Trung Trung Bộ: Hiệu quả từ phương pháp trọng sa trong tìm kiếm khoáng sản

Mai Đan| 09/03/2021 11:30

(TN&MT) - Trong công tác tìm kiếm, thăm dò các loại quặng như: vàng tự sinh, electrum, casiterit, wolframit, đá quý (rupi, saphia...) và đá bán quý..., phương pháp trọng sa được sử dụng rộng rãi và là một trong những phương pháp đóng vai trò quyết định trong công tác tìm kiếm các loại khoáng sản. Với phương pháp truyền thống kết hợp bản đồ địa chất, Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ đã nghiên cứu xây dựng Đề án “Đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản kim loại vùng Trung Trung Bộ”.

Đề án “Đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản kim loại vùng Trung Trung Bộ” thuộc Đề án “Đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản vùng Trung Trung Bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”.

Phát hiện và truy quặng gốc

Phương pháp trọng sa được chia làm 2 loại, gồm: phương pháp trọng sa suối và phương pháp trọng sa sườn. Trong đó, mẫu trọng sa sông suối được thiết kế ở tỷ lệ nhỏ (1/25.000) nhằm phát hiện và khoanh vẽ các vành phân tán trọng sa, từ đó đan dày ở tỷ lệ lớn hơn (1/5.000) nhằm xác định các dải miền cung cấp khoáng vật trọng sa làm cơ sở cùng các phương pháp khác để phát hiện truy quặng gốc.

Theo ông Võ Quang Bình, Phó Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ - đơn vị chủ trì thi công đề án “Đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản kim loại vùng Trung Trung Bộ”, trong đề án này, phương pháp trọng sa suối sẽ lấy mẫu trọng sa suối tại 34 khu vực đánh giá quặng vàng (Au), thiếc (Sn), wolfram (W) trong quá trình đánh giá sơ bộ tỉ lệ 1/25.000 và trong quá trình điều tra hiện trạng. Không lấy các mẫu này tại các khu vực đánh giá quặng đồng. Mật độ lấy mẫu 10 - 12 mẫu/km2.

Trong quá trình đãi mẫu, nếu phát hiện thấy sự xuất hiện của các khoáng vật trọng sa (vàng tự sinh, electrum, casiterit, wolframit) sẽ đan dày mật độ và lấy mẫu mở rộng ra xung quanh để tìm ra thân quặng gốc. Trong quá trình điều tra tỉ lệ 1/25.000, dự kiến mật độ trung bình lấy mẫu 10 - 12 mẫu/km2 theo thiết kế kèm theo đề án này. Tổng số mẫu trọng sa suối cần lấy là 8.978 mẫu. Liên đoàn sẽ chọn gửi đến cơ sở phân tích 30% số mẫu để xác định chính xác số lượng và đặc điểm vảy vàng, các khoáng vật đi cùng; số lượng mẫu cần phân tích là 5.600 mẫu.

Đối với phương pháp trọng sa sườn (trọng sa diện tích), mẫu trọng sa sườn được thiết kế trong công tác tìm kiếm tỷ lệ 1/5.000 nhằm tìm kiếm phát hiện và truy đuổi đầu lộ các thân quặng gốc bị phủ. Mẫu trọng sa sườn được lấy tại một số tiểu khu đánh giá quặng Au, Sn, W, Li trong quá trình đánh giá chi tiết tỉ lệ 1/5.000. Mật độ trung bình lấy mẫu đạt 40 - 60 mẫu/km2. Số lượng mẫu trọng sa sườn trong giai đoạn đánh giá chi tiết là 9.716 mẫu.

Ông Trần Văn Thảo - Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ hướng dẫn đãi mẫu trọng sa tại thực địa

Đãi mẫu trọng sa góp phần quyết định phát hiện mỏ

Ông Bình cho biết thêm, để đãi mẫu trọng sa cần phải có dụng cụ đãi, thông thường trong ngành địa chất thường dùng 2 loại dụng cụ: loại sóng dọc (ba tê đãi) và loại sóng tròn (bồn đãi hay nón đãi). Liên đoàn từ trước đến nay thường dùng bồn đãi (sóng tròn) để đãi mẫu đạt được kỹ năng tốt, nhanh và có chất lượng cao.

Công tác mô tả mẫu trọng sa cũng được ông Võ Quang Bình nhấn mạnh trong đề án “Đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản kim loại vùng Trung Trung Bộ. Mỗi vị trí lấy mẫu trọng sa phải có một hồ sơ riêng, sau đó được thống kê thành sổ đăng ký mẫu, trong đó, thể hiện các số liệu thực tế khi lấy và đãi mẫu trọng sa như: vị trí lấy (theo thiết kế), vị trí cụ thể (thể hiện trên bản vẽ phi tỷ lệ), độ sâu lấy mẫu, thành phần vật chất mẫu (cuội, sỏi, cát, bùn, sét....; tỷ lệ phần trăm các thành phần, thành phần thạch học các hạt bở rời..), thể tích mẫu đãi, trọng lượng mẫu sau đãi, các khoáng vật chính trong mẫu sau đãi, lưu ý các khoáng vật trọng sa có ích như: vàng tự sinh, electrum, casiterit, wolframit quan sát được dưới lúp (đếm đến hạt).

Tất cả các thông tin trên được thể hiện trong phiếu mô tả trọng sa, sau đó được đưa lên sơ đồ Tài liệu thực tế lấy mẫu ngay tại thực địa. Khi kết thúc lộ trình, mẫu được kiểm tra, đối chiếu với các phiếu mô tả, sơ đồ Tài liệu thực tế thực địa vào cuối ngày tại nơi đóng quân trước khi lập sổ đăng ký mẫu theo quy định.

“Công tác này được thực hiện hàng ngày trong quá trình thi công thực địa, trong công tác kiểm tra hàng ngày nếu phát hiện có sự sai lệch giữa phiếu mô tả, sơ đồ Tài liệu thực tế lấy mẫu, số lượng mẫu đãi trong ngày, cần tiến hành tìm hiểu nguyên nhân và khắc phục bất cập ngay tại thực địa trước khi chuyển quân đến diện tích khác. Các số liệu và thông tin trong phiếu lấy đãi mẫu trọng sa càng chi tiết thì công tác quản lý, tổng hợp tài liệu và gửi mẫu sẽ nhanh chóng, thuận lợi và tránh nhiều sai sót, nhầm lẫn”, ông Võ Quang Bình khẳng định.

Bên cạnh phương pháp truyền thống, Liên đoàn cũng gửi phân tích mẫu trọng sa; tính toán hàm lượng và xử lý kết quả; tham khảo thêm phương pháp bố trí lấy mẫu trọng sa và xử lý tài liệu trọng sa của Công ty CRA (Úc) để làm rõ trữ lượng và phát hiện mỏ thuộc Đề án này.

Khoáng vật trọng sa là các khoáng vật nặng và bền vững trong điều kiện ngoại sinh, được tích tụ trong các trầm tích bở rời dưới tác dụng của những hoàn cảnh vật lý - địa lý nhất định. Phương pháp trọng sa còn gọi là "Phương pháp mẫu đãi". Phương pháp này rất đơn giản nhưng hiệu quả, góp phần phát hiện được nhiều mỏ có giá trị. Nhờ đó mà trước đây đã phát hiện kim cương, titan, thiếc, wolfram trong sa khoáng, chiếm gần nửa sản lượng khai thác của thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trung Trung Bộ: Hiệu quả từ phương pháp trọng sa trong tìm kiếm khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO