Môi trường

TP. Huế phân loại rác tại nguồn: Hướng đến đô thị giảm nhựa

Văn Dinh 16/05/2024 - 09:34

(TN&MT) - Tại TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế), việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đã và đang được triển khai hiệu quả, góp phần giảm lượng rác thải nhựa ra môi trường, làm cho Huế xanh - sạch - sáng và hướng đến một đô thị giảm nhựa trong tương lai gần.

Thay đổi nhận thức

Trước đây, mỗi lần gia đình chị Thu (phường Đông Ba, TP. Huế) có tiệc tùng, liên hoan thường sử dụng nhiều loại đồ uống như bia, nước ngọt, nước suối hoặc các loại hộp nhựa đựng thức ăn nấu sẵn. Sau buổi tiệc, các loại chai lọ, hộp nhựa, túi ni lông... được dọn dẹp, cho vào thùng rác. Việc này diễn ra thường xuyên cho đến khi tham gia vào các buổi sinh hoạt, tập huấn phân loại CTRSH do phường Đông Ba tổ chức, chị Thu đã nhận thức được những hành vi thường ngày của mình gây tác hại về môi trường, tốn kém chi phí thu gom cũng như những lợi ích của việc tái chế rác thải nhựa, nên chị đã hướng dẫn các thành viên trong gia đình tự phân loại CTRSH tại nhà, đồng thời tích cực tham gia chương trình “Đổi rác lấy quà” do Đoàn Thanh niên phường tổ chức.

rachue-1.jpg
Người dân Huế phân loại rác

“Những hành động tuy nhỏ nhưng ý nghĩa mang lại rất lớn, đó là nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho các thành viên trong gia đình, từ đó các con ý thức hơn trong việc xả rác, nhặt rác và hình thành thói quen phân loại CTRSH ngay tại nhà”, chị Thu chia sẻ.

Huế là đô thị có dân số đông, lượng rác thải mỗi ngày không dưới 500 tấn rác sinh hoạt và đang gia tăng, nhất là sau khi mở rộng địa giới hành chính, gây sức ép về môi trường và mỹ quan đô thị, vì thế vấn đề phân loại CTRSH đang là yêu cầu cấp bách được TP. Huế chú trọng và đẩy mạnh triển khai. Trong đó, Dự án “Huế - Đô thị Giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” do Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) xây dựng, tài trợ và thực hiện là một điển hình trong công tác cải thiện hoạt động phân loại rác của thành phố.

Qua gần 2 năm triển khai, chương trình phân loại CTRSH tại nguồn trong khuôn khổ Dự án, tại TP. Huế, đến nay đã có 295 bộ thùng lưu chứa rác sinh hoạt trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện để người dân thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn.

Tại nhiều xã ven biển của TP. Huế, Dự án tuyên truyền cho các ngư dân và tặng các túi lưới chứa rác nhựa để ngư dân lắp đặt vào tàu khai thác và mang về bờ. Ngoài ra, Dự án hỗ trợ lắp đặt 76 mô hình ngôi nhà xanh tại nhiều phường, xã để vận động người dân tăng cường thu gom rác tái chế. Các mô hình thể hiện tính hiệu quả cao, thu gom được số lượng lớn rác tái chế, trong đó phần lớn được dùng để gây quỹ hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Tăng cường truyền thông, thay đổi hành vi

Dự án “Huế - Đô thị Giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” cũng đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông đến học sinh tại 52 trường học với nhiều hoạt động đa dạng như: rung chuông vàng, cuộc thi vẽ tranh về phân loại rác tại nguồn và giảm nhựa, hội trại với chủ đề bảo vệ môi trường, tổ chức thu gom rác thải ven biển... Ngoài ra, dự án đã lồng ghép các tiết dạy học về môi trường, giảm nhựa, phân loại rác vào các môn học chính khóa; xây dựng tài liệu đưa ra các chủ đề có thể tích hợp vào bài giảng nhằm thúc đẩy ý thức bảo vệ môi trường của các em nhỏ.

rachue-2.jpg
Nhiều sự kiện về giảm nhựa, phân loại rác được thường xuyên triển khai ở Huế

Hoạt động truyền thông thay đổi hành vi đã xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên nòng cốt tại các phường, xã đến tận nhà dân tuyên truyền phân loại rác tại nguồn và giảm nhựa theo phương pháp giáo dục hành động (PAOT). Theo đó, 29.500 túi phân loại CTRSH được phát cho các hộ gia đình cùng với bảng kiểm theo dõi thay đổi hành vi để khuyến khích người dân phân loại rác tại nguồn.

Một Trung tâm Thông tin Môi trường được thành lập tại 46 Trần Phú, TP. Huế vào tháng 5/2022. Trung tâm với 3 khu vực chính gồm: khu trung tâm, khu trưng bày và khu trò chơi trải nghiệm với nhiều hình ảnh, tư liệu, video về phân loại rác tại nguồn, các sáng kiến tái chế rác thải nhựa. Trung tâm đã tổ chức nhiều hoạt động như Ngày hội Tái chế, sự kiện Ngày hội Giảm nhựa, cuộc thi “Anh hùng giảm nhựa” và tôn vinh người công nhân môi trường thu gom rác,... thu hút hàng ngàn người đến tham quan.

Ông Trần Song - Phó Chủ tịch UBND TP. Huế cho rằng, thời gian qua, TP. Huế đã triển khai nhiều công việc để đảm bảo cho việc tổ chức phân loại CTRSH, trong đó, tổ chức các buổi tập huấn hướng dẫn về công tác phân loại CTRSH cho các cơ quan, đơn vị, UBND các phường, cấp cơ sở với mục đích phổ biến về trình tự, cách thức phân loại; trên cơ sở đó tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn đến các hộ gia đình, chủ nguồn thải trên địa bàn thực hiện phân loại rác thải theo đúng hướng dẫn.

“TP. Huế cam kết đến năm 2024 sẽ trở thành đô thị giảm nhựa với 70 % chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý. Đồng thời, rác tái chế từ bãi chôn lấp được đẩy mạnh thu hồi, mong muốn đưa Huế trở thành điểm đến không rác nhựa vào năm 2030. Để tiếp tục triển khai hiệu quả, TP. Huế đề nghị các cơ quan, tổ chức, các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn cùng chung tay thực hiện công tác phân loại rác thải ngay từ nguồn thải để góp phần bảo vệ môi trường, tăng cường tái chế, tái sử dụng, giảm nguy cơ phát tán chất thải nguy hại ra môi trường; đồng thời phát huy đề án Ngày Chủ Nhật xanh gắn với lợi ích bền vững của nhân dân”, ông Song nói.

Ông Lê Bá Phúc - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên - Huế thông tin, tỉnh đã phê duyệt Đề án tổng thể thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn đến năm 2030, trong đó, thu gom và vận chuyển chất thải rắn ở đô thị sẽ theo 2 hình thức thu gom trực tiếp và qua điểm tập kết; ở khu vực nông thôn sẽ thành lập các đơn vị thu gom bằng các phương pháp thủ công, sau đó tập kết chất thải rắn đến các điểm trung chuyển để các đơn vị dịch vụ vận chuyển chất thải rắn về khu xử lý tập trung. Tỉnh sẽ đầu tư các tổ hợp công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với thành phần, tính chất, nhóm CTRSH phát sinh trên địa bàn; tái chế, thu hồi vật liệu, sản xuất phân hữu cơ, đốt chất thải rắn không còn tái chế...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. Huế phân loại rác tại nguồn: Hướng đến đô thị giảm nhựa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO