Từ 10/2: Hạn chế khai thác nước dưới đất ở một số vùng

04/01/2019 15:11

(TN&MT0 - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 167/2018/NĐ-CP quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất. Nghị định này quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất ở các vùng chứa nước ngọt thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nghị định có hiệu lực từ ngày 10/02/2019.

khai thac nuoc duoi dat 1
Ảnh minh họa

Đối tượng áp dụng gồm: Các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến việc khoanh định, công bố vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và việc áp dụng các hình thức, biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất; Các tổ chức, cá nhân có hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất thuộc trường hợp phải có giấy phép thăm dò, khai thác theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 52 của Luật tài nguyên nước.

Theo Nghị định, việc thực hiện các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất phải theo kế hoạch, lộ trình cụ thể trong phương án quy định tại Điều 13 của Nghị định này, trừ trường hợp sự cố, gây sụt, lún đất hoặc các tình huống khẩn cấp cần phải xử lý, trám lấp giếng để khắc phục sự cố.

Nguyên tắc khoanh định và áp dụng các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất

Việc khoanh định và áp dụng các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất phải bảo đảm tuân thủ đúng, đầy đủ các tiêu chí khoanh định và các biện pháp hạn chế cụ thể đối với từng vùng, từng khu vực theo quy định tại các Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9 và Điều 10 của Nghị định này.

Nguyên tắc khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất: Bảo đảm phù hợp với quy mô, tính chất của các khu vực gây sụt, lún, ô nhiễm, xâm nhập mặn, cạn kiệt nguồn nước dưới đất, đặc điểm của các tầng chứa nước; tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật có liên quan; Ranh giới vùng hạn chế khai thác nước dưới đất phải thể hiện trên bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất được thành lập trên nền bản đồ hành chính hoặc địa hình có cùng tỷ lệ; Tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí khoanh định cụ thể đối với từng vùng, từng khu vực hạn chế theo quy định của Nghị định này, các quy định của pháp luật về tài nguyên nước, pháp luật khác có liên quan và phải bảo đảm công khai, minh bạch. Không mở rộng phạm vi khoanh định các khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất vượt quá phạm vi quy định tại Nghị định này; Thông tin, số liệu sử dụng để làm căn cứ khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất phải bảo đảm đầy đủ, rõ ràng, chính xác và trung thực.

Nguyên tắc áp dụng các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất: Bảo đảm yêu cầu bảo vệ nguồn nước dưới đất, đồng thời phải bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân có liên quan, bao gồm cả việc bồi thường thiệt hại, hoàn trả tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (nếu có) trong trường hợp bị thu hồi giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng theo quy định của pháp luật;

Tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp hạn chế khai thác được áp dụng cụ thể đối với từng vùng, từng khu vực hạn chế và thứ tự thực hiện đối với từng đối tượng, trường hợp theo quy định của Nghị định này. Không áp dụng các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất khác với các biện pháp quy định tại Nghị định này; Ưu tiên cho việc cấp nước sinh hoạt, cấp nước phục vụ phòng, chống thiên tai; Thực hiện theo phương án, lộ trình phù hợp được phê duyệt, đảm bảo không gây gián đoạn việc cấp nước.

Nghị định cũng quy định: Trường hợp phát hiện việc khoanh định hoặc áp dụng các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất không phù hợp với các tiêu chí quy định của Nghị định này thì phải tạm dừng việc thực hiện các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất đối với các trường hợp đó để rà soát, điều chỉnh cho phù hợp. Trường hợp gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khai thác nước dưới đất thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất

Vùng hạn chế khai thác nước dưới đất (vùng hạn chế) được phân loại gồm các vùng: Vùng hạn chế 1; Vùng hạn chế 2; Vùng hạn chế 3; Vùng hạn chế 4; Vùng hạn chế hỗn hợp. Mỗi vùng hạn chế bao gồm một hoặc một số khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất.

Cụ thể, Vùng hạn chế 1 bao gồm các khu vực sau: Khu vực đã từng xảy ra sự cố sụt, lún đất, biến dạng địa hình; Khu vực có bãi chôn lấp chất thải rắn tập trung; Khu vực có giếng khai thác nước dưới đất bị ô nhiễm, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và sinh vật; Khu vực có nghĩa trang tập trung hoặc các khu vực có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước dưới đất khác do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương …

Về biện pháp hạn chế khai thác trong Vùng hạn chế 1: Dừng toàn bộ mọi hoạt động khai thác nước dưới đất hiện có và thực hiện xử lý, trám lấp giếng đối với các khu vực thuộc Vùng 1.

Việc khoanh định Vùng hạn chế 2 được thực hiện đối với các khu vực, tầng chứa nước sau đây: Các tầng chứa nước lỗ hổng ở thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long; Đối với các tầng chứa nước lỗ hổng ở các địa phương không quy định tại điểm a khoản này thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ quy mô, mức độ khai thác nước dưới đất, mức độ hạ thấp mực nước dưới đất và yêu cầu về bảo vệ nguồn nước dưới đất trên địa bàn quyết định việc khoanh định; Các tầng chứa nước trong đá bazan ở các địa phương thuộc khu vực Tây Nguyên.

Các khu dân cư, khu công nghiệp tập trung (hiện có hoặc đã được phê duyệt quy hoạch) thuộc một trong các trường hợp sau đây thì được khoanh định vào Vùng hạn chế 3:

Đã được đấu nối với hệ thống cấp nước tập trung, bảo đảm nhu cầu sử dụng nước cả về thời gian, lưu lượng và chất lượng nước phù hợp với mục đích sử dụng nước;

Chưa được đấu nối nhưng có điểm đấu nối liền kề của hệ thống cấp nước tập trung và sẵn sàng để cung cấp nước sạch, bảo đảm nhu cầu sử dụng nước cả về thời gian, lưu lượng và chất lượng nước phù hợp với mục đích sử dụng nước.

Trường hợp khu dân cư, khu công nghiệp tập trung không thuộc Vùng hạn chế 3 mà cách sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa (sau đây gọi tắt là nguồn nước mặt) không vượt quá 1.000 m và nguồn nước mặt đó đáp ứng đủ các điều kiện sau đây thì được khoanh định vào Vùng hạn chế 4: Có chức năng cấp nước sinh hoạt hoặc được quy hoạch để cấp nước sinh hoạt; Có chế độ dòng chảy ổn định, dòng chảy tối thiểu từ 10 m3/s trở lên đối với sông, suối, kênh, rạch hoặc tổng dung tích từ 10 triệu m3 trở lên đối với hồ chứa; Có chất lượng nước đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt cột A1 trở lên.

Về biện pháp hạn chế khai thác trong Vùng hạn chế 2,3,4, Nghị định quy định: Không cấp phép thăm dò, khai thác để xây dựng thêm công trình khai thác nước dưới đất mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ 10/2: Hạn chế khai thác nước dưới đất ở một số vùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO