TPHCM: "Cơn sốt" đất nền có dấu hiệu hạ nhiệt

17/07/2017 00:00

  (TN&MT) - Sau một thời gian dài sốt nóng, gần đây, thị trường đất nền vùng ven tại TPHCM đang có dấu hiệu hạ nhiệt, nhiều nhà đầu tư tìm cách thoát hàng...

 

(TN&MT) - Sau một thời gian dài sốt nóng, gần đây, thị trường đất nền vùng ven tại TPHCM đang có dấu hiệu hạ nhiệt, nhiều nhà đầu tư tìm cách thoát hàng để thu hồi vốn.

Thị trường trầm lắng

Trong cơn sốt giá đất vùng ven trong những tháng qua, quận 9 được xem là điểm nóng, bởi vì giá đất liên tục tăng từng ngày và lượng khách đổ về tìm mua cũng không ít. Dọc các tuyến đường như: Liên Phường, Lã Xuân Oai, Đỗ Xuân Hợp, Nguyễn Duy Trinh…, các sàn môi giới mọc lên như “nấm sau mưa” và đội ngũ cò sẵn sàng “chăm sóc” khách hàng đến tận chân răng. Tuy nhiên, gần đây số lượng người tham gia vào cơn sốt này đã giảm hẳn. Nếu trước đây, cứ vài chục mét lại có một nhóm cò đứng chào hàng, thì giờ đây đã thưa thớt hẳn. Một số dự án trước đây được cho là có mức giao dịch "nóng", hiện cũng nằm trong cảnh không có một cò đất, hay khách hàng nào đến tìm hiểu thông tin mua đất nền.

Đơn cử như giá đất tại một dự án (gồm khoảng hơn 40 nền) nằm ngay trên trục đường Liên Phường, đoạn cách đường Vành Đai 2 chỉ 500m, xung quanh gần rất nhiều dự án nhà phố, biệt thự  như Villa Park, Lucasta, Mega Ruby, Mega Residence…, cách đây chừng 2 tháng được cò đất “hét” với giá 57 triệu đồng/m2, thì nay dao động ở mức 50 - 55 triệu đồng/m2, tùy vị trí.

“Thời gian gần đây giao dịch đất nền đã chững lại nhiều. Nếu như trước đây nhân viên của tôi làm không hết việc, thì nay có những ngày không có việc gì làm. Không biết thời gian tới có khá hơn không, chứ tình hình này thì khó khăn quá” - đại diện một sàn giao dịch nhà đất trên đường Đỗ Xuân Hợp chia sẻ.

Tương tự, "điểm nóng" của cơn sốt đất dọc tuyến đường Lò Lu, cũng trở nên vắng vẻ. Trên trục đường này, ngoài một số dự án đã và đang xây dựng của Khang Điền, Nam Long, NHO... thì các dự án đất nền đã được phân lô vẫn đang là… bãi thả chăn trâu, bò.

Anh Lê Như Hải, nhân viên môi giới đất nền Hưng Lộc Phát ở đường Liên Phường, quận 9 cho biết: “Thời điểm đầu năm 2017, khách hàng về tìm hiểu thông tin đất nền rất nhiều. Tuy nhiên, không phải ai cũng mua, nhiều người sau khi tham khảo giá đã một đi không trở lại. Mặc dù vây, một tháng tôi cũng chốt giá được vài lô. Còn gần đây thì ế ẩm hẳn, từ đầu tháng tới giờ tôi chưa chưa có được hợp đồng nào”. Cũng theo anh Hải, giá đất chững lại là do thành phố sắp siết chặt việc tách thửa. Những khu đất phân lô manh mún có khả năng sẽ rớt giá mạnh, còn đất đã hoàn chỉnh pháp lý, hạ tầng hoàn thiện ít bị tác động hơn. Giá đất không còn tăng nóng sốt như cách đây 2 tháng, nhưng cũng khó giảm trở về mức trước cơn sốt, mà sẽ thiết lập mặt bằng giá mới.

Tương tự, tại huyện Nhà Bè, trên trục đường Phạm Hữu Lầu, Nguyễn Hữu Thọ, Lê Văn Lương, cách đây hơn 3 tháng giá đất chào bán phổ biến 28 - 33 triệu đồng/m2 thì nay còn khoảng 24 - 26 triệu đồng/m2. Tại huyện Bình Chánh, lượng khách liên hệ xem đất cũng giảm mạnh. Trước đây, mỗi ngày một nhân viên đón khoảng 10 người tìm mua đất thì hiện chỉ có 3 - 4 người, mà chủ yếu là đi dò giá. Người mua hiện đang thận trọng dò xét, trong khi người bán thì “găm hàng” chờ chuyển biến tiếp theo của thị trường.

Cũng tại "điểm nóng" sốt đất thuộc quận Thủ Đức, nhất là những địa điểm nằm giáp với tỉnh Bình Dương, giá đất cũng đang giảm. Dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng hiện có nhiều dự án đất nền/nhà phố mặc dù cỏ dại mọc cao hơn đầu người, không có thông tin thời điểm triển khai xây dựng nhưng nhiều cò đất vẫn chào mời khách hàng rầm rộ. Theo đó, đầu năm 2017, một nền đất tại đây có diện tích 150m2 được chào bán 1,7 - 2 tỷ đồng tùy vị trí, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 1,5 tỷ đồng, kèm theo nhiều chiết khấu và phần thưởng có giá trị nếu khách hàng đặt cọc mua từ 2 nền trở lên. Tại huyện ngoại thành Củ Chi, nơi vừa trải qua cơn sốt hầm hập khi có thông tin “chúa đảo” Tuần Châu sẽ đầu tư siêu dự án, cũng bình yên đến lại. Cảnh chèo kéo khách rầm rộ không còn diễn ra, mà các tay môi giới chỉ tiếp khách hàng nào có nhu cầu tìm hiểu thông tin.

Người mua dè chừng

Trước sự chững lại của thị trường đất nền, nhiều nhà đầu tư dè chừng trong việc đầu tư, một số thì tìm cách thoát hàng để thu hồi vốn, thậm chí chấp nhận lỗ. Chị Nguyễn Thị Thu Nguyệt, ở quận Gò Vấp cho biết, đầu tháng 3/2017, chị nghe thông tin nhiều dự án lớn sẽ được khởi công tại huyện Củ Chi, trong đó có siêu dự án của “chúa đảo” Tuần Châu, chị bàn với chồng mua đất đầu cơ, đợi giá lên cao sẽ chốt kiếm lời. Được một môi giới giới thiệu, vợ chồng chị mua 600m2 đất trên đường Nguyễn Thị Rành, với giá 7 triệu đồng/m2. Sau một tháng, lô đất đó có người trả giá 8 triệu đồng/m2 nhưng vợ chồng chị không bán. “Nghĩ đất sẽ còn lên nữa nên vợ chồng tôi quyết định găm hàng. Ai ngờ, gần đây giá đất đã giảm đi nhiều. Để mua lô đất đó, vợ chồng tôi phải vay thêm ngân hàng. Hàng tháng phải trả tiền lãi, trong khi giá đất thì không có dấu hiệu tăng. Vì vậy, chúng tôi chấp nhận bán lỗ với giá 6 triệu đồng/m2 để thu hồi vốn”.

Cuối tháng 5 vừa qua, lãnh đạo TPHCM đã công bố thông tin 3 huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè chưa đủ điều kiện lên quận. Đồng thời, thành phố cũng khẳng định các “siêu dự án” tại huyện Củ Chi mới chỉ là ý tưởng đề xuất của doanh nghiệp. Siết chặt hơn, lãnh đạo thành phố còn chỉ đạo Công an TPHCM xử lý các trường hợp tung thông tin thất thiệt, có dấu hiệu lừa đảo, “thổi” giá đất để trục lợi. Các thông tin này đã hãm đà tăng giá đất nền ở vùng ven, giao dịch chững lại.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, hiện rất khó đoán thị trường sẽ đi theo xu hướng nào trong thời gian tới, vì đây là giai đoạn chuyển hướng khá nhạy cảm. Các nhà đầu tư đất nền chuyên nghiệp đã sớm chốt lời và rút khỏi thị trường để bảo toàn vốn. Những nhà đầu tư ăn theo có thể bị đọng vốn và thua lỗ, nếu giá đất tiếp tục giảm thêm. Ông Châu khuyến cáo, trong giai đoạn hiện nay, những người có nhu cầu mua đất xây nhà thì nên chọn các dự án của doanh nghiệp có uy tín, pháp lý rõ ràng. Trường hợp mua đất phân lô, cần kiểm tra có sổ đỏ từng nền và có giấy phép xây dựng hay chưa. Đối với nhóm khách hàng đầu tư, để giảm thiểu rủi ro, cần cân nhắc khả năng tài chính và so sánh giá chào bán với giá trị sử dụng của bất động sản.

Trước đó, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM Lê Hoàng Châu cũng đánh giá hoạt động của giới đầu nậu, cò đất bất chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến “sốt” giá ảo đất nền và phải có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Giới đầu nậu và cò đất là bên thủ lợi trong “cơn sốt” giá ảo đất nền hiện nay, nhưng hiện nay không quản lý được. “Những người này đang hoạt động với tư cách cá nhân, không đăng ký kinh doanh, thậm chí còn núp bóng người chủ đất hoặc núp bóng doanh nghiệp để kinh doanh bất động sản với nhiều thủ đoạn tinh vi để trốn, né thuế. Trong khi theo Luật Kinh doanh bất động sản thì hoạt động mua bán đất nền cũng là hoạt động kinh doanh bất động sản, phải có đăng ký kinh doanh, phải có vốn pháp định” – ông Lê Hoàng Châu khẳng định.

Bài và ảnh: Thục Vy

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TPHCM: "Cơn sốt" đất nền có dấu hiệu hạ nhiệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO