Trồng rừng - “mục tiêu kép” của PVEP trong nỗ lực giảm phát thải
Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đang tích cực triển khai những giải pháp cụ thể thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính (KNK), hướng tới mục tiêu “net-zero” theo cam kết COP26 vào năm 2050. Một trong những giải pháp được PVEP lựa chọn là trồng rừng, đây là một giải pháp cụ thể để đảm bảo “mục tiêu kép” vừa giảm phát thải KNK, vừa thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ môi trường.
Những năm gần đây, giảm phát thải ròng là một trong những từ khóa được nhắc đến nhiều nhất trong lĩnh vực môi trường, không chỉ bởi những nhà hoạt động và hoạch định môi trường, mà còn trong những doanh nghiệp/ cơ sở sản xuất công nghiệp lớn. Áp lực thực tế cảm nhận về hình thái thời tiết ngày càng cực đoan khiến con người quan tâm hơn đến những vấn đề chống lại biến đổi khí hậu. Song song, những cam kết quốc tế với sự tham gia của nhiều quốc gia về chung tay chống biến đổi khí hậu cùng các chính sách về hạn ngạch phát thải buộc các cơ sở phát thải lớn phải vào cuộc và có những lộ trình giảm phát thải ròng.
Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26 (diễn ra vào tháng 11/2021), hơn 130 quốc gia đã cam kết đưa ra mức phát thải ròng bằng 0 vào khoảng giữa thế kỷ 21, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó là những cam kết rất mạnh mẽ của Việt nam về vấn đề này là Giảm phát thải ít nhất 30% CH4 vào năm 2030; Chuyển đổi điện than sang nhiên liệu sạch; Không khai thác gỗ từ rừng từ năm 2030. Việc chuyển dịch năng lượng, đi đôi với mục tiêu giảm phát thải KNK là xu hướng tất yếu và không thể đảo ngược.
Trước bối cảnh đó, các Bộ ngành, Petrovietnam cũng đã đưa ra những mục tiêu và lộ trình giảm phát thải KNK đối với các mốc thời gian cụ thể giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2050.
Là đơn vị chủ lực của Petrovietnam, PVEP ý thức được trách nhiệm của mình đối với môi trường. Với định hướng trở thành một doanh nghiệp phát triển theo hướng bền vững, PVEP đã chủ động kiểm kê khí thải nhà kính và xây dựng lộ trình giảm phát thải của riêng mình. Điều này thể hiện nỗ lực và cam kết mạnh mẽ của PVEP trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu, chung tay cùng Petrovietnam thực hiện mục tiêu net-zero.
Để giảm lượng phát thải ròng, PVEP tập trung vào 2 nhóm giải pháp là Giảm lượng khí thải vào bầu khí quyển bằng một số biện pháp như tối ưu hóa sử dụng nguyên nhiên liệu, sử dụng năng lượng tái tạo, thay đổi công nghệ giảm thiểu đốt bỏ khí đồng hành/ khí thấp áp và tăng cường bù đắp carbon thông qua trồng rừng và chôn lấp CO2 (CCS).
Để việc trồng rừng đạt được hiệu quả hấp thụ CO2 tối đa, PVEP đã nghiên cứu tham khảo dựa trên các tài liệu sẵn có nhằm xác định loại cây trồng có hiệu suất hấp thụ CO2 tốt nhất, có chi phí hợp lý, phù hợp với điều kiện trồng và chăm sóc tại địa phương. Đồng thời, quá trình triển khai thực tế cũng giúp PVEP có những bài học kinh nghiệm. Từ đó, xây dựng một kế hoạch trồng rừng trung và dài hạn phù hợp với PVEP.
Xác định việc trồng rừng không phải chuyên ngành của Tổng Công ty, PVEP đã tập trung vào các tiêu chí lựa chọn loại cây và địa điểm trồng không chỉ giới hạn trong các loài cây có khả năng hấp thụ CO2 cao mà còn là loài cây phù hợp với thổ nhưỡng và sự phát triển kinh tế của địa phương. Với mục tiêu đầu tiên đảm bảo loài cây trồng phải phù hợp với định hướng phát triển của địa phương, PVEP đã khảo sát các loài cây trồng rừng chủ lực tại 10 địa phương, bao gồm Thái Bình, Nghệ An, Phú Yên, Bình Định, Cà Mau, Bình Thuận, Kiên Giang, Nam Định, Hưng Yên và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trên cơ sở các thông tin được địa phương cung cấp, PVEP nắm bắt được các loại cây trồng rừng chủ lực tại địa phương và ước tính chi phí trồng/chăm sóc.
Sau khi có được các loài cây chủ lực của địa phương, thông qua các bài báo nghiên cứu, PVEP tham khảo được khả năng hấp thụ CO2 của một số loài cây trồng. Từ đó đưa ra lựa chọn thích hợp về việc lựa chọn loài cây và địa điểm trồng phù hợp với chiến lược của TCT và hài hòa với lợi ích của địa phương. Cũng thông qua nhiều nghiên cứu, khảo sát thực địa, đánh giá, với mục tiêu hòa hợp giữa mục tiêu rồng rừng để hấp thụ CO2 và mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương, PVEP đã quyết định lựa chọn trồng Bần chua, keo lai và keo lá tràm trên địa bàn tỉnh Thái Bình, Nghệ An và Cà Mau. Dự kiến trong năm 2023, PVEP sẽ trồng xong 50.000 cây bần chua tại Thái Bình, 30.000 cây Keo lá tràm tại Nghệ An và 30.000 cây Keo lai tại Cà Mau. Lượng cây này được kỳ vọng sẽ giúp PVEP hấp thụ hơn 2700 tấn CO2 mỗi năm, tương đương khoảng 0.3% tổng lượng CO2 tương đương phát thải của PVEP.
Trồng rừng, tham gia bảo vệ môi trường là một trong những hoạt động mà PVEP tập trung triển khai trong nhiều năm gần đây. Từ năm 2017, PVEP cùng đối tác SK Innovation đã cùng tổ chức triển khai dự án nghiên cứu phục hồi rừng ngập mặn. Hoạt động này đã trở thành một hoạt động thường niên nhằm mục đích đối phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ sự đa dạng của động thực vật, đồng thời thành lập liên minh giá trị xã hội và doanh nghiệp xã hội nhằm xây dựng mô hình kinh doanh, phát triển bền vững. Cả hai doanh nghiệp đã cam kết cùng chung tay tham gia hoạt động tình nguyện với kỳ vọng sự hợp tác giữa hai bên trong công tác xã hội sẽ ngày càng được mở rộng.
Cùng hưởng ứng lời kêu gọi trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ, ngày 14/3/2023, PVEP đã tổ chức “Lễ phát động trồng cây” tại tỉnh Thái Bình và tài trợ 50.000 cây xanh cho tỉnh. Trong lần triển khai này, PVEP sẽ tiến hành trồng 15.000 cây bần, tương đương 7,5 ha rừng tại vùng bãi bồi ven biển của 3 xã Thụy Trường, Thuỵ Xuân, Thụy Hải, huyện Thái Thụy. Công tác trồng rừng sẽ tiến hành theo nhiều giai đoạn, dự kiến đạt 50.000 cây đến năm 2025.
Phát biểu tại sự kiện, Tổng Giám đốc PVEP Trần Hồng Nam cho biết “Trong công tác trồng rừng, PVEP đã nghiên cứu rất kỹ để chọn những cây đạt hiệu quả cao nhất trong việc giảm khí phát thải. Trong đó, rừng ngập mặn đóng vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải khí nên PVEP sẽ tài trợ 50.000 cây trồng tại tỉnh Thái Bình với chi phí khoảng 4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, PVEP sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch trồng cây xanh tại nhiều tỉnh thành khác, tập trung ở những khu vực bỏ ra chi phí thấp nhưng rừng lại phát triển tốt, lâu dài. PVEP mong rằng những cánh rừng sẽ được bảo tồn và sinh trưởng, đem lại nhiều lợi ích cho địa phương, đất nước.”
Trải qua 35 năm xây dựng và phát triển, việc gìn giữ, bảo vệ môi trường là một trong những tôn chỉ cốt lõi của PVEP. Trong đó việc trồng rừng không chỉ là giải pháp góp phần giúp PVEP thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa giảm phải thải khí nhà kính, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững cũng như thể hiện trách nhiệm của PVEP đối với cộng đồng, vì một hành tinh xanh.