Theo đó, TP.HCM sẽ tăng cường sự phối hợp giữa các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thành phố cùng chung tay nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử trách nhiệm trong việc sử dụng, quản lý rác thải nhựa, bảo đảm phù hợp với thực tiễn và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu chiến lược của Đảng, Nhà nước về quản lý và giảm thiểu rác thải nhựa. TP.HCM sẽ đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường, hình thành thói quen giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy nhằm thay đổi hành vi, ứng xử có trách nhiệm với môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội.
Hoạt động thu gom rác thải nhựa tại Công viên 23/9 |
Theo UBND TP.HCM, nội dung tuyên truyền tập trung vào các nội dung chính: tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến bảo vệ môi trường, phòng, chống rác thải nhựa; tác hại của chất thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy đối với môi trường. Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tái chế rác thải nhựa, hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm có thể phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và tăng trưởng xanh… Kinh nghiệm trong công tác phòng chống rác thải nhựa tại các nước trong khu vực và quốc tế, biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các gương điển hình tiên tiến, nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay, sáng kiến có giá trị ứng dụng trong phong trào thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải nhựa.
Cơ quan Nhà nước gương mẫu trong giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần
Trước đó, để tiếp tục tăng cường kiểm soát chất thải nhựa, ngày 24/5/2021, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình đã ký Quyết định số 1905/QĐ-UB ban hành Kế hoạch tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn TP.HCM.
Theo đó, TP.HCM sẽ đẩy mạnh thực hiện phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa. Đồng thời, TP.HCM đặt mục tiêu hạn chế tối đa và tiến tới không sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần trong tất cả các hoạt động hàng ngày của các cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đoàn thể, trường học, cơ sở y tế, người dân... trên địa bàn thành phố.
UBND TP.HCM yêu cầu các cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị - xã hội phải gương mẫu, tích cực và đi đầu trong việc giảm thiểu, tái sử dụng chất thải nhựa; không sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm nhựa dùng một lần (gồm: chai lọ nhựa, ống hút nhựa, hộp xốp,…) tại công sở, hội nghị, hội thảo và các ngày lễ, ngày kỷ niệm trên địa bàn thành phố; hạn chế sử dụng băng rôn, khẩu hiệu… dùng một lần chuyển sang sử dụng các trang thiết bị điện tử phục vụ cho công tác tuyên truyền.
TP.HCM đặt mục tiêu đến hết năm 2021, 100% hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố sẽ sử dụng các loại bao bì thân thiện môi trường phục vụ cho mục đích sinh hoạt để thay thế túi ni lông khó phân hủy. Đồng thời, các tiểu thương tại các chợ dân sinh sẽ giảm 50% sử dụng bao bì ni lông khó phân hủy sinh học trong việc đóng gói, đựng sản phẩm cho người tiêu dùng.
Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, UBND TP.HCM yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy mạnh hình thức tuyên truyền thông qua tất cả các loại hình báo chí và huy động, sử dụng mọi phương tiện thông tin đại chúng; thông tin qua việc phát hành tờ gấp, pa nô, áp phích, bản tin liên quan đến công tác bảo vệ môi trường gắn với việc phòng, chống rác thải nhựa cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong các hoạt động nhằm tăng cường sự tiếp cận rộng rãi của các đối tượng nhằm góp phần nâng cao hiệu quả truyền thông.
Theo Sở TN&MT TP.HCM, hiện nay, mỗi ngày TP.HCM thải ra hơn 9.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó chất thải nhựa chiếm khoảng 1.800 tấn, trong đó, chỉ có khoảng 200 tấn được tái chế, còn lại được xử lý chôn lấp cùng các loại chất thải rắn khác. Đây là một thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý môi trường của TP.HCM.