Biển đảo

Trồng rừng dưới… đáy biển

Lan Anh 09/02/2024 - 19:02

(TN&MT) - Một cánh rừng san hô được tái tạo từ hoang tàn dưới lòng đại dương Cù Lao Chàm đang đua sắc muôn màu.

h3.jpg
h4.jpg

Đây là thành quả từ những nỗ lực không mệt mỏi của những “hiệp sĩ” biển cả - các nhà khoa học, kỹ sư thuộc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm trong suốt thời gian dài.

“Hiệp sĩ” của biển cả

Tôi hẹn Nguyễn Thị Hồng Thúy - cán bộ Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm vào một ngày đông với suy nghĩ đang mùa biển động chắc cô sẽ không đi lặn biển. Vậy nhưng Thúy bảo, bây giờ sẽ thu gom rác và bắt sao biển gai - loài “thiên địch” của san hô. Nghe vậy, tôi có chút chút ái ngại bởi tôi nghĩ, chỉ lặn biển vào những ngày hè biển lặng sóng yên. “Nghề của tụi em không nghĩ tới mùa đông hay mùa hè, đó là công việc quanh năm rồi”, Thúy mở đầu câu chuyện về công việc không mấy nhàn nhã đối với cánh phụ nữ như vậy.

Cù Lao Chàm những ngày cuối năm, gió bấc thổi từ đỉnh Eo Gió về. Những con sóng cấp tập vỗ bờ, nước biển cũng chuyển dần sang màu xanh ngà như chất chứa nhiều âu lo của người dân xứ đảo. Trong chuyến lặn biển hôm ấy, ngoài Thúy còn có Thảo. Hai bóng hồng của Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đang ngày ngày lặng thầm ươm tạo san hô, tái tạo “ngôi nhà chung” của sinh vật biển.

Tôi nói với Thúy, mọi người gọi cô và Thảo là “những hiệp sĩ thầm lặng” của đại dương, Thúy cười bảo, “em chỉ muốn góp một phần nhỏ để gìn giữ môi trường biển trong lành”. Thúy vừa nói vừa mặc đồ lặn, đeo ống khí, nhanh nhẹn di chuyển. Thực sự nếu không yêu thích sẽ không thể gắn bó được bởi công việc lặn biển hàng giờ liền vốn không dễ dàng ngay cả với các đấng mày râu.

Thúy kể, cô yêu biển một cách rất tự nhiên bởi sinh ra và lớn lên ở Cù Lao Chàm. 7 năm gắn bó với Ban, 5 năm trực tiếp tham gia chăm sóc, ươm cấy san hô dưới biển, trung bình mỗi tuần Thủy có 2 đến 3 ngày làm việc dưới biển, mỗi ngày có thể lặn tới 8 tiếng, xen kẽ lặn và nghỉ. Nhiều người ví von công việc của Thúy là “ăn cơm trên bờ, làm việc dưới nước”. Nhớ lại những ngày đầu mới lặn biển, Thúy vô cùng lo lắng chỉ dám tập trung vào công việc tách, chiết san hô. Dần dà những lần lặn biển tiếp theo, từng bầy cá đang bơi, những con tôm hùm nằm trong kẽ đá, những cụm san hô lắc lư như múa... dưới đáy đại dương đã giúp Thúy có được sự vững tin hơn. Để rồi bây giờ cô thuộc lòng vùng đáy biển như những con đường mòn thường đi qua mỗi ngày.

ran-san-ho-o-phu-quoc-1.jpg

Kể về công việc của mình, Thúy nói, để thực hiện kỹ thuật ươm trồng và phục hồi các rạn san hô cứng, kỹ thuật viên phải lặn xuống độ sâu từ 10 đến 20m. Dưới lòng biển, việc giữ vị trí và thế bơi sao cho không giẫm đạp lên san hô và không bị dòng nước ngầm chảy siết làm nổi người lên xuống, đòi hỏi rất nhiều về kỹ thuật và kinh nghiệm của người làm nghề.

Các động tác di chuyển phải nhẹ nhàng tránh để tạo sóng mạnh tác động lên các cây san hô vừa tách chiết hoặc vừa cấy xuống. Công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo. Việc ươm giống thường kéo dài 3 tháng, sau đó cây khỏe mới bắt đầu đưa từ vườn ươm đi trồng chính thức ở những vùng bị tổn thương nhiều.

“Công việc cứ thế quanh năm. Dù vất vả nhưng mỗi khi nhìn thấy những mầm san hô vừa nhú, chúng em thực sự xúc động vì nỗ lực của mình đã có kết quả. Em không hình dung được sẽ thế nào nếu có ngày nghỉ lặn biển, không còn nhìn ngắm những rạn san hô lớn lên. Bây giờ, chỉ cần vài ba bữa không được lặn biển đã thấy nôn nao nhớ đám san hô, rong tảo biển và bầy cá đủ sắc màu rồi” - Thúy nói.

Món quà cho mai sau

Ở Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm hiện có 17 cán bộ, kỹ sư làm công việc như Thúy và Thảo, với nhiệm vụ chính là tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rạn san hô, thảm cỏ biển, ươm cấy san hô… Công việc dưới biển vốn tiềm ẩn nhiều hiểm nguy nhưng không vì thế mà làm lung lay ý chí, quyết tâm của họ. Bằng chứng là những năm qua, rất ít cán bộ bỏ nghề, tìm việc khác. Họ đã đem tất cả những gì mình có, con tim, khối óc để cống hiến cho biển và bảo vệ môi trường biển Cù Lao Chàm như một món quà cho các thế hệ sau.

Kỹ sư Lê Vĩnh Thuận - Phó Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm là một người như vậy. Xem Cù Lao Chàm là một phần đời không thể thiếu của mình với gần 20 năm gắn bó. Ông Thuận chưa quên được nỗi xót xa khi mươi năm về trước, những “cánh rừng” san hô bị tẩy trắng và suy giảm. Không thể ngồi nhìn những rạn san hô tuyệt đẹp chết dần chết mòn, ông đã cùng các cộng sự nuôi quyết tâm tìm mọi cách để phục hồi. Duyên nợ với san hô của ông cũng bắt đầu từ lúc ấy.

Ông Thuận là chủ nhiệm đề tài nghiên cứu ứng dụng công nghệ phục hồi san hô cứng nhằm phục hồi, bảo vệ rạn san hô quý hiếm đang đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ” khỏi khu dự trữ sinh quyển thế giới. Điều hết sức đáng mừng, đến nay ở Cù Lao Chàm đã có gần 40 vườn ươm san hô với tổng diện tích gần 4.000m2. Đây là cấu phần quan trọng góp phần vào việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển rạn san hô. Trong gần hai thập kỷ qua, diện tích san hô ở Cù Lao Chàm từ 300ha, nay đã tăng lên 356,4ha với gần 300 loài. Độ phủ tại một số khu vực bảo tồn nghiêm ngặt và ươm tạo để phục hồi như bãi Hương, bãi Bắc từ 8% tăng lên 56%.

Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm gồm 8 hòn đảo với tổng diện tích mặt nước gần 5.180ha, "ôm" trong lòng khoảng 200 loài san hô, trong đó, có nhiều loài san hô quý hiếm lần đầu tiên tìm thấy tại các vùng biển đảo ở nước ta. Từ khi Khu bảo tồn biển được thành lập (năm 2005), gần 310ha rạn san hô được đưa vào "tầm ngắm" bảo vệ chặt chẽ, cùng với đó là những hoạt động bảo tồn ráo riết đã giúp rạn san hô nơi đây phát triển tốt, tạo môi trường lý tưởng cho các loài tôm, cá, cua, ốc... cư trú và sinh sản.

Theo ông Thuận, quan trọng hơn hết vẫn là sự đồng tình của chính quyền địa phương và tham gia tích cực của người dân bản địa. Ở Cù Lao Chàm, người dân cùng tham gia ươm nuôi, phục hồi, nhận trách nhiệm trông coi, giám sát và bảo vệ sự phát triển của rạn san hô.

Kết quả khả quan là vậy nhưng kỹ sư Thuận cùng các cán bộ làm công tác bảo tồn biển vẫn luôn đau đáu làm thế nào để duy trì và tăng độ phủ san hô sống tại các vùng rạn trước tác động của thiên nhiên và con người. Bởi vẫn còn đó những tác động của hoạt động xây dựng ven đảo hay trầm tích từ đất liền đổ ra biển cộng thêm mưa bão, biến đổi khí hậu… Đáng lo ngại hơn, sự phát triển của các loài sao biển gai do mất cân bằng hệ sinh thái cũng đang ảnh hưởng trực tiếp lên sự sinh trưởng và phát triển của rạn san hô cùng các loài sinh vật khác. Vì thế mà những buổi lặn biển dọn vệ sinh, bắt sao biển gai phải được duy trì thường xuyên hơn.

Cuối đông, hoàng hôn ở biển Cù Lao Chàm đến sớm. Chân trời tỏa sáng đủ màu xanh, vàng, tím, hồng, cam. Trong khoảng khắc cuối ngày tĩnh lặng, cùng nhìn về phía biển với kỹ sư Thuận và Thúy, tôi bất chợt hiểu, càng gắn bó với biển bao nhiêu, trái tim của họ càng yêu những gì thuộc về biển bấy nhiêu. Những thử thách, hiểm nguy sẽ được đẩy lùi và những cánh rừng san hô sẽ tiếp tục sinh sôi, nảy lộc mang lại mùa xuân ấm no cho ngư dân đảo ngọc Cù Lao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trồng rừng dưới… đáy biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO