Người dân bản Bưa Đa, xã Bắc Phong trao đổi với PV Báo TN&MT |
Mâu thuẫn từ việc cho mượn đất và canh tác xâm canh
Theo nội dung Đơn đề nghị về việc Giải quyết tranh chấp đất đai của người dân bản Bưa Đa, xã Bắc Phong, vụ việc được tóm tắt như sau: Khoảng tháng 3/2007, một số hộ dân ở bản Suối Vạch, xã Kim Bon có Biên bản thỏa thuận với Ban quản lý bản Bưa Đa, xã Bắc Phong để mượn đất canh tác do thiếu đất sản xuất, thời gian mượn trong 1 năm rồi sẽ trả lại cho bản Bưa Đa.
Đến đầu năm 2017, một số cán bộ và người dân bản Suối Vạch lợi dụng nhân dân 4 bản xã Bắc Phong đang ăn Tết Nguyên đán, kéo nửa bản phát đường băng vào sát rừng đầu nguồn khu rừng khoanh nuôi bản Bưa Đa, kéo dài hơn 4km đến bản Bó Mý, xã Bắc Phong để làm đường băng hành chính mới thay thế cột mốc giới 364. Sau khi ăn Tết xong, đội quản lý bảo vệ rừng đi tuần tra, phát hiện, báo cáo với trưởng bản. Trưởng bản báo cáo lên Đảng ủy, UBND xã báo cáo lên huyện về xảy ra tranh chấp đất đai.
Từ đó đến nay, huyện Phù Yên đã thành lập nhiều đoàn công tác xuống xác minh, giải quyết tranh chấp đất đai. Trong các năm 2017-2018, Đoàn công tác có tuyên truyền vận động nhân dân bản Bưa Đa cho bản Suối Vạch mượn 20ha đất sản xuất có thời hạn, khi nào huyện có dự án trồng rừng thì trả lại cho nhân dân Bưa Đa trồng rừng.
Khu vực xảy ra tranh chấp có tổng diện tích 260,05ha |
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân Bưa Đa, cuối năm 2018, Đoàn công tác của huyện lại yêu cầu làm thủ tục cấp GCNQSDĐ cho người dân bản Suối Vạch. Trong khi, khu vực tranh chấp này đã có GCNQSDĐ lâm nghiệp và được Hạt kiểm lâm huyện Phù Yên đến hiện trường giao đất, giao rừng cho cộng đồng bản Bưa Đa, theo đó, có 4 nhóm hộ, gia đình có GCNQSDĐ, do ông Hương Dương, Chủ tịch UBND huyện Phù Yên ký ngày 27/12/2002, thời hạn sử dụng đất 50 năm.
Theo lý giải của UBND huyện Phù Yên, năm 2018, huyện Phù Yên đã có Quyết định về việc thu hồi, chỉnh lý GCNQSDĐ này, nhưng điều lạ là, người dân nơi đây khẳng định không hề nhận được thông báo. Và đến nay, các sổ đỏ này vẫn được nhân dân Bưa Đa lưu trữ.
Ông Đặng Văn Khìn, bản Bưa Đa, xã Bắc Phong bức xúc: Chúng tôi chỉ cho mượn đất trong thời hạn 1 năm 2007-2008, nhưng hết thời hạn trên, một số hộ dân bản Suối Vạch không trả lại đất. Sau khi chúng tôi có phản ánh, 2 xã và huyện đã vào cuộc giải quyết, nhưng cứ thống nhất xong, bà con Suối Vạch vẫn trồng trọt, sản xuất bình thường, trong khi chúng tôi chấp hành nghiêm việc không canh tác trên diện tích đất đang tranh chấp. Bức xúc quá nên chúng tôi mới làm đơn gửi lên Trung ương.
Không chỉ thế, đầu năm 2019, khi người dân bản Bưa Đa lên phun thuốc diệt cỏ để trồng ngô 1 năm, chuẩn bị xin huyện hỗ trợ cây giống để trồng rừng, thì người dân bản Suối Vạch lên cản trở. Mâu thuẫn đỉnh điểm là ngày 25/5 vừa qua, giữa nhân dân 2 bản đã xảy ra xô xát, khiến 1 người phải nằm viện, 2 người khác bị thương nhẹ, một số diện tích hoa màu bị phá bỏ.
