Khó mưu sinh
Được xây dựng cách đây gần chục năm, diện tích hơn 30ha, dự án chung cư TĐC Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh dự kiến sẽ là nơi ở của hàng nghìn hộ dân nằm trong diện giải tỏa khu vực kênh Tham Lương và một số chương trình chỉnh trang đô thị của TP.HCM. Tuy vậy, khu TĐC này hiện có rất nhiều căn hộ không người ở, đang xuống cấp với dấu hiệu sụt lún, nứt vách…
Được biết, khu TĐC Vĩnh Lộc B có vốn đầu tư 1.062 tỷ đồng, chính thức đưa vào sử dụng từ năm 2011. Dự án gồm 45 lô chung cư với gần 2.000 căn hộ và 559 nền đất. Tuy vậy, đã nhiều năm trôi qua, toàn khu chỉ có vài trăm hộ dọn về ở, số còn lại vẫn nằm chờ. Nguyên nhân chính được lý giải là do, khu chung cư này nằm khá xa trung tâm, đường đi lại bất tiện khiến nhiều người không mặn mà.
Bà Hoa, một trong những cư dân đầu tiên chuyển về sinh sống ở khu TĐC Vĩnh Lộc B cho biết, so với nơi ở cũ, căn hộ của bà hiện nay khang trang hơn rất nhiều, nhưng nơi ở mới này không thuận tiện cho công việc của những người trong gia đình, nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Tương tự gia đình bà Hoa, gia đình chị Loan cũng giải tỏa để thực hiện dự án cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên (quận Bình Tân). Theo chị Loan, ngày trước chị bán hủ tiếu, bánh canh, mỗi ngày cũng kiếm được từ 100.000 - 200.000 đồng. Về khu TĐC, buổi sáng chị cũng mở quán bán xôi, trưa và tối bán ốc, nhưng chưa được một tuần đã dẹp vì không có người mua.
Nếu khu TĐC Vĩnh Lộc B được cho là “ế” vì quá xa trung tâm, Khu TĐC Bình Khánh (phường Bình Khánh, quận 2, TP.HCM) có diện tích 38,4ha, thuộc chương trình 12.500 căn hộ phục vụ TĐC Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Dự án có ba khu, gồm khu 30,2 ha Bình Khánh có 4.216 căn hộ, khu 38,4 ha Bình Khánh có 6.220 căn hộ, khu 17,3 ha An Phú - Bình Khánh có 1.844 căn) cũng không khá gì hơn. Khu TĐC Bình Khánh được hoàn thiện và đưa người dân vào ở vào năm 2015. Tuy vậy, có rất ít người dân được bố trí TĐC ở trong các căn hộ này. Từ đây có thể thấy, rất nhiều căn hộ đã bị bán lại hoặc cho thuê mà chủ sở hữu đa phần là nhà đầu tư, chứ không phải người dân được bố trí suất TĐC.
Nút thắt khó gỡ
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, hiện, TP.HCM còn dư gần 14.000 căn hộ TĐC, tập trung chủ yếu ở 2 khu vực Vĩnh Lộc B và Thủ Thiêm. Điểm chung của các dự án này đó là đều vắng bóng người ở và xuống cấp nghiêm trọng. Thời gian tới, thành phố sẽ hạn chế tối đa xây mới dự án nhà TĐC. Hiện nay, thành phố cần bán hơn 7.000 căn hộ TĐC chưa sử dụng, bởi nếu để lâu sẽ xuống cấp.
Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, nhiều khu TĐC hiện nay có chất lượng không tốt, một số nơi đưa vào sử dụng chưa lâu đã có dấu hiệu xuống cấp như thấm dột, nứt tường… Ngoài ra, vị trí của một số khu TĐC nằm ở những nơi không thuận lợi, ở khu vực đất đai rẻ, hay cơ sở hạ tầng và các dịch vụ tiện ích quá thiếu thốn. Việc bố trí nhà TĐC không phù hợp với điều kiện sinh hoạt của các hộ thuộc diện di dân là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhiều khu nhà bị bỏ hoang như hiện nay.
TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế phân tích, tình trạng nhà TĐC bị “ế” xuất phát từ sự thiếu thực tế của cơ quan quản lý, ít quan tâm đến tâm lý, hoàn cảnh của người dân. “Trước đây, người ta cho rằng, đã áp đền bù là người dân phải chịu, không có chuyện thương lượng. Người dân TĐC chủ yếu là người nghèo, quen sống trong những căn nhà cấp 4. Trong khi đó, nhà TĐC là chung cư, người dân sống không quen. Hơn nữa, khâu quản lý chung cư TĐC không tốt, tiện ích không có, chất lượng xây dựng thấp,… nên người dân không mặn mà. Họ thà nhận tiền, hoặc ở trong căn nhà cấp 4, không chịu vào ở trong khu chung cư TĐC”, TS. Đinh Thế Hiển cho biết thêm.
TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, bất động sản nhà ở kinh doanh phải thỏa thuận với người dân theo giá thị trường, không nên thực hiện theo kiểu áp giá đền bù thấp và bố trí nhà TĐC không phù hợp. Thay vì xây nhà TĐC rồi đắp chiếu, khi giải tỏa, Nhà nước nên đưa cho người dân một khoản tiền phù hợp với giá của thị trường để họ tự lựa chọn nơi sinh sống cho gia đình mình, sau đó, thu hồi đất, bán cho doanh nghiệp thông qua đấu thầu để họ sử dụng khu đất đó theo chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc Thành phố đã định ra.
Còn ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, nhà ở TĐC có mục đích đưa người dân tại các khu giải tỏa về sinh sống, nhưng khi về những khu chung cư cao tầng, người dân không biết làm gì để mưu sinh, trong khi các khoản chi phí tại chung cư rất cao so với thu nhập của người dân sống tại khu TĐC. Việc mưu sinh gặp khó, vì vậy, người dân nhận nhà TĐC chỉ sinh sống thời gian ngắn rồi rao bán nhà, thậm chí, bán không được cũng bỏ nhà đó mà đi nơi khác sống. Đây là câu chuyện đáng buồn của các khu nhà TĐC của TP.HCM hiện nay.