Trên hết là lòng tin

Ngọc Lý| 13/02/2020 10:36

(TN&MT) - Các vấn đề xã hội được đăng tải trên nhiều phương tiện truyền thông thời gian gần đây, nhất là từ khi bùng phát đại dịch nCoV (tên gọi mới là COVID-19), thực sự là hồi chuông cảnh báo về sự suy giảm lòng tin, sự mất cân đối trong nhận thức và ứng xử của người dân trong cộng đồng. 

Hình ảnh mới nhất được phát đi là cảnh một người dân lấy bình rửa tay diệt khuẩn dùng chung trong thang máy giấu vào lưng áo. Rồi tình trạng lợi dụng dịch bệnh để trục lợi từ việc nâng giá các đồ dùng phòng bệnh, chế phẩm diệt khuẩn và táng tận hơn nữa là việc “tái chế” khẩu trang để bán kiếm lời… Đó là những hành động, hình ảnh “đáng xấu hổ” được nhiều người bình luận.

Trong bối cảnh cộng đồng đang cùng chung sức chống đại dịch, những điều như thế đáng bị lên án. Nhưng vì đâu một số người trong các hoàn cảnh “đặc biệt” lại hay nảy sinh những hành động tiêu cực, phản cảm đến như vậy!?

Ảnh minh họa

Có nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đó là một biểu hiện của sự mất cân đối trong nhận thức và ứng xử của người dân trong cộng đồng. Và những hành động như thế cần phải bị lên án, bởi nếu không, sẽ làm suy giảm lòng tin trong cộng đồng. Nhưng để làm được điều này, cần phải có một quá trình, một nền tảng giáo dục từ tấm bé.

Ở góc độ cao hơn, trong cả việc thực thi pháp luật, muốn đạt được kết quả tốt nhất, ổn định nhất, cũng phải dựa chủ yếu vào lòng tin, chứ không phải vào sự cưỡng chế của bộ máy Nhà nước. Niềm tin đối với sức mạnh của luật thể hiện thành ý thức tự giác tuân thủ pháp luật và ý thức phê phán đối với hành vi vi phạm pháp luật.

Thực ra, những mảng tối của cuộc sống thường “được” người dân để ý, giám sát nhiều hơn. Nhưng, trong một xã hội có thật nhiều mảng sáng, sẽ tạo lập được niềm tin vững chắc cho mỗi cá nhân và cả cộng đồng. Và nhờ có niềm tin mà trong trường hợp có nhiều người cùng quan tâm tìm kiếm một lợi ích, người ta có đủ kiên nhẫn chờ đợi đến lượt mình. Nó lý giải việc những nạn nhân động đất và sóng thần ở Nhật Bản tự nguyện xếp hàng nhận lương thực trong vòng trật tự. Nó cũng giúp người ta hiểu tại sao có em bé (người Nhật) đã từ chối nhận phần bánh mì trước những người lớn tuổi: đơn giản, em tin chắc rằng mình sẽ không bị bỏ đói, bỏ rơi.

Do có lòng tin mà công dân mới nghiêm chỉnh thực hiện pháp luật. Nhưng ngược lại, một khi lòng tin bị đẩy lùi, theo đúng logic, sự dối trá và thái độ phản phúc sẽ ngự trị. Cần phải khôi phục lòng tin, để con người cư xử với nhau trước hết với thái độ chan hòa, cởi mở, chứ không phải trong tư thế phòng ngự, đối phó, dè chừng.

Có nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu không ai tin ai, thì chuẩn mực sẽ bị xếp xó. Khi đó, theo đúng quy luật tự nhiên hoang sơ “mạnh được, yếu thua”, mọi người sẽ xông lên phía trước để giành thế thượng phong trong quá trình tìm kiếm lợi ích. Người ta sẽ giẫm đạp nhau ở nơi công cộng để mua khẩu trang, sẽ giành đường bằng mọi cách, kể cả lấn làn, vượt đèn đỏ, leo lên lề, cũng như sẽ tìm cách thu gom của cải nhiều nhất về cho mình để phòng hậu hoạn. Với kiểu sống đó, ai chậm chân đến sau sẽ chẳng còn gì mà hưởng. Và hình ảnh “giấu” bình sát khuẩn dùng chung của người đàn ông trong thang máy, dường như cũng xuất phát từ những điều đó.

Trong một xã hội dân sự, niềm tin sẽ luôn ngự trị nơi người dân khi mà mỗi cách hành xử của những người trong cơ quan công quyền đều để lại trong họ những cảm nhận tốt đẹp. Còn không, bất cứ ở đâu, khi niềm tin đã mất sẽ dẫn đến sự thất vọng. Và trong sự thất vọng ấy dễ nuôi dưỡng sự thờ ơ; cũng trong môi trường ấy dễ nảy sinh sự bất hợp tác, thậm chí, còn là ghen tỵ, nhòm ngó lẫn nhau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trên hết là lòng tin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO