5.jpg
Bạn đọc - Pháp luật

TP. Vinh (Nghệ An): Người dân vùng thiên tai “dài cổ” chờ tái định cư

Đình Tiệp - Thành Vinh 29/12/2023 - 08:36

Hàng chục hộ dân sinh sống ngoài đê sông Lam (Cụm dân cư Hòa Lam, xóm Thuận Hòa, xã Hưng Hòa, TP. Vinh) đang từng ngày chờ được nhận đất để tái định cư (TĐC) tại nơi ở mới. Thế nhưng, dự án xây dựng Khu TĐC gặp phải quá nhiều vướng mắc khiến cho người dân mòn mỏi chờ hàng chục năm trời chưa thể có nơi ở mới…

Dự án “khẩn cấp” kéo dài hàng chục năm

Năm 2013, UBND tỉnh Nghệ An đã quyết định phê duyệt đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư để di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai xã Hưng Hòa, TP. Vinh và giao cho Chi cục Phát triển nông thôn Nghệ An làm chủ đầu tư.

3.jpg
Đường vào Cụm dân cư Hòa Lam.

Mục tiêu dự án nhằm bố trí, sắp xếp cho 58 hộ dân xóm Hòa Lam (nay sáp nhập thành xóm Thuận Hòa thì gọi khu vực này là Cụm dân cư Hòa Lam – PV) nằm trong diện chịu ảnh hưởng bởi thiên tai đến khu tái định cư tập trung mới ở xóm Thuận Hòa, ngay phía đối diện trong đê sông Lam.

Những tưởng dự án được phê duyệt sẽ giúp cho hàng chục hộ dân sống ngoài đê thoát khỏi cảnh ngập lụt, không còn phải nơm nớp lo sợ mỗi khi đến mùa mưa bão đến. Thế nhưng, mong chờ, háo hức bao nhiêu thì người dân trở nên thất vọng, vỡ mộng bấy nhiêu bởi hơn một thập kỷ đã trôi qua, họ vẫn chưa thể biết khi nào mới được chuyển đến nơi ở mới.

5.jpg
4.jpg
Cụm dân cư Hòa Lam từ 58 hộ dân khi lập dự án nay đã tăng thêm 24 hộ thành 82 hộ có nhu cầu TĐC.

Có thể thấy, mặc dù tên gọi và mục tiêu của dự án là di dời dân cư khẩn cấp nhưng trên thực tế đến tận năm 2020, chủ đầu tư mới bắt đầu triển khai thực hiện. Vì thế, người dân cứ hay nói đùa rằng, dự án “khẩn cấp” chẳng khác nào là dự án “rùa bò”!

“Cụm dân cư Hòa Lam được lập từ những năm 60-70 của thế kỷ trước. Đó là nơi quần cư của những hộ dân sống bằng nghề chài lưới nơi hạ nguồn sông Lam. Cũng bởi nằm ngoài đê, mỗi năm đến mùa mưa lũ, làng ngập trong nước, có năm ngập đến nửa nhà. Từ khi có đề án di dời, việc thi công đường ống dẫn nước sạch tới Hòa Lam cũng bị dừng lại. Từ 58 hộ trong diện di dời, nay xóm Hòa Lam đã “phình” ra thành 82 hộ dân, nhà cửa xuống cấp nhưng cũng không thể sửa chữa. Chỉ mong sao sớm được vào nơi ở mới”, Một người dân ở Hòa Lam đề đạt nguyện vọng.

1.jpg
Khu TĐC dành cho 58 hộ ở xóm Thuận Hòa.

Lý giải về nguyên nhân của sự chậm trễ trên, theo chủ đầu tư dự án là Chi cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Nghệ An lý giải thì do dự án được thông qua trước khi Luật Đầu tư công ra đời nên không được bố trí nguồn vốn. Bước sang giai đoạn 2020 - 2025, dự án này mới được phê duyệt lại, trên cơ sở đó mới thi công và đến năm 2022 thì cơ bản hoàn thành các hạng mục.

Được biết, ngày 27/6/2023 vừa qua, dự án trên tiếp tục được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 1800/QĐ-UBND, với tổng mức đầu tư dự án sau điều chỉnh là hơn 36,6 tỷ đồng. Trong đó, bao gồm: Chi phí xây dựng hơn 26,7 tỷ đồng; chi phí bồi thường, GPMB hơn 5,4 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án gần 500 triệu đồng cùng nhiều chi phí khác…

Quyền lợi người dân vùng thiên tai bị ảnh hưởng

Được biết, đến thời điểm hiện tại, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư để di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai xã Hưng Hòa, TP. Vinh đã cơ bản hoàn thành xong các hạng mục. Tuy nhiên, không hiểu lý do vì sao, chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao để UBND TP. Vinh tổ chức cho 58 hộ dân bị ảnh hưởng nhận đất, xây nhà, ổn định cuộc sống?

2.jpg
Các hạng mục cơ bản Khu TĐC cho 58 hộ dân Hòa Lam cơ bản đã hoàn thành.

Về vấn đề này, theo Chi cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Nghệ An và được lý giải rằng có 2 nguyên nhân chính dẫn đến hàng chục hộ dân Cụm dân cư Hòa Lam chưa thể di dời sang nơi ở mới, đó là: Vướng nút giao đường vào khu tái định cư và dư dự án kéo dài nên có phát sinh thêm tới 24 hộ dân ở ven đê cũng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai.

Trước mắt chủ đầu tư sẽ phải xử lý hạng mục nút giao nối tuyến đường D1 và Quốc lộ 46C. Người dân họ cũng không đồng tình vào ở nếu nút giao chưa được mở, bởi sẽ ảnh hưởng đến việc chở vật liệu và làm nhà cũng như đi lại của họ về sau.

10.jpg
Trạm điện.
9.jpg
Hạng mục Nhà văn hóa xóm.

“Trước đây, tổng mức đầu tư dự án được phê duyệt khi tuyến Quốc lộ 46C thời điểm đó đang là tỉnh lộ nên chi phí, tiêu chuẩn khác. Sau đó, tuyến đường này được nâng lên thành quốc lộ, thành ra yêu cầu cao hơn, vượt quá mức đầu tư của tỉnh nên tỉnh chưa cho điều chỉnh. Do vậy, hạng mục đó đang bị bỏ ra”, đại diện chủ đầu tư lý giải.

Được biết, hiện Ban Quản lý dự án đang làm thủ tục trình Cục Quản lý đường bộ II, Bộ Giao thông vận tải để mở hộ lan đấu nối đường từ khu tái định cư đến Quốc lộ 46C.

Không chỉ bị vướng mắc bởi nút giao chưa mở được, hiện khu tái định cư chỉ dành cho 58 hộ dân, nay phát sinh thêm 24 hộ dân nữa, nâng tổng số hộ dân phải di dời lên 82 hộ. Điều này đòi hỏi chủ đầu tư phải lên phương án khác để di dời toàn bộ các hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

7.jpg
6.jpg
Vướng mắc thủ tục đấu nối vào Quốc lộ 46C.

“Về phát sinh thêm 24 hộ dân cần di dời, chúng tôi đang tiến hành lập dự án hoàn toàn mới, xử lý luôn cả vấn đề mở nút giao để người dân xóm Hòa Lam sớm được vào nơi ở mới”, đại diện chủ đầu tư khẳng định.

Tuy nhiên, ngày 28/12/2023, ông Dương Xuân Thám, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Hòa khẳng định đến thời điểm hiện tại các hộ dân vẫn chưa được di dời vào khu TĐC vì còn nhiều vướng mắc. “Ngoài những vướng mắc liên quan đến công tác đấu nối vào đường Quốc lộ 46C thì còn có vướng mắc phát sinh như một số hạng mục chưa hoàn thiện thì hiện chủ đầu tư đang chỉ đạo nhà thầu hoàn thiện. Ngoài ra, có thêm vướng mắc là công tác hỗ trợ như thế nào đối với người dân đi vào Khu TĐC như chênh lệch diện tích đất nơi đi với nơi đến. Ví dụ như nơi đi hộ ông này có 1.000m2 đất ở nhưng vào Khu TĐC chỉ có 1 lô diện tích 200m2 thì mức chênh lệch 800m2 sẽ tính như thế nào? Có hỗ trợ tiền di dời hoặc tài sản trên đất hay không cũng sẽ phải tổ chức một cuộc họp nữa để thống nhất”, ông Thám, cho hay.

8.jpg
Sau nhiều năm chờ đợi không biết khi nào người dân vạn chài Cụm dân cư Hòa Lam mới được đến nơi ở mới?

Cũng theo ông Thám thì đối với 24 hộ dân phát sinh thêm thì hiện đã chọn địa điểm là nơi liền kề khu dành cho 58 hộ trước đó và đến nay công tác giải phóng mặt bằng cũng như các thủ tục đang được triển khai tiến hành nhưng chưa xong.

Trước những chậm trễ, vướng mắc nêu trên, hy vọng rằng, các cơ quan có thẩm quyền liên quan cần vào cuộc quyết liệt xử lý sớm các vướng mắc để giải quyết nhu cầu, quyền lợi chính đáng cho người dân nằm trong diện bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. Vinh (Nghệ An): Người dân vùng thiên tai “dài cổ” chờ tái định cư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO