Sự kiện nằm trong khuôn khổ dự án xây dựng chương trình truyền thông về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu, thực hiện theo Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ.
Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học đã chia sẻ về sự cấp thiết xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu trong việc ứng phó với thực trạng biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra; đồng thời, làm rõ ý nghĩa, vai trò của việc nghiên cứu dữ liệu và ngành khoa học dữ liệu.
Phó Bí thư Thành đoàn Cần Thơ Lâm Văn Tân nhận định, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí đặc biệt trong nhiều khía cạnh như: đa dạng sinh học, phát triển nông nghiệp, thủy-hải sản. Tuy vậy, những ảnh hưởng biến đổi khí hậu đã, đang có sự tác động mạnh mẽ đến khu vực này. Tình trạng xâm nhập mặn, thiên tai, dịch bệnh… diễn ra nhiều hơn gây tác động xấu đến chăn nuôi, trồng trọt.
Việc trang bị các kiến thức về cơ sở dữ liệu phục vụ bảo vệ môi trường đến thanh niên có ý nghĩa quan trọng, góp phần giúp họ đánh giá rõ thực trạng biến đổi khí hậu thời gian qua; từ đó có hành động đúng đắn, góp phần bảo vệ môi trường hiệu quả trong tương lai.
Trang bị các kiến thức về cơ sở dữ liệu phục vụ bảo vệ môi trường cho thanh niên (Ảnh minh họa) |
Các dữ liệu, thống kê về khí hậu, điều kiện tự nhiên được thực hiện trong thời gian dài sẽ giúp dự đoán được những quy luật diễn biến của thời tiết, khí hậu, nói cách khác là hiểu được "thiên." Từ đó, việc sản xuất nông nghiệp cũng sẽ có sự chủ động hơn trong việc tìm các giải pháp thích ứng.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hiếu Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ chia sẻ, nhiều người thường nói về “thuận thiên” nhưng lại không hiểu “ông trời thay đổi như thế nào,” do đó, vai trò của việc khai thác, nghiên cứu dữ liệu rất quan trọng.
Theo Tiến sỹ Huỳnh Minh Hoàng, Cục Công nghệ Thông tin và Dữ liệu Tài nguyên Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong nghiên cứu thích ứng biến đổi khí hậu, tài nguyên môi trường hiện nay ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, các số liệu còn thiếu tính liên kết; dữ liệu chưa có sự cập nhật thường xuyên, ít có sự chia sẻ, kế thừa. Đặc biệt là sự thiếu thông tin mang tính đa ngành, đa lĩnh vực.
Trước thực trạng này, việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất cho khu vực có ý nghĩa cấp thiết. Mục tiêu của việc này là tạo lập hạ tầng thông tin, dữ liệu, hạ tầng ứng dụng tri thức về Đồng bằng sông Cửu Long trên quan điểm tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực với tầm nhìn dài hạn.
Hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tạo nên những hiệu quả trong các khía cạnh, như: quy hoạch, chương trình, dự án; thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội.
Ngoài ra, đó còn là công cụ cải thiện tính liên kết vùng hiệu quả... từ đó, giải quyết đồng bộ bài toán tổng thể phục vụ quản lý, điều hành, hoạch định chính sách hướng tới phát triển kinh tế-xã hội bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu