TP.HCM ứng phó tình trạng sụt lún nền đất

Nguyễn Quỳnh| 29/09/2022 06:46

(TN&MT) - Để ứng phó với tình trạng sụt lún nền đất đang diễn ra với chiều hướng gia tăng, TP.HCM sẽ giảm khai thác nước ngầm xuống còn 100.000 m3/ngày/đêm vào năm 2025 và tiến tới chấm dứt khai thác nước ngầm; đồng thời, đầu tư hệ thống quan trắc sụt lún nền đất hiện đại…

Báo động sụt lún nền đất

Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa có báo cáo kết quả khảo sát liên quan đến tình trạng sụt lún và các giải pháp ứng phó với sụt lún tại TP.HCM. Theo đó, TP.HCM hiện đang tiếp tục sụt lún trung bình mỗi năm 2cm, thậm chí, có nơi đến 6cm. Cá biệt một số khu vực, trong vòng 12 năm từ 2005 đến 2017 đã sụt lún 23cm, có nơi đến 81cm.

Cũng theo thông tin từ JICA, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam (DWRPIS) thuộc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia, đã tiến hành khảo sát, quan trắc sụt lún các năm 2005, 2014, 2015 và 2017… Công tác quan trắc được thực hiện bằng thủy chuẩn tại 19 điểm tham chiếu quốc gia có vị trí rải rác khắp TP.HCM. Trong đó, 10 quận có mức độ sụt lún đáng kể, gồm các quận: 2, 7, 8, 12, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Bình Tân, và Thủ Đức. Riêng hai quận Tân Bình và 12 ghi nhận mức sụt lún nền lớn nhất.

sut-lun-gay-ngap.jpg

Tình trạng sụt lún nền đất kết hợp triều cường gây ngập lụt tại TP.HCM

“Những khu vực tập trung như các công trình thương mại có tốc độ lún cao hơn, khoảng 7 - 8 cm/năm. Tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng 2 lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm)” - JICA khuyến cáo.

Ngày 20/9, tờ The Strait Times đã công bố nghiên cứu của Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) của Singapore, trong đó cho biết, các thành phố ven biển Đông Nam Á đang sụt lún nhanh nhất trên toàn cầu, trong đó, TP.HCM đang lún xuống đến 16,2 mm/năm. Việc khai thác nước ngầm quá mức là thủ phạm hàng đầu gây ra tình trạng sụt lún này. Đồng thời, việc xây dựng dày đặc các công trình cao tầng ở những khu vực có nền đất yếu cũng góp phần làm sụt lún đất.

Ở góc độ quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM nhận định: TP.HCM là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Trong khi đó, tình trạng đô thị hóa, xây dựng hạ tầng và khai thác thác nước dưới đất chưa được kiểm soát tốt khiến cho nhiều khu vực của thành phố xảy ra hiện tượng sụt, lún.

Phải kiểm soát khai thác nước ngầm

JICA khuyến cáo, sụt lún được coi là vấn đề nghiêm trọng hơn, cần phải xem xét các giải pháp ứng phó ngay để kiểm soát tình trạng sụt lún nền tại TP.HCM. Các giải pháp ứng phó này cần được thực hiện trong thời gian dài và cần thực hiện chuyển giao công nghệ. Cũng theo JICA, một trong những kế hoạch hàng đầu liên quan đến sụt lún nền đất ở TP.HCM là kế hoạch kiểm soát khai thác nước ngầm quá mức, được coi là một trong những nguyên nhân chính gây sụt lún nền.

Đồng thời, JICA đã kiến nghị TP.HCM cần có các giải pháp ứng phó sụt lún nền dựa trên kinh nghiệm của Jakarta (Indonesia) và Tokyo (Nhật Bản). Trước đề xuất này, UBND TP.HCM đã giao Sở TN&MT chủ trì, cùng với Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - kiến trúc phối hợp với các chuyên gia của JICA xây dựng văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng cường khả năng chống sụt lún nền tại TP.HCM và hoàn thành văn kiện này trong quý IV/2022. Đồng thời, UBND Thành phố cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn Sở TN&MT và các đơn vị liên quan, triển khai thực hiện dự án viện trợ phi Chính phủ theo đúng quy định.

Hiện nay, TP.HCM đang quyết liệt triển khai lộ trình giảm khai thác nước ngầm. Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, mục tiêu đến năm 2025, TP.HCM sẽ giảm khai thác nước ngầm còn 100.000m3/ngày/đêm và tiến tới chấm dứt khai thác nước ngầm. Đồng thời, Sở TN&MT sẽ tiếp tục phối hợp các quận, huyện, đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nguồn nước cấp của thành phố; tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng nước ngầm; hướng dẫn trám lấp giếng khoan không sử dụng để người dân có thể tự thực hiện.

Ngoài ra, Sở TN&MT cũng yêu cầu Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn, Công ty Cổ phần hạ tầng nước Sài Gòn có giải pháp đảm bảo chất lượng, áp lực nước cung cấp cho người dân; có kế hoạch đầu tư, lắp đặt đường ống cấp nước cấp 2, cấp 3 tại một số khu vực chưa có mạng lưới đường ống cấp nước, mạng cấp nước chưa hoàn chỉnh, áp lực nước chưa ổn định để phục vụ nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân.

Bên cạnh đó, thực hiện Kế hoạch “Triển khai thực hiện Đề án phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025”, TP.HCM sẽ đầu tư mạng lưới quan trắc sụt lún mặt đất tại 11 vị trí quan trắc thủ công gián đoạn. Đây là địa phương duy nhất trên cả nước đầu tư hệ thống quan trắc sụt lún đất.

Việc đầu tư mạng lưới quan trắc sụt lún mặt đất có vai trò quan trọng trong việc đánh giá kịp thời tình trạng lún đang ở mức “báo động” như hiện nay, từ đó, đưa ra những định hướng trong việc xây dựng các quy hoạch về xây dựng, sử dụng đất…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM ứng phó tình trạng sụt lún nền đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO