Hội nghị do UBND tỉnh phối hợp với HĐND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh và Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức. Tham gia Hội nghị có lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các Sở, Ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có 16 chương, 236 điều, phạm vi sửa đổi toàn diện các lĩnh vực, nội dung, chính sách.
Trong đó có 9 nội dung trọng tâm được lấy ý kiến rộng rãi bao gồm: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực trong quản lý đất đai; quy định về hộ gia đình quản lý sử dụng đất.
Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 29 về tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đối với sở, ban, ngành, huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn; các tổ chức, cá nhân, cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Đến ngày 13/3, đã có 6/9 huyện, thành phố, 18/36 sở, ban, ngành và 4 cơ quan, đơn vị đã có ý kiến tham gia góp ý. Các cơ quan, tổ chức cũng đã tổ chức 58 hội nghị, hội thảo, nhận được 422 lượt ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân.
Tại cuộc họp, các đại biểu đều khẳng định việc sửa đổi Luật Đất đai là hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu bức thiết trong quá trình phát triển.
Trên cơ sở rà soát các chương, điều được dự thảo trong Luật Đất đai, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã chặt chẽ, hợp lý, các quy định cơ bản rõ ràng, dễ hiểu, dễ tra cứu so với Luật Đất đai hiện hành; bố cục trong từng chương, mục bảo đảm logic, thuận lợi trong việc thi hành cũng như cho nhân dân tìm hiểu, tra cứu.
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị nên xem xét bổ sung, làm rõ các quy định về thu hồi đất, quy định bồi thường, tái định cư; nguyên tắc xác định giá đất cần chặt chẽ, bảo đảm tạo quỹ đất sạch để đấu giá.
Bên cạnh đó, một số điều khoản trong dự thảo Luật chưa thống nhất với các luật chuyên ngành khác như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở…; cần quy định rõ gia hạn sử dụng đất trước hay gia hạn dự án trước tránh gây khó khăn cho các sở, ngành trong quá trình thực hiện; bổ sung quy định chuyển tiếp để có cơ chế giải quyết những vướng mắc, bất ổn tồn tại trong quá trình tổ chức thực hiện Luật Đất đại trong các giai đoạn trước…
Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Nguyễn Văn Khước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao ý kiến tham gia góp ý của các đại biểu tại hội nghị. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khước nhấn mạnh: Việc tổ chức lấy ý kiến tham gia vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ tập thể, tâm huyết của cơ quan các cấp, nhân dân nhằm góp phần hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả; phản ánh ý trí, nguyện vọng, lợi ích nhân dân và tạo không gian, nguồn lực cho sự phát triển của đất nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khước giao Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp đầy đủ các ý kiến để tham mưu UBND tỉnh có báo cáo góp ý chất lượng tốt nhất gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường.