Không được nhận đất để sản xuất
Cuối năm 2016, UBND xã Quảng Sơn, TX.Ba Đồn thực hiện theo chủ trương đồn điền đổi thửa trong đó tại thôn Thọ Hạ cũng thành lập hội đồng thực hiện đúng chủ trương, lấy ý kiến của người dân và đều được người dân đồng tình theo hình thức bốc thăm. Trong quá trình bốc thăm, hộ nào bốc thăm trúng đất tại khu vực nào thì sẽ nhận ở đó để sản xuất, canh tác.
Như các hộ dân khác, hộ gia đình bà Trần Thị Bảy cũng nhất trí theo hình thức bốc thăm nhận đất canh tác, sản xuất. Quá trình bốc thăm để nhận đất canh tác bà Trần Thị Bảy bốc được phiếu số 62 với diện tích là hơn 300m2 tại khu vực đồng Sải. Tuy nhiên, khi đến nhận đất để sản xuất mùa vụ thì bất ngờ hộ ông Trương Duy Tuân lại không chịu giao đất cho bà Bảy với lý do là đất này là đất của họ. Do không được giao đất nên bà Trần Thị Bảy không có đất để sản xuất.
Bà Trần Thị Bảy bức xúc: “Thực hiện đúng chủ trương của Nhà nước tôi và những tất cả người dân đều đồng tình thực hiện bốc thăm, nhưng khi bốc thăm được đất thì không được giao để sản xuất. Gia đình ông Tuân không chịu giao đất cho tôi theo như nghị quyết và chính gia đình ông đã cam kết thực hiện trước đó, trong khi đó đất mà hộ ông Tuân bốc thăm được tại vùng đồng khác gia đình ông này đã nhận sản xuất, canh tác. Tôi có 5 người con, nhưng hiện nay tôi ở một mình, hàng ngày cũng đi buôn bán rau tại chợ và nhờ mấy sào ruộng. Dồn điền đổi thửa đất ruộng bốc thăm được lại không thể sản xuất, nhiều lần tôi kiến nghị, phản ánh lên chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được”.
Điều đáng nói là, trong quá trình bốc thăm nhận đất, hộ ông Trương Duy Tuân cũng thực hiện bốc thăm nhận đất khu vực đồng Phèn Cồn Trinh và sản xuất từ đó cho đến nay. Nhưng khi gia đình bà Trần Thị Bảy bốc thăm được đất cạnh nhà ông Tuân thì hộ này không chịu giao đất mà ngược lại còn đóng cột bê tông và rào thép vây lại một phần diện tích của thửa đất để sản xuất.
Trao đổi với PV, ông Trương Minh Bưa- Trưởng thôn Thọ Hạ, xã Quảng Sơn, cho biết: “Dồn điền đổi thửa mình thực hiện theo chủ trương Nhà nước, TX.Ba Đồn, Đảng ủy xã, UBND xã có hướng dẫn từng bước để thôn làm. Họp dân lần 2 dân tán thành, nhất trí 100% đồng tình thực hiện theo hình thức bốc thăm, nếu gia đình nào bốc thăm được đất tại khu vực nào thì sản xuất ở đó. Trường hợp nhà anh Tuân đã nhận cả 2 vùng, cũng theo bốc thăm được, còn đất của mệ Bảy bốc thăm được số 62 nhưng anh Tuân ra cản trở không cho, còn đe dọa, trong lúc đó vợ là một Đảng viên. Khi đó, tổ đã lập biên bản, kiến nghị gửi lên cho UBND xã để giải quyết. Đất này trước khi dồn điền đổi thửa có giao cho anh Tuân, nhưng khi dồn điền đổi thửa đã có kiến nghị rồi thì đất này là đất theo Nghị định 64 để dồn điền đổi thửa. Xã có mời lên giải quyết nhưng không thành, xã có về giao đất cho mệ Bảy nhưng ông Tuân rút móc vứt đi. Giải quyết nhiều lần nhưng không có nhà nào nhất trí, anh Tuân khăng khăng đất đó là đất của anh”.
Được biết, ngày 05/05/2017, UBND xã Quảng Sơn đã có Thông báo Kết luận giải quyết tờ trình của Tổ dồn điền đổi thửa xóm 1 thôn Thọ Hạ. Thống báo này nêu rõ việc việc ông Trương Duy Tuân không giao đất để tiểu ban dồn điền đổi thửa xóm 1 (Thọ Hạ) giao đất cho bà Trần Thị Bảy là sai với Đề án, phương án dồn điền đổi thửa của UBND xã Quảng Sơn, chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. UBND xã Quảng Sơn yêu cầu ông Trương Duy Tuân phải giao trả lại đất cho ban cán sự thôn Thọ Hạ để ban cán sự thôn giao lại cho hộ bà Trần Thị Bảy; Giao trách nhiệm cho hộ ông Trương Duy Tuân từ ngày 04-10/5/2017 phải tự tháo dỡ hàng rào, thu hoạch cây trồng trên thửa đất 573, để tập thể giao lại cho hộ bà Trần Thị Bảy.
Tuy nhiên, từ đó cho đến nay hộ ông Trương Duy Tuân vẫn không chịu giao đất cho bà Trần Thị bảy mà vẫn ngang nhiên sản xuất, canh tác một phần diện tích của thửa đất này.
Chính quyền địa phương bất lực?
Hiện, diện tích đất mà lẽ ra bà Trần Thị Bảy được nhận để sản xuất nay một phần gia đình ông Trương Duy Tuân sản xuất, còn số diện tích còn lại vẫn bỏ hoang hơn 2 năm qua, thửa đất trở thành bãi cỏ hoang.
“Ba mùa rồi tôi không có đất để canh tác, giờ tôi chỉ muốn nhận được phần đất được giao theo Nghị định 64 mà tôi đã bốc thăm được. Các cấp ngành có giải pháp để giao đất cho gia đình tôi sản xuất, giải quyết đúng diện tích đất mà tôi được giao”, bà Trần Thị Bảy cho biết.
Trao đổi với PV Báo TN&MT về vấn đề này, ông Mai Trung Kiên- Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn cho biết, hiện tại bế tắc chưa giải quyết được. Cũng theo ông Kiên cách duy nhất là hòa giải nếu hòa giải không thành thì kiến nghị lên thị xã Ba Đồn để có phương án giải quyết. “Sau khi thực hiện chủ trương của tỉnh, thị về đồn điền đổi thửa, họp triển khai từ xã có nghị quyết Đảng bộ, cụm dân cư có nghị quyết, lấy ý kiến của dân và được dân đồng thuận. Riêng ở thôn Thọ Hạ thống nhất xóa tất cả hiện trạng để quy hoạch hệ thống giao thông nội đồng, tích tụ các loại đất và sau đó chia lại, bóc thăm lại. Trình tự rất đầy đủ, sau khi bốc thăm thì có vướng mắc giữa bà Bảy và ông Tuân, hiện trạng bây giờ là bế tắc chưa giải quyết được”.
Theo ông Kiên mặc dù ông Trương Duy Tuân vẫn đồng ý bốc thăm theo Nghị quyết và cũng đã bốc thăm được đất để sản xuât nhưng lại không chịu giao đất cho bà Trần Thị Bảy sản xuất. Vì trước đây thửa đất này do ông Tuân sản xuất, mà GCNQSDĐ này của ông Tuân chưa bị hủy bỏ.
“Theo quy định mới chưa thể sang tên cho bà Bảy được, mà cưỡng chế không được vì hiện trạng GCNQSDĐ mang tên ông Tuân vẫn chưa bị hủy bỏ, làm xong mới cấp đổi được. Đất này là đất theo Nghị định 64 mà anh Tuân sản xuất trước khi dồn điền đổi thửa, nằm liền kề đất vườn và đất nhà ở, do đó anh Tuân không chịu giao cho bà Bảy. Dồn điền đổi thửa là được sự đồng thuận của dân, bà Bê vợ ông Tuân là Đảng viên tại nghị quyết cũng đồng tình theo chủ trương. Xã chỉ cũng vận động để hai bên thương lượng, còn mọi hồ sơ pháp lý giờ vẫn của ông Tuân nhưng theo nghị quyết ông cũng đồng tình nhưng sau đó lại không chịu giao đất cho bà Bảy”.
Do hộ ông Trương Duy Tuân không chịu giao đất nên từ năm 2016 đến nay bà Trần Thị Bảy đã không có đất để sản xuất, sự việc này đến nay vẫn chưa thể giải quyết khiến cho bà Trần Thị Bảy hết sức bức xúc.