Tổ công tác giải quyết tranh chấp đất đai của huyện Phù Yên làm việc với người dân và chính quyền 2 xã Bắc Phong, Kim Bon |
Giải pháp nào tháo gỡ?
Để rộng đường dư luận, PV đã liên hệ làm việc với UBND huyện Phù Yên. Ông Nguyễn Khắc Ái, Phó trưởng phòng TN&MT, Tổ trưởng Tổ công tác giải quyết tranh chấp đất đai cho biết: Về nguồn đốc đất khu vực này, trước năm 1995, các hộ dân bản Suối Vạch, xã Kim Bon đã khai phá khu vực đang tranh chấp để trồng lúa nương và ngô. Đến năm 1995 thực hiện theo Chỉ thị 364 phân đường địa giới hành chính các cấp, khu vực trên lại thuộc địa giới hành chính của xã Bắc Phong, do đó 4 bản xã Bắc Phong đã yêu cầu nhân dân bản Suối Vạch, xã Kim Bon chuyển vể canh tác theo đúng đường địa giới đã vạch. Nếu hộ gia đình, cá nhân nào tiếp tục canh tác thì phải đóng phụ thu cho 4 bản xã Bắc Phong theo thỏa thuận giữa các hộ và với cộng đồng bản.
Do các vụ sản xuất từ năm 2013 đến 2016, nhân dân 4 bản của xã Bắc Phong thay đổi mức đóng phụ thu, nên tháng 1/2017, các hộ dân bản Suối Vạch, xã Kim Bon tự ý đi phát cỏ dọn thực bì dọc tuyến địa giới giữa xã Bắc Phong và xã Kim Bon có chiều dài khoảng 4 km tại khu vực tranh chấp với mục đích là tự phân chia đường địa giới để canh tác sản xuất.
Từ đó đến nay, huyện Phù Yên đã thành lập nhiều đoàn công tác, tổ công tác tập trung giải quyết dứt điểm tranh chấp đất đai liên quan đến đường địa giới hành chính giữa 2 xã.
Hiện nay, tổng diện tích các hộ dân bản Suối Vạch đang canh tác, sử dụng dưới vạch ranh giới thống nhất là 101,83ha. |
Theo kết quả xác minh, đo đạc của Đoàn công tác, hiện nay, tổng diện tích đất khu vực tranh chấp là 260,05ha. Qua tuyên truyền, vận động, hòa giải, diện tích các bản, UBND xã Bắc Phong thống nhất giao cho nhân dân bản Suối Vạch, xã Kim Bon canh tác ổn định là 147,07ha/125 hộ đang canh tác. Tổng diện tích các hộ dân bản Suối Vạch đang canh tác, sử dụng dưới vạch ranh giới thống nhất là 101,83ha. Diện tích chưa thống nhất được ranh giới canh tác là 11,15ha.
Hiện nay, có 93 hộ dân bản Suối Vạch đang canh tác quá vạch ranh giới đã thống nhất. Có 31 hộ dân bản Suối Vạch nhất trí ký cam kết trả lại đất cho UBND xã Bắc Phong trước ngày 31/12/2020.
Song còn 19 hộ nhất trí trả lại đất khi nào bản Suối Vạch và UBND xã Kim Bon cân đối quỹ đất sản xuất và nhận được đất sản xuất trên vạch ranh giới canh tác.
Còn 43 hộ chưa nhất trí, trong đó, 14 hộ có lán trại, nhân dân các bản của xã Bắc Phong chỉ nhất trí giao cho các hộ phần diện tích trong khuôn viên lán trại gồm vườn, ao liền kề, do đó, các hộ này không có đất và thiếu đất sản xuất; 29 hộ đi làm ăn xa chưa có ý kiến nhất trí trả lại đất và cũng không đưa ra lý do.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Khi được hỏi về vấn đề, trách nhiệm thuộc về ai khi để xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn giữa người dân kéo dài nhiều năm, thậm chí, đã xảy ra xô xát, mất an ninh trật tự tại địa phương, ông Cầm Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Yên cho rằng: Chính quyền xã, bản chưa thực sự vào cuộc quyết liệt.
Còn theo ông Nguyễn Khắc Ái, Phó trưởng phòng TN&MT huyện Phù Yên: Người dân chưa hiểu đúng về địa giới hành chính 364, người dân đang cho rằng, đất nằm trên địa giới 364 là đất của họ, họ cho đến đâu thì được đến đấy. Trong khi, đường địa giới hành chính chỉ vạch ra để quản lý hành chính nhà nước về địa giới hành chính, còn bản chất tranh chấp hiện tại là tranh chấp quyền sử dụng đất nông nghiệp giữa khoảng 126 hộ bản Suối Vạch với cộng đồng dân cư 4 bản xã Bắc Phong. Trong quá trình giải quyết, tư tưởng của một số cán bộ lãnh đạo các bản chưa hiểu đúng về đất đai nằm xâm canh, xâm cư giữa các xã.
Tại Báo cáo số 435/BC-UBND ngày 23/6/2020 của UBND huyện Phù Yên về tình hình, tiến độ giải quyết tranh chấp đất đai, có nêu: Công tác phối hợp giải quyết tranh chấp giữa UBND xã Bắc Phong và xã Kim Bon cùng các ngành, đoàn thể và tổ chức hội, đoàn thể còn chưa chủ động trong tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân chấp hành các quy định về quản lý, sử dụng đất đai, chưa đồng nhất quan điểm, cách thức giải quyết sự việc.
Nguồn gốc sử dụng đất của các hộ đang tranh chấp có nhiều phức tạp, khó xác định thời điểm sử dụng. Việc vi phạm pháp luật về đất đai của các hộ vẫn xảy ra như tự thỏa thuận cho thuê, cho mượn và đưa ra mức phụ thu quá cao…
Việc quản lý hồ sơ về đất đai qua các thời kỳ còn thiếu thống nhất, không đầy đủ cơ sở dữ liệu. Các văn bản hướng dẫn và việc thông báo, quyết định thu hồi đất lâm nghiệp của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư để chuyển mục đích sang đất ở nông thôn, đất sản xuất nông nghiệp tại xã Bắc Phong chưa được thực hiện kịp thời…
Bản đồ khu vực tranh chấp Bắc Phong - Kim Bon |
Ngày 23/7/2020, Chủ tịch UBND huyện Phù Yên Đào Văn Nguyên đã ban hành Công văn số 1068/UBND, giao cho Phòng TN&MT, Tổ công tác giải quyết tranh chấp đất đai tiếp tục hướng dẫn 2 xã Kim Bon, Bắc Phong rà soát, khoanh vùng, xây dựng nội dung kịch bản, tổng hợp các hộ thiếu đất sản xuất, báo cáo đề xuất phương án cân đối đất từ các hộ có nhiều đất sản xuất sang hộ có ít đất hoặc không có đất. Thống kê, đề xuất phương án hỗ trợ kinh phí thu hồi đất sản xuất, trình UBND huyện xem xét theo quy định.
Trong quá trình giải quyết phải thống nhất, nhất quán, nghiên cứu kỹ hài hòa lợi ích của các bên đang tranh chấp, có xem xét tính lịch sử canh tác của từng thửa đất, khu đất đang tranh chấp chưa thống nhất, giải quyết đến đâu phải được lập đầy đủ hồ sơ có xác nhận của các bên liên quan, đảm bảo lưu hồ sơ giải quyết theo quy định.
UBND xã Bắc Phong chủ trì, phối hợp với UBND xã Kim Bon rà soát cụ thể, tổng hợp các khoản phụ thu của 4 bản từ năm 2017 tới nay (nếu có). Lập biên bản cho từng trường hợp cụ thể. Nêu rõ các đối tượng, khó khăn, vướng mắc, tồn tại hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan, trách nhiệm của UBND xã, các tổ chức, cá nhân có liên quan. Báo cáo về Thường trực UBND huyện qua Phòng TN&MT trước ngày 30/7/2020.
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Ngày 15/7/2020, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn số 5765/VPCP-V.I, thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về việc giải quyết tranh chấp đất của công dân bản Bưa Đa, xã Bắc Phong, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La.
Trước đó, ông Đặng Văn Khìn và một số hộ dân trú tại bản Bưa Đa, xã Bắc Phong, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, có gửi đơn tới Thủ tướng Chính phủ phản ánh, kiến nghị một số nội dung liên quan đến vụ việc tranh chấp đất đai giữa các hộ dân bản Bưa Đa với các hộ dân các bản giáp ranh.
Về việc này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình giao Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La kiểm tra nội dung đơn khiếu nại, kiến nghị của các công dân bản Bưa Đa, xã Bắc Phong, huyện Phù Yên, về tranh chấp đất đai; có biện pháp giải quyết theo quy định của pháp luật; bảo đảm ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2020.