Xã hội

Trồng và chế biến cà phê ở Đắk Nông: Chú trọng phát triển theo hướng bền vững

Phạm Hoài (thực hiện) 29/02/2024 09:24

(TN&MT) - Tỉnh Đắk Nông xác định cà phê là một trong những ngành hàng mũi nhọn và trọng điểm trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hiệp - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông.

ong-hiep.jpg
Ông Nguyễn Văn Hiệp - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông.

PV: Hiện nay, cà phê của Đắk Nông đã xuất khẩu qua rất nhiều thị trường khác nhau trên thế giới. Điều này có được là nhờ tỉnh đã quan tâm đến việc nâng cao chất lượng ngay từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hoạch, nhất là vấn đề bảo vệ môi trường. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn vấn đề này, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Hiệp: Hiện nay, diện tích cà phê sản xuất theo các tiêu chuẩn chứng nhận của Đắk Nông đạt khoảng 23.000ha, sản lượng khoảng 82.000 tấn/năm. Trong đó, diện tích cà phê có chứng nhận VietGAP là 220ha, chứng nhận hữu cơ 90ha và các tiêu chuẩn khác là hơn 23.179ha. Mặc dù diện tích, sản lượng lớn, nhưng việc sản xuất cà phê tại Đắk Nông chưa thực sự bền vững. Đắk Nông hiện vẫn chưa hình thành được các vùng sản xuất tập trung quy mô hàng hóa. Điều này chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Do đó, những năm gần đây, tỉnh Đắk Nông đã bước đầu hình thành các vùng nguyên liệu cà phê. Nông dân đã chủ động liên kết với doanh nghiệp và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cà phê. Đắk Nông đã công nhận 1 vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao tại xã Thuận An (Đắk Mil). Diện tích được công nhận khoảng trên 335ha. Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông cũng đã chỉ đạo Sở NN&PTNT, Sở TN&MT và các huyện, Trung tâm Khuyến nông của tỉnh cần thường xuyên phối hợp tổ chức các lớp tập huấn hỗ trợ và hướng dẫn cho bà con nông dân chú trọng công tác chọn giống phù hợp, không lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng chất lượng sau thu hoạch…

Hiện tại, toàn tỉnh Đắk Nông có 17 sản phẩm cà phê của 14 chủ thể đã được chứng nhận OCOP, trong đó, tỉnh đã có 1 sản phẩm đạt 4 sao và 16 sản phẩm đạt 3 sao, có 5 cơ sở chế biến cà phê được chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng theo quy trình HACCP, ISO22000… Đến nay, toàn tỉnh Đắk Nông cũng đã có 15 nhãn hiệu mặt hàng cà phê đã được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, trong đó, có 1 nhãn hiệu tập thể - Cà phê Đắk Mil và 14 nhãn hiệu thông thường, nổi bật như Enjoy coffee, Dano, Đắk Đam, Godere…

PV: Xin ông cho biết, để hạt cà phê sau khi chế biến vừa đảm bảo về chất lượng và an toàn vệ sinh, tránh dư lượng các chất hóa học, ngành TN&MT tỉnh Đắk Nông có những biện pháp phối hợp tuyên truyền và hỗ trợ như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Hiệp: Sản xuất cà phê ở Đắk Nông ngày càng tiến tới chuyên nghiệp, chuẩn hóa các quy trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ. Đây là cơ sở để Đắk Nông hướng tới nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê đạt các tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay, phần lớn các hộ trồng cà phê đã và đang liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Nhiều hộ sản xuất cà phê đã liên doanh, liên kết với Công ty Nestlé về Chương trình Nông nghiệp tái sinh sản xuất cà phê giảm phát thải, với diện tích hơn 3.300ha. Trong năm 2022, Công ty cũng đã hỗ trợ cho người dân 1.105.000 cây giống để thực hiện chương trình này.

Đồng thời, các hộ sản xuất cà phê còn liên kết với Doanh nghiệp Toàn Hằng (Đắk R’lấp) với diện tích 3.500ha; liên kết với Công ty TNHH Tấn Lộc triển khai Chương trình cà phê 4C và cà phê giảm thải; liên kết với Công ty TNHH Neumann Gruppe VN - CN Đắk Nông sản xuất cà phê có chứng nhận NKG Verified; liên kết với Công ty TNHH VOLCAFE VN sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn RA tại Đắk R’lấp và Gia Nghĩa… Ngành cà phê Đắk Nông đang xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích tập hợp thành nhóm hộ, câu lạc bộ, HTX để thực hiện liên kết sản xuất cà phê hữu cơ, bền vững.

Việc triển khai dự án canh tác cà phê hữu cơ, bền vững có nhiều thuận lợi bởi các hộ tham gia dự án đều có đầy đủ nguồn lực để sản xuất và sản phẩm cà phê hữu cơ được phục vụ cho chế biến cà phê chất lượng cao. Vì vậy, hiệu quả kinh tế đối với người sản xuất cà phê tăng lên rất nhiều. Đặc biệt, sản xuất hữu cơ, bền vững sẽ giúp nâng cao uy tín, sức cạnh tranh của sản phẩm cà phê Đắk Nông.

2-1-.jpg
Sản xuất hữu cơ, bền vững sẽ giúp nâng cao uy tín, sức cạnh tranh của sản phẩm cà phê Đắk Nông trên thị trường trong nước và quốc tế.

PV: Hiện tại, giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Đây là một tín hiệu vui cho toàn ngành cà phê Việt Nam. Để đảm bảo quy hoạch cho phù hợp cũng như đảm bảo yếu tố cung cầu được cân bằng trong thời gian tới, tỉnh Đắk Nông sẽ có những giải pháp hữu hiệu nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Hiệp: Diện tích cây cà phê tại Đắk Nông đạt 139.932ha, chiếm 23% diện tích đất nông nghiệp của tỉnh và 59,6% tổng diện tích cây công nghiệp lâu năm. Diện tích, sản lượng cà phê của Đắk Nông chiếm trên 18% cả nước, đứng thứ 3 cả nước và khu vực Tây Nguyên, sau Đắk Lắk và Lâm Đồng. Các địa bàn có diện tích cà phê lớn hiện nay của tỉnh là Đắk Song, Tuy Đức, Đắk Mil, Krông Nô, Đắk R’lấp và Đắk Glong. Cà phê được trồng tại Đắk Nông chủ yếu là giống Robusta, chiếm 99% diện tích. Đắk Nông đã công nhận Vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao Thuận An (Đắk Mil), diện tích trên 335ha.

Hiện nay, tỉnh Đắk Nông đang đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất cà phê theo chuỗi giá trị. Trong đó, Đắk Nông quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu cà phê quy mô lớn, sản xuất theo tiêu chuẩn, chất lượng cao. Tỉnh Đắk Nông phấn đấu trong giai đoạn 2022 - 2025 sẽ nâng diện tích cây cà phê sản xuất theo các tiêu chuẩn đạt 6.750ha.

Việc phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một ưu tiên của tỉnh Đắk Nông theo Đề án phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Theo đó, đến năm 2035, tỉnh Đắk Nông phấn đấu xây dựng được 17 vùng cà phê ứng dụng công nghệ cao với diện tích hơn 15.000 ha. Trước những kết quả bước đầu đạt được là nhờ sự đồng hành của người dân cùng với chính quyền địa phương trong việc đưa cà phê thành sản phẩm chủ lực của tỉnh Đắk Nông hướng tới xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trồng và chế biến cà phê ở Đắk Nông: Chú trọng phát triển theo hướng bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO