Thành phố Thái Nguyên có diện tích tự nhiên trên 222 km2, dân số gần 40 vạn người; có 32 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc (bao gồm 21 phường và 11 xã). Do được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng, quanh năm mưa thuận gió hòa, ít chịu tác động của các hình thái thời tiết cực đoan, nên các xã vùng nông thôn trên địa bàn đã tập trung phát triển ngành nông nghiệp đa sản phẩm. Phát huy những tiềm năng và lợi thế đó, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền Tỉnh và Thành phố luôn giành sự quan tâm cho sự phát triển của nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Nhiều công trình xây dựng cơ sở hạ tầng ở thành phố Thái Nguyên được khánh thành đưa vào sự dụng, phát huy hiệu quả phục vụ đời sống dân sinh.
|
Năm 2010, ngay sau khi Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai, Thành ủy, HĐND & UBND thành phố Thái Nguyên đã xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và tổ chức các Hội nghị để quán triệt, triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh về chương trình xây dựng nông thôn mới, đồng thời phát động phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới đến các cấp, ngành, địa phương và các tầng lớp nhân dân. Trong quá trình triển khai thực hiện 19 tiêu chí theo quy định của Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thành phố còn không ít những khó khăn, đó là kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn mặc dù đã được chú trọng đầu tư song chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng vùng sản xuất tập trung ... Hoạt động ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gắn với xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế, giá trị kinh tế và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp chưa cao.
Thành phố đã đầu tư xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội nông thôn; hoàn thiện bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. |
Xác định rõ vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới với quan điểm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và phương châm “lấy sức dân để giải quyết công việc của dân”, Thành phố đã chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền; đặc biệt chú trọng phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, trong đó coi trọng vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị. Nhờ đó, đã tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhân dân cùng chung sức xây dựng nông thôn mới. Tính đến tháng 6/2019, tổng nguồn vốn huy động để xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đạt trên 777 tỷ đồng, trong đó kinh phí từ nguồn của Thành phố trên 338 tỷ đồng, kinh phí nhân dân đóng góp trên 127 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, Thành phố đã đầu tư xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội nông thôn; hoàn thiện bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Hệ thống giao thông khang trang, sạch đẹp. |
|
Với sự chỉ đạo, lãnh đạo vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền từ thành phố đến cơ sở, phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Thái Nguyên trở thành một cuộc thi đua sôi nổi và rộng khắp giữa các xã. Chỉ sau vài năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc. Người nông dân phấn khởi đã tự nguyện đóng góp trên 74.000 ngày công, hiến gần 130.000 mét vuông đất để xây dựng các công trình như đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa xóm, xã .... Hiện nay, 100% đường giao thông xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, 100% đường trục xóm và đường liên xóm được cứng hóa. Những con đường hoa rực rỡ sắc màu đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều hơn tại các xã vùng nông thôn mới, góp phần đem lại diện mạo sáng- xanh-sạch- đẹp cho những vùng quê thanh bình. Trò chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Khanh, xóm Nam Thái, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên vui mừng nói:
Thực hiện xây dựng nông thôn mới, công tác quy hoạch được chú trọng phù hợp với yêu cầu thực tế. Kết cấu hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, thủy lợi, chợ nông thôn, nhà văn hóa được quan tâm đầu tư. Đến năm 2019 thành phố Thái Nguyên đã đầu tư xây dựng và cải tạo, nâng cấp 30 công trình thủy lợi; sửa chữa, nâng cấp, xây mới 20 công trình nhà lớp học. 11/11 xã có đủ 3 cấp học và 100% các trường học đều đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh các địa phương. Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố, đầu tư nâng cấp trang thiết bị nhằm phục vụ tốt việc khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân ở khu vực nông thôn.
Thực hiện các chủ trương của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, những năm qua, trong các kế hoạch về phát triển kinh tế- xã hội của thành phố Thái Nguyên đối với lĩnh vực nông nghiệp, cùng với việc nâng cao các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, thành phố đã luôn chú trọng hướng dẫn các xã căn cứ vào các qui hoạch xây dựng nông thôn mới đã được phê duyệt, phát huy tối đa lợi thế của từng vùng, xây dựng các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh để nâng cao thu nhập. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất nhằm nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác; xây dựng thí điểm và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao gắn với phát triển du lịch, dịch vụ, từng bước giải quyết việc làm cho người dân. Hiện nay ngoài chè Tân Cương (một trong năm sản phẩm quốc gia được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý trên toàn quốc) đã khẳng định thương hiệu ở thị trường hơn 100 nước trên thế giới, thành phố Thái Nguyên còn có nhiều sản phẩm đặc trưng được khách hàng ưa chuộng như: ổi Linh Nham, hoa Huống Thượng, rau Đồng Liên..v.v. Nhờ các chính sách trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nên đến năm 2018 giá trị sản phẩm/1 ha đất nông nghiệp bình quân ở Thành phố đạt 120 triệu đồng/ha/năm; tỷ lệ hộ nghèo của các xã chỉ còn 2,38%; thu nhập bình quân đầu người của người dân trong khu vực này đạt trên 45 triệu đồng/năm. Tháng 9.2019, thành phố Thái Nguyên có 8/25 sản phẩm trong toàn Tỉnh được cấp giấy chứng nhận đạt sao của sản phẩm thuộc chương trình OCOP Tỉnh Thái Nguyên năm 2019. Nói về việc triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã phường một sản phẩm” nhằm nâng cao thu nhập cho người dân các xã trên địa bàn, đồng chí Vũ Thị Bích Thủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Thái Nguyên cho biết:
Trong những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” cùng với các phong trào thi đua khác được đẩy mạnh, đã mang lại hiệu quả thiết thực trong đời sống và xã hội. 100% các xóm đã được quy hoạch đất và xây dựng nhà văn hóa xóm ; 100% thôn, xóm, khu dân cư đã xây dựng và thực hiện tốt hương ước, quy ước phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, nhiều lễ hội dân gian truyền thống được gìn giữ và phát huy; nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nâng cao đời sống tinh thần cho người dân được quan tâm đẩy mạnh. Đến năm 2018 Thành phố có số xóm đạt xóm văn hóa chiếm tỷ lệ gần 82%.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các xã nông thôn mới được đảm bảo; các vấn đề liên quan đến tôn giáo, an ninh nông thôn, bảo vệ chính trị nội bộ được chủ động giải quyết tốt. Công tác khám, tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc đảm bảo nhanh gọn, an toàn, hoàn thành 100% chỉ tiêu trên giao. Hằng năm, vào dịp ra quân huấn luyện đều lồng ghép phong trào “lực lượng vũ trang chung sức xây dựng nông thôn mới” đã góp phần tích cực cùng các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và duy trì bền vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đề cập đến phương hướng đẩy mạnh xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn kiểu mẫu trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Tư, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Liên, thành phố Thái Nguyên cho biết:
Với sức mạnh của sự đoàn kết và sự nỗ lực không ngừng của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, đến năm 2016 thành phố Thái Nguyên đã hoàn thành 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Ngày 5/10/2017, thành phố Thái Nguyên là đơn vị cấp huyện đầu tiên ở Thái Nguyên vinh dự được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1502/QĐ-TTg về việc công nhận TP Thái Nguyên hoàn thành nhiệm vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2016.
Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao; thu nhập bình quân đầu người các xã vùng nông thôn tăng từ 20 triệu đồng năm 2011 lên trên 45 triệu đồng năm 2018. Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn Thành phố từ 3,61% năm 2012 xuống còn 1,13% năm 2018. Kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội nông thôn được đầu tư phát triển. Diện mạo nông thôn được đổi mới, khang trang, sạch đẹp; an ninh trật tự ngày càng được củng cố vững chắc. Thành quả đó là minh chứng cho thấy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả của cấp ủy đảng, chính quyền thành phố Thái Nguyên và sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân trong việc cụ thể hóa đưa các Nghị quyết của Đảng về xây dựng nông thôn mới vào cuộc sống. Người nông dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước tiếp tục phát huy tính sáng tạo, trí tuệ trong lao động, sản xuất để làm giàu cho mình và cho đất nước, đem lại những bước phát triển vững chắc cho thành phố Thái Nguyên.