Từng bước cải thiện chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn

20/06/2019 18:48

(TN&MT) - Tại Hội nghị Tổng kết công tác phòng chống thiên tai năm 2018, triển khai nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự phối hợp của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT với Bộ TN&MT. Chất lượng dự báo từng bước được cải thiện theo hướng ngày càng chi tiết, cụ thể hơn. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ TN&MT tập trung xây dựng hoàn thiện hệ thống trạm khí tượng thủy văn quốc gia, triển khai các trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng theo pháp luật về KTTV, đồng thời, tích cực xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cho ngành KTTV.

 Hội nghị do Ban Chỉ đạo TW về PCTT tổ chức sáng ngày 20/6 tại Hà Nội, với sự tham dự của đại diện lãnh dạo Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và Ban chỉ huy PCTT&TKCN một số tỉnh, thành phố. Hội nghị cũng kết nối trực tuyến đến ban chỉ huy các cấp tỉnh, huyện, xã ở 63 tỉnh trên cả nước. 

thu truong
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu tại Hội nghị 


Đại diện Lãnh đạo Bộ TN&MT tham dự Hội nghị, Thứ trưởng Lê Công Thành đã tổng kết công tác PCTT năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ triển khai năm 2019 của Bộ TN&MT. Theo đó, năm 2018 đánh dấu mốc đặc biệt quan trọng đối với lĩnh vực KTTV, khi Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Tổng cục KTTV trực thuộc Bộ TN&MT.

Cùng trong năm này, Bộ TN&MT đã tiếp tục chỉ đạo tăng cường, nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý Nhà nước toàn diện các hoạt động KTTV. Điển hình là việc dự báo, cảnh báo đạt độ tin cậy cao đối với 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, 23 đợt không khí lạnh, 30 đợt mưa lớn và 11 đợt nắng nóng trên diện rộng, 5 đợt lũ lớn lịch sử cùng hàng chục đợt lũ quét, sạt lở đất. Đặc biệt, đã cảnh báo sớm và dự báo sát tình hình lũ lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Thời gian qua, lĩnh vực KTTV thường xuyên nhận được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo quyết liệt, sâu sát của lãnh đạo Chính phủ, ban chỉ đạo Trung ương về PCTT, Bộ TN&MT, sự phối hợp và giúp đỡ hiệu quả của các cơ quan, đơn vị liên quan. Năng lực của ngành KTTV Việt Nam đã có bước nâng cao, thể hiện ở việc Tổ chức Khí tượng Thế giới đã chọn Việt Nam làm Trung tâm dự báo hỗ trợ khu vực Đông Nam Á về bão, mưa lớn, gió mạnh và dự kiến mở rộng phạm vi hỗ trợ sang lũ, lũ quét. Hoạt động KTTV chuyên dùng trên cả nước được tăng cường thông qua hàng nghìn trạm quan trắc khăps các ngành, lĩnh vực, địa phương.

quang canh
Quang cảnh hội nghị


Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác dự báo, cảnh báo KTTV, Bộ TN&MT kiến nghị một số giải pháp lớn. Ưu tiên đầu tiên là tăng cường khai thác sử dụng hiệu quả thông tin, dữ liệu KTTV trong phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Tổng cục KTTV có trách nhiệm huy động mọi nguồn lực, tìm các giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao độ tin cậy, tính kịp thời của bản tin dự báo, cảnh báo; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về thiên tai KTTV và cách phòng tránh tới cộng đồng và từng người dân.
Bộ TN&MT đề nghị các Bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo, thường xuyên cập nhật, sử dụng các thông tin, dữ liệu KTTV, định hướng về phân vùng rủi ro thiên tai KTTV trong quá trình xây dựng, thực hiện các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, các ngành, lĩnh vực, địa phương cần tăng cường chia sẻ thông tin từ các hồ chứa thủy điện, thủy lợi và công trình khác theo Luật KTTV và Nghị định số 38/2016 của Chính phủ.

Bộ TN&MT cũng kiến nghị Chính phủ có chính sách huy động hiệu quả nguồn lực đầu tư cho mạng lưới quan trắc, hệ thống thông tin, dữ liệu và công nghệ dự báo, như: xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động KTTV, khuyến khích sử dụng các thiết bị KTTV “Made in Việt Nam”. Đồng thời, ứng dụng các thành tựu KHCN hiện đại nhằm biến thông tin KTTV thực sự trở thành một phần của cơ sở hạ tầng, là tài nguyên số thông tin, dữ liệu cung cấp “đầu vào” toàn diện cho các ngành,lĩnh vực kinh tế - xã hội và phục vụ phòng chống thiên tai.

Trong năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương cho phép thuê dịch vụ đo mưa tự động thay thế 370 điểm đo mưa nhân dân phục vụ công tác dự báo, đặc biệt là mưa lũ. Thực tiễn triển khai cho thấy, đây là chủ trương mới và hiệu quả. Bởi vậy, Bộ TN&MT kiến nghị Thủ tướng cho phép Bộ tiếp tục triển khai dịch vụ mua số liệu quan trắc mưa tự động thời gian thực tại 3.351 điểm trên phạm vi toàn quốc và tích hợp được với mạng lưới đo mưa đang có, để tạo ra mạng lưới đo mưa gồm 4.304 điểm đo mưa, phục vụ đắc lực cho việc dự báo mưa định lượng.

Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cũng kiến nghị Thủ tướng đồng ý về chủ trương cho xây dựng chính sách, giải pháp nâng cao vai trò, vị thế quốc gia trong các hoạt động song phương, đa phương về KTTV.

Nhận định về tình thiên tai năm 2019, theo Trung tâm KTTV quốc gia, hiện tượng El Nino yếu sẽ duy trì đến hết năm 2019, tác động theo chiều hướng nắng nóng, ít mưa, ít bão nhưng bất thường và có khả năng xuất hiện bão mạnh.Mùa bão năm 2019 có xu hướng muộn hơn trung bình nhiều năm (TBNN), số lượng 10-12 cơn bão/ATNĐ, trong đó 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, nhiều khả năng tập trung ở Trung Bộ.

Các khu vực trên cả nước có nền nhiệt cao hơn so với bình thường trong các năm. Nắng nóng xuất hiện theo nhiều đợt ngắn ngày ở bắc Bộ, kéo dài hơn ở Trung Bộ. Lượng mưa ở Bắc Bộ và Trung Bộ xấp xỉ hoặc cao hơn vào đầu mùa nhưng thiếu hụt khoảng 20% vào cuối mùa. Riêng Tây Nguyên có khả năng thiếu hụt mưa vào các tháng cuối mùa. Hạn hán có nguy cơ cao xuất hiện ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ trong mùa khô 2019 – 2020 nếu không có giải pháp thích hợp, đặcbiệt là tích nước các hồ chưa trong bối cảnh mưa bão vẫn còn phức tạp vào cuối mùa.

Trên các sông chính ở bắc Bộ và Thanh Hóa sẽ xuất hiện nhiều đợt lũ ở mức BĐ1 – BĐ2. Lũ quét, sạt lở đất có khả năng xuất hiện sớm ngay từ các tháng đầu mùa mưa lũ, nhất là khu vực tây Bắc. Vùng đầu nguồn sông Cửu Long ít khả năng xuất hiện lũ sớm, đỉnh lũ ở mức BĐ1 – BĐ2 và thấp hơn TBNN.


 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từng bước cải thiện chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO