Trồng rừng là "giải pháp cần thiết" chống BĐKH

20/11/2015 00:00

(TN&MT) - Rừng trên thế giới cần được nhìn nhận "không chỉ là cây", đó là kết luận của Hội nghị Lâm nghiệp thế giới vừa qua tại Durban (Nam Phi).Thay vào đó, rừng có tiềm năng lớn đóng vai trò quyết định trong việc chấm dứt nạn đói, cải thiện sinh kế và chống biến đổi khí hậu.

Hội nghị lớn nhất trong thập kỷ qua về rừng đã đặt ra tầm nhìn tới năm 2050 về rừng và lâm nghiệp và thông qua Tuyên bố Durban.

Theo đó, các khu rừng trong tương lai ngoài được xem là "nền tảng" đối với an ninh lương thực và cải thiện sinh kế, còn được xem là "giải pháp cần thiết" để chống biến đổi khí hậu, tối ưu hóa khả năng hấp thụ và lưu trữ carbon.

Tuyên bố Durban đã đưa ra một loạt các hành động cần thiết để thực hiện tầm nhìn trên, bao gồm đầu tư hơn nữa cho giáo dục về rừng, truyền thông, nghiên cứu và tạo ra việc làm, đặc biệt là cho những người trẻ.

Tuyên bố cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc thiết lập đối tác giữa rừng, nông nghiệp, tài chính, năng lượng, nước và các khu vực khác, và sự tham gia mạnh mẽ của người dân bản địa và cộng đồng địa phương.

Trong một thông điệp gửi Hội nghị cấp cao về Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc nhóm họp vào cuối tháng 9 ở New York để thông qua chương trình phát triển đến năm 2030 đã nhấn mạnh rừng là yếu tố rất quan trọng để đạt được 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Trồng rừng là một trong những cách chống biến đổi khí hậu

Tại Hội nghị Lâm nghiệp thế giới lần này, một thông điệp được gửi tới Hội nghị các bên (COP) để trình lên Hội nghị Khung về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, nhóm họp tại Paris vào tháng 12 năm 2015 để tiến tới một thỏa thuận mới về biến đổi khí hậu toàn cầu.

Biến đổi khí hậu là mối đe dọa nghiêm trọng đối với các hành tinh, rừng và con người phụ thuộc vào rừng. Tuy nhiên, phản ứng đồng thời của các quốc gia đối với biến đổi khí hậu có thể làm nảy sinh những cơ hội mới cho rừng, chẳng hạn như thêm nguồn tài trợ và hỗ trợ chính trị cho quản trị rừng.

Tại đây, đại diện các nước đã đề nghị các hành động bao gồm tăng cường sự hiểu biết giữa các chính phủ và các bên liên quan khác về cả thách thức và cơ hội do biến đổi khí hậu mang lại.

Hội nghị cũng đã chứng kiến sự ra mắt của một kế hoạch hành động quốc tế về nước và những khu rừng 5 năm tuổi để nhận thấy vai trò của cây và rừng trong việc duy trì chu trình của nước, và để đảm bảo quản lý phù hợp một trong những nguồn nước ngọt lớn nhất thế giới.

Bà Hoàng Thị Chuyên, đại biểu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị cho biết: "Ở Việt Nam, người dân có quyền sử dụng đất hợp pháp thông qua Sổ đỏ. Điều này giúp tôi bảo vệ rừng, và người ngoài không thể chặt cây của tôi. Điều này đã giúp gia đình tôi và những người dân khác thoát nghèo. Ngày nay, rừng chiếm khoảng 70% tổng diện tích của thôn. Sổ đỏ đã đảm bảo quyền sử dụng cho chúng tôi nhưng đó mới chỉ là bước đầu tiên: sự bền vững đòi hỏi một nguồn lực phù hợp và một kế hoạch về các khu vực cần bảo vệ, kinh doanh, trồng mới, và nhiều hơn thế nữa".

"Các thông điệp mang đến Hội nghị Lâm nghiệp thế giới đã đóng góp vào việc phân loại ưu tiên về quyền cho cộng đồng địa phương trong Tuyên bố Durban, trong đó, điều đầu tiên được tuyên bố "Rừng không chỉ là cây và rừng là nền tảng cho an ninh lương thực và cải thiện sinh kế. Các khu rừng trong tương lai sẽ tăng khả năng phục hồi của cộng đồng bằng cách cung cấp thực phẩm, gỗ, chỗ ở, các nguồn thức ăn cho động vật; tạo thu nhập và việc làm để cộng đồng và xã hội phát triển thịnh vượng ". bà Chuyên cho biết thêm.

Hội nghị Lâm nghiệp thế giới được tổ chức sáu năm một lần. Với chủ đề Rừng và Con người: Đầu tư cho một tương lai bền vững, sự kiện năm nay do Cộng hòa Nam Phi tổ chức với sự hỗ trợ kỹ thuật của FAO là Hội nghị đầu tiên diễn ra trên đất Châu Phi kể từ khi thành lập vào năm 1926.

Phạm Lê

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trồng rừng là "giải pháp cần thiết" chống BĐKH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO