Xã hội

Tuyên Quang: Phát huy nguồn lưc từ tín dụng chính sách để giảm nghèo

Vy Huyền 30/09/2024 - 22:00

(TN&MT) - Trong những năm gần đây, nguồn tín dụng chính sách đã trở thành một công cụ đắc lực trong công tác giảm nghèo và nâng cao đời sống người dân trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn là một xã miền núi còn nhiều khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm khoảng một nửa dân số toàn xã. Từ năm 2020, nguồn vốn tín dụng chính sách chủ yếu tập trung vào các chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, cho vay giải quyết việc làm và nước sạch vệ sinh môi trường. Với cơ chế, thủ tục cho vay thuận lợi, người nghèo và các đối tượng chính sách không phải thế chấp tài sản, vốn vay được giải ngân tại điểm giao dịch xã. Mức cho vay phù hợp giúp khởi tạo sản xuất, kinh doanh, tạo dựng tài sản, ổn định thu nhập tiến tới thoát nghèo.

cc3953bd557c5ee37906b1a4ab75b027.jpg
Có vốn, người dân mạnh dạn đầu tư sản xuất để thoát nghèo

Đặc biệt, hoạt động có sự đồng hành từ các cấp Hội Nông dân trong xã và huyện trong việc nắm bắt nhu cầu vốn, tiếp cận thông tin, hướng dẫn hội viên hoàn chỉnh hồ sơ vay vốn, thu nợ theo lịch trực tại UBND xã, tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế.

Bà Ngô Thị Thúy Xuyến, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Sơn cho biết: Hiện nay NHCSXH huyện và các tổ chức chính trị - xã hội đang quản lý 453 tổ tiết kiệm và vay vốn ở tất cả 335 thôn, bản; tổ chức giao dịch tại 28/28 điểm giao dịch ở các xã, thị trấn.

Thực hiện hiệu quả các Văn bản của Nhà nước, từ nguồn vốn vay đời sống của người dân ngày càng được nâng lên. Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn huyện Yên Sơn, vốn tín dụng chính sách đã giúp cho gần 19.800 hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn phát triển sản xuất; 150 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn đi học; gần 2.400 lao động được tạo việc làm mới, 20 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; trên 10.300 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây dựng; xây dựng, sửa chữa được gần 720 căn nhà cho hộ nghèo...

Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hàng trăm hộ gia đình nơi đây đã có cơ hội cải thiện sinh kế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

98b22c2ec768c8258e7129c9aa38324a.jpg
Người dân có thể vay vốn chính sách xã hội để xây dựng, sửa chữa, kiên cố hóa nhà ở

Tương tự, tại huyện Sơn Dương, huyện đã chủ động bố trí kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội theo hướng tích hợp các chương trình tín dụng chính sách trong các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án khác theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của huyện. Đến nay, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Phòng giao dịch NHCSXH huyện đạt trên 12 tỷ đồng. Đồng thời, huyện cũng chỉ đạo các phòng ban chuyên môn và UBND các xã, thị trấn làm tốt công tác điều tra, rà soát, xác định đối tượng vay vốn để hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được thụ hưởng kịp thời các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ...

Điển hình là gia đình anh Triệu Văn Kiên, dân tộc Dao, thôn Đồng Phai, xã Hợp Hòa, huyện Sơn Dương, nguồn tín dụng chính sách đã giúp gia đình anh xây dựng được ngôi nhà mới khang trang, kiên cố. Anh Kiên chia sẻ, gia đình anh là hộ nghèo, nhiều năm sống trong căn nhà cũ đã dột nát. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, gia đình anh được hỗ trợ 50 triệu đồng để xóa nhà tạm, nhà dột nát. Cùng với đó, anh được vay thêm 40 triệu đồng từ chương trình vay vốn làm nhà ở theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 – 2025. Sau hơn 3 tháng xây dựng, tháng 11/2023, cả gia đình anh được dọn về nhà mới. Căn nhà xây 3 gian kiên cố giúp cuộc sống gia đình ổn định hơn. Từ đó, anh Kiên có thêm động lực để lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Để nguồn vốn vay ưu đãi đến đúng đối tượng và phát huy hiệu quả, NHCSXH huyện Sơn Dương đã duy trì 517 tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, tổ dân phố. Bên cạnh đó, việc bố trí cán bộ phụ trách từng chương trình, địa bàn cụ thể cũng được chú trọng, trong đó ưu tiên cán bộ có kinh nghiệm đảm nhận thực hiện các chương trình có vốn lớn, đối tượng thụ hưởng nhiều. Ngay sau khi có thông tin về khách hàng, cán bộ phụ trách lập danh sách, hướng dẫn hoàn thiện thủ tục vay vốn, bảo đảm nguồn vốn đến với khách hàng nhanh nhất. Phòng giao dịch phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hướng dẫn các hộ lựa chọn mô hình phù hợp để đầu tư, sử dụng vốn vay hiệu quả.

Bà Phạm Thị Nhị Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương cho biết, hoạt động tín dụng chính sách xã hội thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người nghèo và các đối tượng chính sách; được các tầng lớp Nhân dân đón nhận và đồng tình ủng hộ. Đây là một trong những trụ cột tích cực, quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dụng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

4a3c30c743c330f3d0667a989f81e115.jpg
Cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Sơn Dương làm thủ tục giải ngân vốn

Thời gian tới, huyện Sơn Dương sẽ tiếp tục rà soát và tập trung các nguồn vốn tín dụng, các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước vào một đầu mối là Phòng giao dịch NHCSXH huyện để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội quy định.

Đồng thời, hàng năm, xem xét cân đối ổn định từ 1,1 - 1,5 tỷ đồng nguồn vốn từ ngân sách huyện ủy thác cho Phòng giao dịch NHCSXH huyện để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện theo chỉ đạo của UBND tỉnh; mở rộng các cuộc vận động vì người nghèo để vận động các tổ chức doanh nghiệp, cá nhân tự nguyện tham gia đóng góp bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội.

Địa phương cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, người dân trên địa bàn huyện gửi tiền tiết kiệm vào Phòng giao dịch NHCSXH huyện để bổ sung thêm nguồn vốn đáp ứng nhu cầu cho vay đối với Nhân dân trên địa bàn...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyên Quang: Phát huy nguồn lưc từ tín dụng chính sách để giảm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO