Tương lai nào cho “Ông Ba Mươi”?: “Cánh cửa hẹp” thoát vòng vây tuyệt chủng

Tống Minh (thực hiện)| 28/07/2020 14:15

(TN&MT) - Cùng với sự gia tăng dân số và phát triển kinh tế, các nguồn tài nguyên quý giá của tự nhiên dần bị cạn kiệt, nhiều loài động vật, thực vật hoang dã tại Viêt Nam trở lên nguy cấp và bị đe dọa tuyệt chủng, đặc biệt là các loài thú lớn trong số đó có phân loài hổ Đông Dương.

Báo Tài nguyên và Môi trường đã trao đổi với ông Vương Tiến Mạnh (ảnh) - Phó Giám đốc Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam về vấn đề này.

PV: Trong Công ước CITES, hổ (Panthera tigris) được liệt kê trong Phụ lục I, tức là “loài động vật hoang dã (ĐVHD) bị đe dọa tuyệt chủng, bị cấm xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển và quá cảnh mẫu vật khai thác từ tự nhiên vì mục đích thương mại”. Tình trạng hổ “đang bị đe dọa tuyệt chủng” cụ thể ra sao, thưa ông?

Ông Vương Tiến Mạnh:

Trên thế giới loài hổ (Panthera tigris) có 9 phân loài Sub-species, tuy vậy, hiện nay, đã có 3 phân loài hổ đã bị tuyệt chủng gồm: hổ Java, hổ Bali và hổ Caspian; phân loài hổ Nam Trung Hoa gần như tuyệt chủng trong tự nhiên; 5 phân loài hổ còn tồn tại là hổ Begal, hổ Đông dương, hổ Sumatran, hổ Siberian và hổ Malayan.

Theo Diễn đàn hổ toàn cầu, cách đây một thế kỷ có tới 100 nghìn cá thể hổ phân bố ở khắp lục địa châu Á. Ngày nay, quần thể hổ ngoài tự nhiên chỉ còn khoảng 3.900 cá thể. Tất cả các phân loài hổ hiện còn đều được IUCN xếp vào bậc nguy cấp (Endangered), thậm chí hai phân loài hổ Sumatra và Malayan được xếp vào bậc cực kỳ nguy cấp (Critically Endagared).

Ông Vương Tiến Mạnh - Phó Giám đốc Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam

Tại Việt Nam, theo số liệu Điều tra năm 2010 của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, hổ chỉ còn lại dưới 50 cá thể trong tự nhiên. Gần đây, không có nghiên cứu, điều tra tổng thể về hổ. Tuy vậy, trong 5 năm gần đây, các báo cáo điều tra về đa dạng sinh học, động vật hoang dã khác không ghi nhận hổ trong tự nhiên.

PV: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giảm nghiêm trọng quần thể hổ tại Việt Nam là gì? Đâu là những nguy cơ mà loài hổ tiếp tục phải đối mặt trong thời gian tới?

Ông Vương Tiến Mạnh:

Tại Việt Nam việc quần thể hổ bị suy giam chủ yếu là hai nguyên nhân, đầu tiên là do mất sinh cảnh, sự suy giảm con mồi của hổ (chủ yếu là các loài thú móng guốc) và bị săn, bẫy bắt trái pháp luật thời gian dài, ngoài ra, có thể để các nguyên nhân xa hơn như là chiến tranh hoặc tự nhiên.

Mất sinh cảnh sống, săn, bẫy, bắt trái pháp luật vẫn là hai nguyên nhân tiếp tục đe dọa đến các loài động vật hoang dã nói chung và các loài mèo lớn, trong đó có hổ nói riêng.

Các nguyên nhân gián tiếp khác như văn hóa tiêu dùng, coi các sản phẩm chế biến của hổ là một loại thuốc chữa bệnh, đồ tranh trí làm tăng nhu cầu và động cơ buôn bán hổ trái pháp luật.

PV: Để bảo tồn hổ, những chính sách quốc tế và Việt Nam đã được đặt ra ra sao? Ông có đánh giá như thế nào về việc thực thi những chính sách đó?

Ông Vương Tiến Mạnh:

Để bảo tồn hổ trên toàn cầu, cộng đồng quốc tế đã có nhiều nỗ lực, trong đó, hổ có tên trong Phụ lục I của CITES từ năm 1975. CITES quy định các quốc gia không được nuôi hổ phục vụ mục đích thương mại, nghiêm cấm buôn bán hổ quốc tế. Các nước có hổ phân bố và các nhà tài trợ đã thành lập các diễn đàn như Diễn đàn hổ toàn cầu (Global tiger forum), Sáng kiến hổ toàn cầu (Global tiger initiative). Tại tất cả các quốc gia có hổ phân bố, hổ được bảo vệ ở mức cao nhất.

Tại Việt Nam, hổ có tên trong Danh mục cấm đầu tư, kinh doanh trong Luật Đầu tư, hổ thuộc Nhóm IB và thuộc loài Ưu tiên bảo vệ theo quy định của Chính phủ theo đó nghiêm cấm săn, bắt, buôn bán vì mục đích thương mại. Việt Nam tích cực tham gia xây dựng các Nghị quyết, Quyết định của Công ước CITES liên quan đến hổ và các loài mèo lớn góp phần vào việc hình thành chính sách quản lý trên toàn cầu.

Thủ tướng ban hành Quyết định số 539/QĐ-TTg ngày 16/4/2014 phê duyệt Chương trình bảo tồn hổ quốc gia giai đoạn 2014 - 2022. Việc thực hiện các chính sách trên còn nhiều thách thức, tuy vậy, về cam kết chính trị Việt Nam là một trong số các quốc gia tích cực thực hiện các chính sách bảo tồn động vật hoang dã, thực thi các cam kết quốc tế.

Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp, trong đó, có tập trung rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan như Luật Lâm nghiệp 2017 và các Nghị định dưới Luật; sửa đổi Bộ luật Hình sự 2015, trong đó theo Điều 244 quy định việc buôn bán, săn bắt, chế biến hổ có thể bị xử phạt đến 15 năm tù, phạt tiền đến 15 tỷ đồng.

Trong năm 2018 - 2019, các cơ quan chức năng Việt Nam đã phát hiện và bắt giữ 31 vụ buôn bán, vận chuyển, tàng trữ mẫu vật hổ và các loài mèo lớn trái pháp luật. Trong đó, có 15 vụ buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái pháp luật mẫu vật hổ (chiếm 48,38% tổng số vụ bắt giữ). Đặc biệt, hoạt động buôn bán, vận chuyển thường xảy ra ở các tỉnh có đường biên giới với Lào như Nghệ An. Bên cạnh đó, hoạt động buôn bán, vận chuyển mẫu vật hổ cũng đã bị phát hiện tại Hà Nội. Chủ yếu các tang vật của các vụ buôn bán, vận chuyển trái pháp luật là hổ (con) đông lạnh và xuất hiện các bộ da hổ, vận chuyển 7 cá thể hổ từ Nghệ An ra Hà Nội.

Ngoài ra, những năm gần đây, các cơ quan, tổ chức liên quan đã thực hiện nhiều chiến dịch tuyên truyền giảm cầu động vật hoang dã, trong đó, có hổ, đồng thời, tăng cường phổ biến pháp luật trong công chúng. Một trong các đối tượng tuyên truyền là thế hệ trẻ, Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam đã phối hợp với Vụ Công tác học sinh, sinh viên xây dựng và trình Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua và đưa vào giảng dậy ở cấp bậc phổ thông giáo trình bảo tồn động vật hoang dã, tập trung vào một số loài động vật nguy cấp, trong đó có hổ.

PV: Đâu là những tồn tại, hạn chế trong hoạt động bảo tồn loài hổ hiện nay, bên cạnh những vấn đề về chính sách mà ông vừa phân tích?

Ông Vương Tiến Mạnh:

Hoạt động buôn bán hổ trái pháp luật vẫn diễn biến phức tạp, có sự tham gia của các đường dây tội phạm quốc tế hoạt động rất tinh vi. Trong khi hoạt động nuôi hổ trên thế giới tại một số quốc gia như Hoa Kỳ, Nam Phi, Thái Lan, Trung Quốc có số lượng lớn. Quan điểm về nuôi hổ và động vật hoang dã ở cấp độ quốc tế còn khác biệt, một số quốc gia ủng hộ việc nhân nuôi, bảo tồn động vật hoang dã, trong đó có nuôi hổ, trong bối cảnh quần thể tự nhiên bị suy giảm.

Báo Hoa Mai quý hiếm. Ảnh Trung Oanh

Một số văn bản pháp luật còn chồng chéo hoặc chưa rõ ràng dẫn đến việc áp dụng pháp luật chưa đồng bộ, thống nhất. Bảo vệ sinh cảnh hổ rất khó khăn, trong bối cảnh áp lực dân số trong và xung quanh các khu bảo tồn thiên nhiên ngày một cao, trong khi sinh kế của cộng đồng phụ thuộc quá nhiều vào tài nguyên thiên nhiên.

Việt Nam chịu tác động của của hoạt động trung chuyển quốc tế mẫu vật động vật hoang dã và hổ. Năng lực thực thi pháp luật đã được tăng cường xong chưa đủ, hợp tác liên ngành trong chia sẻ thông tin, hợp tác liên biên giới còn hạn chế trong khi các đường dây buôn bán động vật hoang dã có sự tham gia của các tổ chức tội phạm quốc tế hoạt động rất tinh vi. Thiếu các Hiệp định tương trợ tư pháp giữa quốc gia có hổ nuôi, hổ tự nhiên với các quốc gia trung chuyển, quốc gia điểm đến cuối cùng.

PV: Riêng về việc nuôi nhốt hổ hiện nay, liệu có còn những lỗ hổng trong quy định pháp luật về vấn đề này?

Ông Vương Tiến Mạnh:

Chính sách, pháp luật của Việt Nam rất rõ ràng, hiện nay, pháp luật Việt Nam không cho phép nuôi hổ để buôn bán thương mại. Điều kiện nuôi động vật hoang dã được quy định chặt chẽ tại Nghị định số 160/2013/NĐ-CP, Nghị định số 06/2019/NĐ-CP. Hoạt động nuôi hổ được quản lý, giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý tại địa phương như công an, kiểm lâm cũng như sự giám sát của các tổ chức dân sự xã hội.

Pháp luật hiện còn thiếu quy định về quy mô (số lượng) hổ được phép nuôi cho một cơ sở trưng bày, giáo dục, bảo tồn. Các cá thể hổ đang được nuôi hiện nay chưa được đánh dấu đầy đủ để quản lý, tránh trường hợp chủ nuôi cố tình "đánh tráo" mẫu vật bên ngoài. Thiếu quy định về tiêu chuẩn chuồng trại riêng với nuôi hổ và các loài mèo lớn.

PV: Thời gian tới, ông có đề xuất gì về giải pháp bảo tồn hổ?

Ông Vương Tiến Mạnh:

Cần lựa chọn một số khu Bảo tồn thiên nhiên, Vườn Quốc gia có tiềm năng để ưu tiên phục hồi sinh cảnh để phục vụ nghiên cứu tái thả hổ lại tự nhiên. Đầu tư cho nghiên cứu khoa học về khảo sát hổ tự nhiên, nuôi phục vụ bảo tồn hổ đông dương để thử nghiệm các hoạt động tái thả hổ.

Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm, pháp luật để quản lý chặt chẽ hoạt động buôn bán, vận chuyển, nuôi nhốt hô, đặc biệt là nghiên cứu đưa vào văn bản quy định nghiêm cấm hành vi tiêu dùng động vật hoang dã trái pháp luật. Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật chuồng nuôi hổ và các loài mèo lớn hoang dã.

Thời gian qua, tất cả các vụ buôn bán, tàng trữ hổ, mèo lớn khi bị bắt giữ đều được cơ quan chức năng khởi tố, truy tố. Điển hình như TAND TP. Hà Nội đã xử 3 đối tượng buôn bán hổ trái phép, xử phạt tổng cộng 16 năm tù vì hành vi buôn bán 7 cá thể hổ con đông lạnh tại Hà Nội tháng 7/2019.

Tăng cường nâng cao năng lực điều tra, truy tố, xét xử các hoạt động buôn bán, nuôi nhốt, tàng trữ, chế biến hổ và động vật hoang dã. Thực hiện một số chiến dịch điều tra, truy quét các đường dây buôn bán hổ và động vật động vật hoang dã.

Thúc đẩy các hoạt động hợp tác liên ngành, liên chính phủ, đặc biệt với các quốc gia láng giềng như Lào, Campuchia, Trung Quốc nhằm ngăn chặn hoạt động buôn bán hổ quốc tế trái phép.

Tăng cường quản lý chặt hoạt động nuôi hổ thông qua giám sát các điều kiện nuôi, thực hiện đánh dấu hổ bằng micro chip, lấy mẫu ADN để lập hồ sơ quản lý đến từng cả thể hổ.

Tiếp tục thực hiện các hoạt động tuyên truyền, giáo dục bảo tồn, giảm cầu sử dụng trái pháp luật động vật hoang dã.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tương lai nào cho “Ông Ba Mươi”?: “Cánh cửa hẹp” thoát vòng vây tuyệt chủng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO