Triệu Sơn (Thanh Hóa): Hiệu quả từ một Chương trình nông nghiệp bền vững

Thu Thủy| 14/03/2023 15:54

Từ khi triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, cây chè được chú trọng đầu tư trở thành cây trồng chủ lực và phát triển chè khô thành sản phẩm lợi thế của huyện Triệu Sơn, giúp người dân phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững.

Cây trồng chủ lực, phát triển kinh tế

Bình Sơn là xã miền núi, nằm cách trung tâm huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) khoảng 20 km về phía Tây, nơi đây được mệnh danh là vùng đất chè của xứ Thanh, cũng là nơi quần cư sinh tụ của 3 dân tộc Thái, Mường, Kinh. Bình Sơn là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Triệu Sơn (thuộc diện 135), bà con trong xã đang nỗ lực thoát nghèo. Năm 1992, cây chè được đưa vào Bình Sơn trồng thử nghiệm theo dự án 327. Kể từ đó, sau 30 năm, cây chè đã bén rễ với mảnh đất này, trở thành loại cây xóa đói giảm nghèo, một nét văn hóa trong đời sống của bà con các dân tộc.

anh1.jpg
Cây chè góp phần xóa đói giảm nghèo tại xã miền núi Bình Sơn

Xã Bình Sơn hiện có 357 ha chè, với hơn 400 hộ trồng chè, chế biến và dựa vào chè để sống. Tuy nhiên, trước đây người dân địa phương vẫn theo nếp sản xuất cũ, chưa chú trọng đến sản xuất theo hướng hàng hóa, mỗi tháng nhà nhiều nhất cũng chỉ thu về khoảng 10 – 20 kg chè khô, thu nhập không cao. Do đó, sản phẩm chè Bình Sơn tuy chất lượng không thua kém các sản phẩm chè Thái Nguyên nhưng không tạo được sự bứt phá, ghi dấu ấn trên thị trường.

Từ giữa năm 2016, HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn chuyển đổi và hoạt động theo Luật HTX năm 2012; đồng thời, chú trọng đến việc xây dựng nhãn hiệu, nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường cho sản phẩm chè của địa phương. Ngoài ra, năm 2019, sản phẩm chè khô Bình Sơn được công nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp huyện và tham gia xây dựng sản phẩm OCOP cấp tỉnh chính là cơ hội lớn để thương hiệu chè Bình Sơn bay xa, khẳng định chất lượng, tiêu chuẩn và khả năng phát triển tại thị trường trong nước, hướng đến xuất khẩu.

Theo báo cáo, đến năm 2022, tổng diện tích chè toàn xã Bình Sơn là 315 ha trong đó diện tích cho sản phẩm 270 ha, chiếm 45% so với tổng diện tích; Năng suất bình quân đạt 700 tạ/ha; sản lượng chè búp tươi đạt 1.500 tấn. Từ khi triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, cây chè được chú trọng đầu tư trở thành cây trồng chủ lực và phát triển chè khô thành sản phẩm lợi thế của địa phương. Đồng thời, người dân được đầu tư về kỹ thuật nên năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm được nâng lên. Trung bình sản lượng chè tại xã đạt 44 tấn/năm, tổng doanh thu từ sản xuất chè đạt khoảng 12 tỷ đồng, sản phẩm được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận. Cây chè đang là cây trồng mũi nhọn, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở xã miền núi Bình Sơn

anh2.jpg
Nhiều chính sách, mô hình, đề án đã được triển khai giúp nghề trồng chè phát triển

Nâng tầm sản phẩm chè

Theo lãnh đạo xã Bình Sơn: Vùng sản xuất chè của Bình Sơn hiện nay tập trung ở 3 thôn đó là: thôn Đông Tranh; thôn Cây Xe; thôn Thoi. Trong những năm gần đây nhu cầu áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất ngày càng cao. Nhưng cở sở hạ tầng chưa đáp ứng được với nhu cầu của nhân dân, nên việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, như đường giao thông, hệ thống lưới điện chưa đáp ứng được yêu cầu.

Để khắc phục khó khăn, phát huy tiềm năng và nâng tầm thế mạnh về cây chè, chính quyền địa phương xã Bình Sơn đã đề ra lộ trình, xây dựng kế hoạch, cơ cấu lại cây chè theo hướng tăng cường liên kết, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, hình thành và phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị ngành hàng.

Đặc biệt là ứng dụng khoa học kỹ thuật đồng bộ trong các khâu từ sản xuất, đến chế biến góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP,3 hữu cơ). Rà soát đất để chuyển đổi cây trồng, thu hút đầu tư phát triển vùng nguyên liệu chè xanh chất lượng cao, đa dạng hóa sản phẩm từ chè; chú trọng cải tạo vùng nguyên liệu chè hiện có, trồng bổ sung thay thế diện tích chè cằn xấu bằng các giống có chất lượng cao phục vụ chế biến và xuất khẩu.

chebinhson3.jpg

Theo đó, thực hiện kế hoạch trồng mới và trồng thay thế một số diện tích chè giống cũ, già cỗi kém chất lượng sang trồng các giống chè mới năng suất, chất lượng cao hơn. Trong giai đoạn 2015-2022 toàn xã đã trồng mới và trồng thay thế 85 ha, trong đó trồng mới 15 ha, trồng thay thế 70 ha. Giống chè chất lượng cao, được nhân giống bằng phương pháp giâm cành đưa vào trồng chủ yếu là các giống chè PH8 và lai F1.

Ông Lê Xuân Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Sơn biết: Chúng tôi khuyến khích người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật áp dụng quy trình sản xuất an toàn VietGAP, từ đó phấn đấu giá trị sản phẩm bình quân chè xanh đạt khoảng 100 triệu đồng/1ha/ năm; Đặt ra mục tiêu 100% thành viên HTX sản xuất nông nghiệp, trang trại, nông dân là nòng cốt sản xuất chè được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về quản lý, cập nhật và áp dụng tiến bộ kỹ thuật, thông tin thị trường. 100% diện tích sản xuất chè tập trung được quản lý, cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, truy suất nguồn gốc. Xây dựng, hình thành vùng sản xuất chè an toàn, liên kết sản xuất, chế biến, hình thành và phát triển 3-4 điểm quảng bá văn hóa trà gắn với du lịch.

Từ một xã miền núi khó khăn nhất huyện Triệu Sơn, nhưng giờ đây, xã Bình Sơn đã có hai sản phẩm đạt OCOP 3 sao: cây chè và mật ong. Cuộc sống của người dân trong xã có nhiều khởi sắc, tạo động lực để phát triển kinh tế, xã hội của huyện. Mục tiêu đến năm 2025, ổn định diện tích chè toàn xã khoảng 450 ha, năng suất chè búp tươi bình quân đạt 80 - 100 tạ/ha. Trồng mới, trồng bổ sung diện tích chè cằn xấu khoảng 50 ha để nâng diện tích vùng sản xuất tập trung lên 450 ha; trong đó tập trung rà soát, khai thác có hiệu quả khoảng 315 ha hiện đang cho thu hoạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triệu Sơn (Thanh Hóa): Hiệu quả từ một Chương trình nông nghiệp bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO