Tràng Định (Lạng Sơn): Phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai gắn với phát triển KT-XH
(TN&MT) - Nằm ở phía Bắc tỉnh Lạng Sơn, Tràng Định có tổng diện tích hơn 101.000ha; 22 xã, thị trấn, 6 dân tộc anh em cùng sinh sống. Những năm qua, Tràng Định đã quan tâm đẩy mạnh quản lý nhà nước lĩnh vực đất đai, góp phần phát triển KT-XH, hướng tới giảm nghèo bền vững.
Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Đức Thiện - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tràng Định.
PV: Thời gian qua, huyện Tràng Định đã triển khai công tác lãnh đạo, chỉ đạo như thế nào để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương, thưa ông?
Ông Vũ Đức Thiện:
Nhằm phát huy tốt nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, chủ động trong công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, trên cơ sở các chỉ tiêu sử dụng đất cấp huyện được UBND tỉnh phân bổ, UBND huyện đã giao Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì, rà soát, đăng ký nhu cầu lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất; lấy ý kiến đóng góp về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030; đăng ký danh mục nhu cầu sử dụng đất để lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện.
Tập trung chỉ đạo thực hiện quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Xây dựng phương án bán đấu giá các cơ sở nhà, đất gồm 3 cơ sở: Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp, Trạm y tế xã Tri Phương cũ, Nhà Đội thuế xã Quốc Khánh. Tiếp tục đôn đốc các cơ quan, đơn vị rà soát các cơ sở nhà đất dôi dư, hoặc sử dụng không hiệu quả đề xuất phương án bán đấu giá để tăng nguồn thu cho huyện.
Chỉ đạo xây dựng quy chế quản lý quy hoạch – kiến trúc đô thị và tiến hành lập đồ án quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, triển khai một số dự án các khu đô thị, trung tâm thương mại gắn liền với phát triển dân cư và chỉnh trang đô thị, các khu tái định cư... Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền, giúp người sử dụng đất nắm bắt thông tin, nhận thức đúng vai trò, tầm quan trọng của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
PV: Ông có thể thông tin rõ hơn những kết quả cụ thể trong quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn huyện trong năm qua? Qua đó, đã đóng góp như thế nào vào phát triển KT-XH địa phương?
Ông Vũ Đức Thiện:
Năm 2023, UBND huyện đã hoàn thành, được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, kế hoạch sử dụng đất năm năm 2023 tại Quyết định số 220/QĐ-UBND, ngày 16/2/2023. Triển khai đăng ký đất đai với 8.818/17.005 thửa đất, đạt tỷ lệ 51,8% so với tổng số thửa đất chưa thực hiện đăng ký trên toàn huyện. Giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với 47/168 nhà văn hóa thôn, đạt 28%.
Công tác giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn huyện thuận lợi, đáp ứng tiến độ thực hiện dự án của các chủ đầu tư. Trong năm, đã thực hiện 17 dự án; phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ, tái định cư 62 trường hợp/4 dự án; thu hồi đất 47.942m2 /62 hộ, gia đình, cá nhân. Đã bàn giao mặt bằng 15/17 dự án.
Chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng triển khai các thủ tục thực hiện giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng), đoạn tuyến đi qua địa bàn huyện. Hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương thực hiện dự án Khu dân cư Nà Nghiều, Khu dân cư Hang Đông.
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 95-NQ/TU ngày 20/9/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tràng Định đã triển khai cải tạo rừng sản xuất là rừng tự nhiên không có khả năng tự phục hồi để phát triển kinh tế lâm nghiệp. Khai thác tiềm năng, thế mạnh đất đai theo từng vùng để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng hàng hóa, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hướng tới giảm nghèo bền vững.
Tập trung nguồn vốn, nhân lực hỗ trợ phát triển sản xuất kinh tế từ đất đai. Rà soát, hướng dẫn, giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo các phương pháp thâm canh, xen canh để sử dụng có hiệu quả diện tích đất. Phân vùng, quy hoạch vùng trồng tập trung, chú trọng xây dựng vùng trồng quế và thạch đen tại 8 xã phía Tây, gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu theo hướng công nghệ cao, vừa tăng sản lượng, vừa tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Hết năm 2023, toàn huyện Tràng Định còn 751 hộ nghèo, tỷ lệ 4,34%; 1.418 hộ cận nghèo, tỷ lệ 8,2%. Tràng Định đã thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống, giúp người nghèo tiếp cận ngày càng thuận lợi hơn với các dịch vụ xã hội trước hết là về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh, thông tin, việc làm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo do thiếu hụt các chiều
tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản.
PV: Năm 2024, Tràng Định sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nào để nâng cao hiệu quả quản lý đất đai, gắn với phát triển KT-XH địa phương, thưa ông?
Ông Vũ Đức Thiện:
Năm 2024, huyện Tràng Định đang tiếp tục tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, hình thành các quỹ đất sạch cho phát triển kinh tế - xã hội. Phối hợp triển khai bảo đảm tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng), đoạn qua địa phận huyện Tràng Định.
Hoàn thành lập quy hoạch vùng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ 1/25.000; Chương trình phát triển đô thị thị trấn Thất Khê; Quy chế quản lý đô thị thị trấn Thất Khê; lập Quy hoạch chung xây dựng các xã giai đoạn 2021-2030.
Tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, đô thị, quản lý tài nguyên; tập trung xử lý tranh chấp đất đai, đất rừng. Đẩy mạnh công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Kiên quyết không cấp phép đầu tư, giao cấp đất đối với những dự án, công trình không đăng ký trong kỳ kế hoạch. Ban hành một số văn bản quy định riêng đối với từng vùng, từng khu vực đã được xác định mục đích theo hướng mở rộng, nhằm thu hút đầu tư: Khu vực dịch vụ kinh doanh, khu công nghiệp, chợ và trung tâm xã, thị trấn.
Thực hiện chính sách đổi đất tạo vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng, thông qua các biện pháp: Chuyển đổi vị trí có lợi thế tiềm năng về kinh doanh dịch vụ và thương mại, phát triển đô thị; Khai thác hiệu quả về mặt vị trí thuận lợi, về dịch vụ thương mại, công nghiệp, các khu dân cư đô thị…
Bên cạnh đó, tập trung giải quyết dứt điểm những vướng mắc về đất đai, cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, nguồn vốn để hoàn thành công tác GPMB. Nhất là nâng cao vai trò của UBND các xã, thị trấn trong việc xác định nguồn gốc đất đai làm cơ sở cho việc bồi thường, hỗ trợ về đất trong công tác bồi thường GPMB.
Thường xuyên tổ chức tập huấn chuyên môn cán bộ địa chính phường, xã để nâng cao năng lực quản lý, đồng thời giúp cán bộ cơ sở có nhận thức chính xác hơn về mục đích và vai trò của quy hoạch kế hoạch sử dụng đất trong quản lý đất đai.
Xin trân trọng cảm ơn ông!