Tuần Giáo: Bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả
(TN&MT) - Để giữ lại màu xanh cho những cánh rừng trên địa bàn huyện Tuần Giáo, bên cạnh việc trồng, bảo vệ rừng, huyện cũng đã có nhiều biện pháp để người dân phát triển, có thu nhập từ rừng. Từ đó, tạo động lực giúp người dân mở rộng sản xuất, phát triển rừng bền vững, tận dụng diện tích đất trống dưới tán rừng để phát triển kinh tế và làm giàu từ rừng trên địa bàn huyện Tuần Giáo.
Để công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và việc chi trả dịch vụ môi trường rừng đạt hiệu quả. Trong những năm qua, huyện Tuần Giáo tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định, hướng dẫn mới về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Huyện đã chủ động phối hợp với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh chi trả những diện tích đủ điều kiện cung ứng dịch vụ môi trường rừng và chi trả tiền cho các chủ rừng.
Theo đó, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, các xã đã tích cực quản lý, bảo vệ 43.945,2 ha rừng hiện có; tỷ lệ che phủ rừng năm 2022 đạt 38,7%. Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, và diện tích rừng, huyện Tuần Giáo là nơi thuận lợi để phát triển các nhiều loại cây trồng, đặc biệt dưới các tán rừng, trồng xen canh các loại cây khác, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu, thảo quả, sa nhân,…
Bà Phạm Thị Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo, cho biết: Huyện Tuần Giáo có xã Tênh Phông, là một xã vùng cao, nằm trên độ cao từ 1.200m đến 1.800m so với mực nước biển, có khí hậu mát mẻ, hiện xã đang trồng và chăm sóc 83,5 ha cây thảo quả; 140 ha cây sa nhân và 1,55 ha cây dược liệu dưới tán rừng. Một số loài đang được khai thác với trữ lượng tương đối lớn như: thảo quả, sơn tra. Tênh Phông còn có cây dược liệu tự nhiên bản địa khác như: huyết giác, củ mài, bình vôi, đẳng sâm, cẩu tích,…mọc rải rác trong các cánh rừng. Với diện tích rừng lớn, trong đó có nhiều diện tích là rừng nguyên sinh sinh, Tênh Phông phù hợp với nhiều hình thức nuôi trồng, nhất là trồng cây dược liệu dưới tán rừng.
Từ thực tế cho thấy, trên địa bàn huyện Tuần Giáo, sa nhân là cây dược liệu dễ trồng, ít công chăm sóc, có thể tận dụng diện tích dưới tán rừng để mở rộng diện tích, cây sẽ cho thu hoạch liên tục.Với mỗi héc ta trồng sa nhân, năng suất có thể đạt từ 100 đến 150kg quả khô/ năm, giá bán ngoài thị trường dao động từ 100 nghìn đến 180 nghìn đồng/kg quả khô.
Ngoài ra, thảo quả cũng là loại cây trồng dưới tán rừng mang lại giá trị kinh tế cao đối với người dân trên địa bàn huyện Tuần Giáo. Ông Mùa Dúa Vàng, hộ trồng cây thảo quả ở xã Tênh Phông chia sẻ, thảo quả là cây trồng cho năng suất tương đối cao, cây dễ trồng, cần rất ít công chăm sóc. Sau khi trồng, các hộ dân chỉ cần thường xuyên phát bỏ cây cỏ xâm lần, dây leo bụi rậm và xới đất quanh gốc là cây có thể phát triển ổn định,
Bà Tuyên cho biết thêm: Hiện nay, huyện Tuần Giáo cũng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, các hợp tác xã, tổ hợp tác thu mua, chế biến nông sản trên địa bàn. Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác thử nghiệm mô hình trồng sâm Ngọc Linh, cây dược liệu có giá trị dưới tán rừng, vận đồng người dân tham gia HTX, tổ hợp tác dược liệu; tổ chức thực hiện theo chuỗi việc trồng, thu hoạch, chế biến, bao tiêu, xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu sản phẩm dược liệu quý Điện Biên.
Đồng thời, Tuần Giáo nâng cao công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về lâm nghiệp trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát lâm sản; kịp thời ngăn chặn những hành vi đốt, phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật; tổ chức rà soát, giao toàn bộ diện tích đất có rừng chưa giao cho cộng đồng thôn bản quản lý và bảo vệ; đảm bảo toàn bộ diện tích đất có rừng trên địa bàn huyện đều phải có chủ; tăng cường công tác phát triển rừng, trồng rừng mới. - Bà Tuyên nói.