Điển hình cơn mưa đầu mùa trung tuần tháng 6/2018 mặc dù kéo dài vài giờ đồng hồ xong đã gây ra tình trạng ngập úng khá trầm trọng dọc tuyến đường An Dương Vương, chợ Thái Bình (TP.Hoà Bình).
Ngay sau khi ngớt cơn mưa, có mặt tại khu vực này, chứng kiến cảnh giao thông đình đốn, nhiều nhà cửa, hàng quán nhất là các quầy bán hàng trong khu vực chợ Thái Bình bị ngập trong nước không thể không cám cảnh cùng cuộc sống người dân nơi đây.
Chị Nguyễn Thị Dung, một người dân sinh sống tại đây, khi được hỏi đã bức xúc cho biết, trên khu vực này nhiều năm nay cứ hễ mưa xuống là bị ngập, gây khó khăn cho cuộc sống cũng như buôn bán của hàng trăm hộ dân dọc tuyến đường An Dương Vương kéo dài đến cả km. Đặc biệt, từ ngày Nhà nước xây cống thoát nước mới thì tình trạng ngập lụt thậm chí có vẻ như càng trầm trọng thêm.
Tìm hiểu về những “Điểm đen” ngập lụt mỗi khi mưa xuống trên địa bàn còn phải kể đến khu vực hàng chục hộ dân khe Ngòi Cả thuộc địa bàn Tổ 1, xã Trung Minh, TP.Hoà Bình, tỉnh Hòa Bình. Từ vài năm nay, do tình trạng khai thác rừng đầu nguồn của Công ty Lâm Nghiệp tỉnh Hoà Bình nên dẫn dẫn đến đồi núi trơ trọc, tình trạng sạt lở gia tăng.
Mỗi khi mưa lớn, đất đá từ trên đồi đổ xuống lấp kín hết cả đường đi lối lại. Nguy hiểm hơn, một số nhà ở của người dân khu vực này đã bị ảnh hưởng lún nứt đe doạ tính mạng và tài sản nhân dân. Về vấn đề này, nhân dân trong khu vực với trên 36 hộ gia đình đã nhiều lần có đơn kêu cứu đến các cấp chính quyền Thành phố.
Tuy nhiên, theo người dân nơi đây, đến nay vẫn chưa có động thái thực tế nào từ phía chính quyền địa phương trong việc triển khai thi công hay có những giải pháp cáp bách giúp người dân khắc phục hiện trạng đất đá đổ từ trên đồi xuống mỗi khi mưa lớn xảy ra.
Trung tâm thành phố Hoà Bình, bờ phải sông Đà – khu vực chợ Phương Lâm cũ cũng như chợ rau quả Nghĩa Phương hiện nay là một trong những “Điểm đen” đáng quan tâm về tình trạng ngập lụt trên địa bàn. Hàng trăm hộ dân trong khu vực luôn trong tình trạng khổ sở suốt nhiều năm qua mỗi mùa mưa đến.
Được biết, tại khu vực này, Thành phố Hòa Bình đã triển khai nhiều biện pháp nhưng đến nay vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Mỗi khi mưa lớn xảy ra, người dân đi lại hết sức khó khăn, buôn bán ngừng trệ... Tại đây, có hộ gia đình không chịu được cảnh ngập lụt đã phải thuê thợ về nâng nền nhà cao đến cả mét mong thoát khỏi cảnh hò nhau chuyển đồ đạc lên cao môi khi trời mưa nước từ đường tràn vào dâng lênh láng nền nhà.
Ông Nguyễn Đình Chung, Phó Trưởng phòng Kinh tế TP.Hoà Bình, cho biết: Nhìn chung, trong những năm qua, TP.Hoà Bình đã triển khai nhiều giải pháp qua đó làm giảm đáng kể tình trạng ngập lụt tại nhiều điểm trên địa bàn.
Riêng đối với bờ trái TP.Hoà Bình hiện đã cơ bản cải thiện, trong trường hợp mưa to và kéo dài, có thể thời gian thoát nước mặt trên các trục đường vẫn còn lâu hơn một chút do phải có thời gian để tiêu nước. Nhưng về cơ bản để nước mưa ngập nhà dân cũng như ách tắc giao thông là hầu như không còn.
Còn đối với bờ phải TP Hoà Bình, hiện còn vài điểm đáng quan tâm như khu vực xung quanh chợ Thái Bình, khu dân cư suối Ngòi Cả xã Trung Minh và khu vực trung tâm thành phố thuộc chợ Phương Lâm cũ.
Cũng theo đồng chí Nguyễn Đình Chung, đối với khu vực chợ Thái Bình, trước mắt, đơn vị chức năng của Thành phố đã có giải pháp mở thêm các điểm đón nước dọc đường An Dương Vương nhằm thu nước mặt nhanh hơn đổ về cống chính. Đồng thời, thường xuyên nạo vét cống rãnh do tình trạng đất đá từ trên đồi đổ xuống làm tắc nghẽn đường thoát nước. Có như vậy may ra mới khắc phục được tình trạng ngập úng và ách tắc giao thông mỗi khi mưa lớn tại khu vực này.
Về phía khu vực khe suối Ngòi Cả, thuộc Tổ 1, xã Trung Minh hiện đã có dự án nâng cấp và sửa chữa mở rộng tuyến đường giao thông của xóm chiều dài lên đến 600m. UBND Thành phố đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh xem xét, quyết định hỗ trợ kinh phí khoảng 5,5 tỷ đồng để nhà thầu thực hiện đầu tư, cải tạo cũng như vét suối khe Ngòi Cả.
Để đảm bảo lâu dài, UBND Thành phố Hoà Bình còn đề nghị điều chỉnh quy hoạch một số diện tích rừng sản xuất thuộc Công ty Lâm Nghiệp Hoà Bình quản lý thành rừng đặc dụng, tránh tình trạng khai thác rừng trơ trọi mỗi khi mưa xuống lại kéo đất đá xuống dưới nhà dân.
Đối với khu vực trung tâm chợ Phương lâm cũ, theo đồng chí Nguyễn Đình Chung, hiên tại đầu ra nước mưa của toàn khu vực phụ thuộc chính vào mỗi một tổ hợp cống tại ngã 4 khu vực giao nhau giữa đường Trần Hưng Đạo và đường Chi Lăng. Do đó, khiến cho việc tiêu nước khá khó khăn mỗi khi mưa lớn tại trung tâm chợ Phương Lâm cũ.
Cùng với đó, Công viên tuổi trẻ vẫn đang trong giai đoạn thi công nên để đấu nối toàn diện hệ thống thoát nước của khu vực này vào hồ Tuổi Trẻ sau đó đổ ra kênh 20 – kênh tiêu nước chính của thành phố chưa biết đến bao giờ mới được thực hiện. Bởi vậy, việc ngập úng tại khu vực chợ Phương Lâm cũ là một trong những bài toán lâu dài, bất cập không thể giải quyết ngày một, ngày hai đối với đối với hệ thống thoát nước của thành phố Hòa Bình.