Ông Khuất Hoàng Kiên - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu Tài nguyên môi trường cho biết như vậy, khi trao đổi với Phóng viên (PV) Báo Tài nguyên và Môi trường.
Ông Khuất Hoàng Kiên - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu Tài nguyên môi trường |
PV: Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hiện đại hóa công tác hành chính của Bộ TN&MT thời gian qua được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Khuất Hoàng Kiên:
Trong thời gian qua, lãnh đạo Bộ TN&MT, các đơn vị trực thuộc Bộ đã rất quan tâm đến ứng dụng CNTT và coi đây là nhiệm vụ quan trọng để thực hiện mục tiêu xây dựng vận hành Chính phủ điện tử, cải cách hành chính tại Bộ TN&MT. Bộ đã tập trung chỉ đạo Cục Công nghệ thông tin, Văn phòng Bộ và các đơn vị liên quan triển khai và hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ chỉ tiêu được Chính phủ giao và được Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao trong Báo cáo số 7065/BC-VPCP ngày 25/8/2020 của Văn phòng Chính phủ.
Các hoạt động triển khai vận hành các hệ thống thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu của Bộ đã được thực hiện bao gồm: Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ điện tử; Triển khai phương thức họp, làm việc trực tuyến, Hệ thống thông tin báo cáo tổng hợp ngành TN&MT; Triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Bộ; Vận hành các hệ thống thông tin phục vụ làm việc, chỉ đạo điều hành (Thư điện tử; Thanh tra; Khoa học công nghệ)...
Đẩy mạnh công tác xây dựng các đề án, dự án về ứng dụng CNTT ngành TN&MT, trong đó tập trung đẩy mạnh tiến độ các dự án trọng tâm nhằm hiện đại hoá hành chính phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và quản lý Nhà nước của Bộ; xác lập hạ tầng thông tin, dữ liệu và hạ tầng tri thức, đảm bảo triển khai Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử hướng tới Chính phủ điện tử số, nền kinh tế số ngành TN&MT. Quản lý, vận hành cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, đảm bảo, an toàn, an ninh thông tin... Qua các hoạt động này, có thể thấy rằng, các hệ thống CNTT là các công cụ, phương tiện không thể thiếu trong công tác hành chính hiện nay. Đặc biệt, trong những thời điểm dịch bệnh Covid-19, hệ thống CNTT đã góp một phần đắc lực trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Đây là giai đoạn ghi đậm dấu của của CNTT trong công tác hiện đại hóa hành chính, từ nhận thức, hành động đến kết quả đạt được.
Song tôi cũng cho rằng, công tác ứng dụng CNTT là liên tục, không thể dừng lại hay bằng lòng, nhất là trong bối cảnh phát triển, thay đổi công nghệ diễn ra hàng ngày hiện nay.
PV: Việc triển khai ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính đã góp phần quan trọng trong công tác xây dựng, vận hành Chính phủ điện tử trong năm 2020 ở Bộ TN&MT. Ông có thể cho biết kết quả nổi bật của công tác này?
Ông Khuất Hoàng Kiên:
Việc triển khai triển khai, vận hành Chính phủ điện tử trong năm 2020 ở Bộ TN&MT đã có được nhiều thành tích, kết quả nổi bật được Chính phủ ghi nhận. Thứ nhất, việc vận hành Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ điện tử, tích hợp giải pháp dịch vụ ký số (gồm cả trên thiết bị di động thông minh), kết nối liên thông với Trục liên thông văn bản quốc gia để gửi/nhận văn bản điện tử với các đơn vị ngoài Bộ; kết nối, tích hợp, liên thông với các hệ thống thông tin dùng chung khác của Bộ phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, phân công, xử lý văn bản đi, đến, hồ sơ điện tử với kết quả, hiệu quả rất cao.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính của Bộ TN&MT. Ảnh: MH |
Tính đến ngày 30/9, nội bộ có 37.285 văn bản, số văn bản điện tử đã ký số 33.558 văn bản (chiếm tỷ lệ 90%). Qua Trục liên thông văn bản quốc gia, tổng số văn bản điện tử: 12.072 văn bản, số văn bản điện tử đã ký số 11.712 văn bản (chiếm tỷ lệ 97%). Số liệu này đặc biệt ở chỗ là chúng ta khép kín hoàn toàn từ khâu dự thảo đến ký số, phát hành trên môi trường điện tử, không có in ấn ký thông thường rồi scan đóng dấu điện tử như nhiều cơ quan khác.
Thứ hai, hoàn thành và vượt các chỉ tiêu nâng cấp, tích hợp Cổng Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của Bộ, kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Các dịch vụ như thanh toán trực tuyến, kết nối và xác thực các cơ sở dữ liệu quốc gia như đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội và tới đây là dân cư… tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp khi nộp hồ sơ trực tuyến, hướng tới đơn giản hóa các thành phần hồ sơ phải nộp/xuất trình, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Đến nay, Bộ đã cung cấp được 53 dịch vụ công (DVC) mức độ 3, 54 DVC mức độ 4, đạt tỷ lệ 50,5%; đã tích hợp, cung cấp 17 TTHC (32 DVCTT mức độ 3, 4) lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Đặc biệt, ngày 4/6/2020, Bộ đã khai trương Trung tâm điều hành thông minh. Trung tâm tích hợp hạ tầng dữ liệu TN&MT. Đây là nền tảng triển khai Chính phủ điện tử, giúp xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đáp ứng các nhu cầu ứng dụng CNTT của các đơn vị trực thuộc, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, xây dựng văn phòng thông minh, văn phòng không giấy tờ; là nền tảng để ngành TN&MT đóng góp cho phát triển nền kinh tế số, Chính phủ số, đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.
PV: Với góc nhìn của người làm Công nghệ thông tin, theo ông, trong thời gian tới, việc hiện đại hóa nền hành chính sẽ cần phải thực hiện những nội dụng nào tiếp theo?
Ông Khuất Hoàng Kiên:
Theo tôi, chúng ta cần tiếp tục phải đẩy mạnh việc duy trì, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 tại các các đơn vị thuộc Bộ. Hướng tới xây dựng, ban hành và áp dụng các quy trình điện tử phù hợp với các công cụ CNTT là bắt buộc để phát huy được hết sức mạnh mà CNTT mang lại.
Cùng với đó, triển khai nghiêm túc các Chỉ đạo của Chính phủ trong đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, thực hiện DVCTT, trong đó tập trung lựa chọn, tái cấu trúc quy trình, cung cấp trên môi trường điện tử các thủ tục hành chính có nhu cầu lớn, liên quan nhiều đến hoạt động của người dân, doanh nghiệp, số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết, nâng cao chất lượng dịch vụ theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020. Trước mắt, cần triển khai các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu theo đánh giá của Liên Hợp quốc theo mô hình tập trung thống nhất trên Cổng Dịch vụ công quốc gia cho nhóm thủ tục hành chính về đăng ký đất đai và đánh giá tác động môi trường theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
PV: Trân trọng cám ơn ông!