công Thành tiếp và làm việc với bà Caroline Beresfort, Đại sứ Niu Di-lân tại Việt Nam và bà Anna Broadthurst, Cố vấn trưởng về biến đổi khí hậu của Bộ Ngoại giao và Thương mại Niu Di-lân.
Thứ trưởng Lê Công Thành vui mừng được đón tiếp tân Đại sứ của Niu Di-lân tại Việt Nam cùng các cán bộ công tác trong lĩnh vực Biến đổi khí hậu của Bộ Ngoại giao và Thương mại Niu Di-lân, Đại sứ quán Niu Di-lân tại Việt Nam. Thứ trưởng đánh giá cao tiềm năng hợp tác của hai bên trong lĩnh vực biến đổi khí hậu cũng như các lĩnh vực tài nguyên và môi trường khác, cùng hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Trao đổi về hợp tác giữa hai bên, bà Caroline Beresfort, Đại sứ Niu Di-lân tại Việt Nam nhận định, Niu Di-lân và Việt Nam có mối quan hệ hợp tác trải dài và trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Gần đây, mối quan hệ này được thúc đẩy lên một tầm cao mới, nhất là khi Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã thăm Niu Di-lân vào tháng 3 vừa qua và hai bên đã có nhiều hoạt động trao đổi cấp cao giữa hai nước. Năm 2025 là dịp đặc biệt khi đánh dấu kỳ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao song phương, với mong muốn hai nước sẽ nâng lên tầm đối tác chiến lược toàn diện. Trong đó, phía Niu Di-lân muốn cùng Việt Nam tìm hiểu và lựa chọn các nội dung ưu tiên hợp tác, mà việc ứng phó với biến đổi khí hậu được coi là điểm nhấn.
Chia sẻ rõ hơn về nội dung này, bà Anna Broadthurst, cố vấn trưởng về biến đổi khí hậu của Bộ Ngoại giao và Thương mại Niu Di-lân cho biết, Niu Di-lân đã ban hành Chiến lược mới về biến đổi khí hậu. Trong chiến lược này, Niu Di-lân đặt ra 5 trụ cột chính. Một là, nâng cấp cơ sở hạ tầng để thích ứng và tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng về biến đổi khí hậu. Hai là nâng cấp thị trường carbon và thị trường năng lượng để đạt được net zero. Ba là phát triển năng lượng sạch để đảm bảo rằng người dân được tiếp cận năng lượng sạch với giá cả phải chăng. Bốn là thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khoa học công nghệ nhằm đẩy nhanh tiến trình đạt net zero. Năm là triển khai các giải pháo dựa vào tự nhiên, bởi Niu Di-lân vốn có nền kinh tế phụ thuộc vào nông nghiệp. Bà Anna Broadthurst cho rằng, 5 trụ cột này của Niu Di-lân có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam.
Đồng tình với bà Anna Broadthurst, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh, Việt Nam và Niu Di-lân đều là những quốc gia có đường bờ biển dài nên chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Tình trạng này đòi hỏi mỗi quốc gia đều cần xây dựng kế hoạch trước mắt và lâu dài để thích ứng. Tại Việt Nam, các loại hình thiên tai như bão lũ, hạn hãn xâm nhập mặn ngày càng xảy ra dày hơn, với cường độ mạnh hơn. Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững, chú trọng xây dựng cộng đồng dân cư có sức chống chịu bền vững hơn với biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng đang phát triển nền nông nghiệp phát thải ít carbon. Việt Nam cũng đang xây dựng đề án thành lập thị trường tín chỉ carbon và thí điểm vận hành vào năm 2025. Thứ trưởng đề nghị Niu Di-lân chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này với Việt Nam.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Công Thành và bà Caroline Beresfort, Đại sứ Niu Di-lân tại Việt Nam thống nhất việc Bộ TN&MT Việt Nam và Bộ Biến đổi khí hậu Niu Di-lân sẽ ký kết Thỏa thuận hợp tác về biến đổi khí hậu. Đây sẽ là một trong những văn kiện chính được ký kết vào năm 2025 nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 05 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước, dự kiến sẽ ký dưới sự chứng kiến của Lãnh đạo cấp cao hai nước trong khuôn khổ chuyến thăm cấp cao tại Việt Nam hoặc New Zealand. Bên cạnh đó, hai bên sẽ có hoạt động hợp tác bên lề Hội nghị COP29 sắp tới./.