Mặc dù chính quyền đã có nhiều nỗ lực nhưng đâu đó vẫn có những doanh nghiệp vì lợi nhuận nên đã cố tình phớt lờ các quy định của pháp luật, khai thác bất chấp không tuân theo hồ sơ pháp lý được phê duyệt, gây nguy cơ ảnh hưởng xấu đến môi trường; nguy cơ về thất thu ngân sách cho Nhà nước; nguy cơ tạo ra những tiền lệ xấu trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn,… Để hiểu rõ hơn về những tồn tại, bất cập trên, Báo TN&MT xin gửi đến quý độc giả loạt bài viết ghi nhận thực tế về hoạt động khai thác cát trên địa bàn huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.
Tại mỏ cát thôn An Tráng, xã Nghĩa Thắng, Công ty TNHH MTV T&H Gia Lai đã khai thác trên toàn bộ khu vực mỏ được cấp phép chỉ trong năm thứ nhất. Vậy nếu cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, đánh giá thì trữ lượng được phép khai thác thực tế có còn đủ để doanh nghiệp tiếp tục hoạt động khai thác hay không?
“Vượt tiến độ” khai thác, đáng khen hay đáng bị xử lý?
Mỏ cát thôn An Tráng, xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp Giấy phép khai thác số 50/GP-UBND ngày 25/7/2023 đối với Công ty TNHH MTV T&H Gia Lai. Theo đó, diện tích khai thác có quy mô 7,72 ha; trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác gồm cát làm vật liệu xây dựng thông thường (171.466m3) và sỏi, sạn làm vật liệu xây dựng thông thường (22.213m3); công suất khai thác 67.770m3/năm (60.000m3 cát và 7.770m3 sỏi, sạn); thời gian khai thác trong 3 năm kể từ ngày cấp Giấy phép.
Như vậy, nếu tính từ thời điểm được cấp phép khai thác đến nay (đầu tháng 8/2024), có thể xem như Công ty TNHH MTV T&H Gia Lai đã gần hoàn thành năm khai thác đầu tiên tại mỏ cát thôn An Tráng, xã Nghĩa Thắng. Theo hồ sơ, trình tự khai thác tại mỏ cát thôn An Tráng, xã Nghĩa Thắng sẽ từ phía thượng lưu xuống hạ lưu sông Trà Khúc, tuyến khai thác đầu tiên tại khu vực gần điểm mốc M2 phát triển dần đến cuối mỏ. Cụ thể, trong năm đầu tiên, Công ty T&H Gia Lai được phép khai thác trong khu vực diện tích khoảng 2,7/7,72ha tổng diện tích mỏ, bắt đầu từ điểm mốc M2 đến M1, hướng về hạ lưu sông Trà Khúc. Trong năm thứ 2, tiếp tục khai thác thêm phần diện tích 2,7ha (khu vực giữa mỏ), tiếp nối khu vực khai thác của năm thứ nhất, hướng về phía hạ lưu. Năm thứ 3 – năm cuối cùng, sẽ được khai thác tiếp phần diện tích 2,32ha còn lại của mỏ, kết thúc tại ranh giới kéo từ điểm mốc M4 đến M5.
Thế nhưng, thực tế cho thấy doanh nghiệp này đã khai thác gần như hoàn thành hết qua khu vực năm thứ 3 – năm kết thúc khai thác, thậm chí còn khai thác vượt ra ngoài ranh giới mỏ được cấp phép. Cụ thể, từ điểm mốc M2 đến mốc M3 và M4, hướng ra sông Trà Khúc, là khu vực đã bị Công ty T&H Gia Lai ngang nhiên khai thác ngoài phạm vi trong thời gian qua. Nếu hành vi trên không bị phát giác và xử lý kịp thời thì đến mùa mưa năm nay, khi nước lũ trên sông Trà Khúc dâng thì mọi dấu hiệu vi phạm có lẽ cũng đã bị cuốn trôi theo dòng nước.
Bên cạnh khai thác sai trình tự, khai thác ngoài phạm vi được cấp phép, Công ty T&H Gia Lai còn sử dụng số lượng phương tiện khai thác vượt phép (nhiều thời điểm sử dụng 3 máy xúc khai thác, trong khi hồ sơ chỉ cho phép sử dụng 2 máy xúc). Cùng với đó là vận chuyển cát ra khỏi mỏ nhưng không đi qua trạm cân.
Đáng chú ý, trong ngày 2/8/2024, phóng viên ghi nhận tại khu vực mỏ có xuất hiện của tàu gắn máy bơm được đấu nối với ống dẫn cát đưa lên bãi. Trao đổi nhanh với một lãnh đạo Phòng TN&MT huyện Tư Nghĩa, lãnh đạo này cho biết mỏ cát này thời gian trước đã tạm dừng hoạt động. Thời gian này đang hoạt động thử lại để điều chỉnh phương án (phương án khai thác – Pv). Việc điều chỉnh phương án đã được đưa ra họp bàn nhưng đến giờ vẫn chưa có văn bản chỉ đạo. Như vậy, thì đến nay việc Công ty TNHH MTV T&H Gia Lai áp dụng phương pháp khai thác vừa sử dụng đồng thời máy xúc thủy lực gầu ngược và tàu gắn máy hút đã phù hợp hay chưa?
Trước đó, ngày 4/5/2024, trong buổi làm việc với UBND xã Nghĩa Thắng về hoạt động khai thác tại mỏ cát thôn An Tráng, Chủ tịch UBND xã Võ Sinh Quân cho biết mỏ cát này được cấp phép từ ngày 25/7 (năm 2023 – Pv). Sau khi có giấy phép thì khoảng nửa tháng sau mỏ bắt đầu họat động. Trong quá trình cấp phép thì chủ đầu tư thực hiện các bước như lắp đặt trạm cân, làm đường,… Quá trình mỏ cát hoạt động thì doanh nghiệp cũng ưu tiên cho bà con tại thôn An Tráng hỗ trợ về cát để làm mồ mả, khắc phục các tuyến đường bị xuống cấp,… Trong hoạt động giám sát khai thác tại mỏ, xã sẽ thực hiện vai trò theo dõi, phát hiện và báo cáo UBND huyện xử lý nếu ghi nhận được tồn tại.
Với hàng loạt bất cập trong hoạt động khai thác tại mỏ cát thôn An Tráng, xã Nghĩa Thắng như trên, kiến nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ngãi nói chung và huyện Tư Nghĩa nói riêng cần vào cuộc kiểm tra, đánh giá mức độ, có biện pháp xử lý thích đáng để tạo tính răn đe và đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.
Trong đó, đối với phần diện tích được phép khai thác, cần đánh giá trữ lượng đã khai thác thực tế và trữ lượng mà doanh nghiệp đã kê khai, đối chiếu với trữ lượng mà doanh nghiệp đã xuất hóa đơn để làm rõ xem có hay không hành vi gian lận về thuế. Đồng thời, đánh giá về trữ lượng đã khai thác thực tế làm cơ sở so sánh với trữ lượng được phép khai thác theo Giấy phép, từ đó xác định rõ liệu doanh nghiệp có còn đủ điều kiện để tiếp tục khai thác hết thời gian quy định theo Giấp phép hay không?
Đối với khu vực khai thác vượt ra ngoài ranh giới, kiến nghị cơ quan chức năng xác định rõ về diện tích và trữ lượng đã khai thác vượt, làm cơ sở xem xét mức độ vi phạm để có chế tài xử lý theo quy định pháp luật, đồng thời truy thu số lợi bất chính có được từ hành vi khai thác vượt ranh giới này.
Vẫn còn vướng mắc trong việc kiểm tra, giám sát
Tiếp nhận thông tin phản ánh của phóng viên về những tồn tại trong hoạt động khai thác tại mỏ cát thôn An Tráng (xã Nghĩa Thắng), ông Nguyễn Tuấn Kiệt, Trưởng Phòng TN&MT huyện Tư Nghĩa cho biết, sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương có mỏ cát kiểm tra thực tế. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, trường hợp có vi phạm UBND huyện sẽ có văn bản gửi UBND tỉnh và Sở TN&MT xem xét, chỉ đạo.
Về vai trò của Phòng TN&MT huyện, ông Nguyễn Tuấn Kiệt cho biết từ khi các mỏ cát bắt đầu hoạt động, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND xã kiểm tra thực tế tình hình hoạt động của các đơn vị trúng đấu giá quyền khai thác cát trên địa bàn huyện và phát hiện một số tồn tại như: làm sai lệch mốc giới, mốc giới bị ngã đổ,…. Qua kiểm tra đã đề nghị các đơn vị khai thác khôi phục các mốc giới đúng vị trí theo Giấy phép được cấp và có trách nhiệm bảo quản, không làm sai lệch mốc giới.
Trưởng Phòng TN&MT huyện Tư Nghĩa cũng trao đổi thêm, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện chịu trách nhiệm chính và tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác đối với các mỏ khoáng sản trên địa bàn theo đúng quy định, trong đó có nội dung bố trí bãi tập kết, lắp đặt trạm cân, camera giám sát và thời gian hoạt động khai thác trong ngày. Tuy nhiên, UBND tỉnh và các Sở, ngành chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện vấn đề này, do đó các đơn vị khai thác khoáng sản chưa lắp đặt thiết bị kết nối truyền dữ liệu từ camera tại khu vực khai thác khoáng sản về các cơ quan chức năng có liên quan để theo dõi, giám sát, dẫn đến bất cập trong việc kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động của các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện.
Thời gian qua, hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã góp phần đảm bảo được nguồn cung vật liệu cho các công trình, dự án trọng điểm nói riêng và hoạt động xây dựng tại địa phương nói chung, tạo động lực phát triển cho kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, để hoạt động khai thác khoáng sản đi vào nề nếp, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật, UBND tỉnh Quảng Ngãi và UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng như các ngành chức năng đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao công tác quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn.