Cử tri cả nước đang trông ngóng về chất lượng những đại diện mà mình đã lựa chọn. Để xứng đáng là “một Quốc hội của dân, do dân, vì dân” phải bắt đầu từ những đại biểu xứng đáng là đại diện cho dân.
Ảnh minh họa |
Nhìn lại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, có thể nhận thấy những tiến bộ vượt bậc trong hoạt động của cơ quan quyền lực cao nhất này: Dân chủ, thực chất hơn.
Tuy nhiên, có một điều mà dư luận cử tri cả nước hết sức quan tâm là, cho đến nay còn những bất cập trong đội ngũ cán bộ, những “công bộc” của dân. Mặc dù từ trước tới nay quy trình bổ nhiệm cán bộ, giới thiệu ứng cử viên ở nước ta rất chặt chẽ. Trong vận hành của bộ máy cán bộ, có những khiếm khuyết không nhỏ, còn những lỗ hổng lớn trong trách nhiệm từng cá nhân và cả bộ máy.
Hàng loạt vụ việc tiêu cực có dính líu tới những quan chức cấp cao trong bộ máy Nhà nước (trong đó có người là Đại biểu Quốc hội) vừa qua đã cho thấy điều đó. Đặc quyền ắt sinh đặc lợi. Nhưng hưởng thế nào, ăn đến đâu… âu cũng là vòng xoáy thử thách lòng người, thử thách cái tâm của kẻ “cầm cân nảy mực”, đứng trên thiên hạ. Sự lộng quyền, lạm dụng đặc quyền để thiết lập cho mình những đặc lợi không nên có đã làm vơi đi không nhỏ hình ảnh thanh khiết mà những “công bộc” cần có trong mắt người dân.
Để có những người đại diện xứng đáng, cử tri cả nước đang hết sức quan tâm đến việc chỉ rõ trách nhiệm của những người đứng đầu các Bộ, ngành. Cử tri đòi hỏi, phải cụ thể chương trình hành động, trách nhiệm của từng người, từng vị trí cụ thể; phải đi đến tận gốc rễ của vấn đề và có những giải pháp rõ ràng. Có như vậy mới chọn ra được những người có đủ tài, đức, có trách nhiệm gánh vác trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó.
Thế nên, để có cán bộ tốt, ngay từ cơ sở, vấn đề công khai kết quả tự phê bình, kiểm điểm là vô cùng quan trọng. Tổ chức Đảng phải lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp làm tốt vai trò giám sát. Xây dựng và thực hiện cơ chế chất vấn trong sinh hoạt Đảng. Đó là yêu cầu tất yếu trong tình hình mới. Tuy nhiên, để các đợt sinh hoạt chính trị thực sự có kết quả như mong muốn, nâng cao trình độ lý luận của cán bộ đảng viên cần phải soi vào thực tiễn hoạt động ở từng cơ sở cụ thể.
Bên cạnh đó, các đợt sinh hoạt chính trị chỉ có tác dụng khi nó được biến thành sự giác ngộ về trách nhiệm, nghĩa vụ với dân, với nước được thể hiện bằng hành động, nếu không, những điều thu được qua các hội thảo, học tập chỉ trở thành cái thang cho những kẻ cơ hội leo cao.
Vì vậy, cần một cách đánh giá cán bộ khách quan hơn, thực chất hơn, dựa vào dân hơn thay cho việc định kỳ đánh giá thông qua các bản tự kiểm điểm cá nhân và bình bầu lẫn nhau, để rồi hầu hết đều “tiên tiến”, “xuất sắc”, “trong sạch vững mạnh”, mà những chuyện tham nhũng, tiêu cực lớn hiếm khi được nội bộ phát hiện.
Người cán bộ chân chính sẽ tự khẳng định mình, lớn lên không phải từ việc kể lể những thành tích cá nhân trong quá khứ, mà từ sự dũng cảm, dám nhìn nhận những yếu kém, khuyết điểm của mình để khắc phục.
Chỉ có sự nghiêm khắc, trung thực với bản thân, với dân mới nâng cao lòng tin của nhân dân.
Đó là tất yếu. Bởi, sự thật không thể mãi che giấu được dân, dù họ có được nói ra hay không.