Sáng 09/11, HĐND TP.HCM đã tổ chức buổi giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, kiến nghị về phản ánh của người dân về công tác cấp Giấy chứng nhận trên địa bàn TP.HCM. Tại buổi giám sát, theo báo cáo của Sở TN&MT TP.HCM, tính đến tháng 6/2018, toàn Thành phố đã cấp được 1.525.213 Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân, đạt 95,8%; cấp 1.510.182 Giấy chứng nhận cho các tổ chức, đạt tỷ lệ 92,11%.
Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn thành phố còn khoảng 17.303 trường hợp tồn đọng chưa được cấp Giấy chứng nhận, chủ yếu không đủ điều kiện cấp theo quy định pháp luật, bao gồm: chuyển nhượng bằng giấy tay sau ngày 01/01/2008; lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng trái phép; sử dụng đất sau thời điểm công bố quy hoạch nhưng nay không phù hợp quy hoạch; các vi phạm về đất đai, xây dựng chưa được xử lý; các giấy tờ nguồn gốc đất không rõ ràng… Ngoài ra, TP.HCM hiện còn khoảng 20.000 căn hộ chung cư chưa được cấp Giấy chứng nhận.
Cũng theo Sở TN&MT TP.HCM, thời qian qua, tình trạng người dân có đơn thư khiếu nại, kiến nghị và phản ánh về các nội dung liên quan đến cấp Giấy chứng nhận còn nhiều. Cụ thể, từ ngày 01/01/2016 đến ngày 30/6/2018, Văn phòng Đăng ký đất đai Thành phố tiếp nhận 1.642 đơn liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận và lĩnh vực đất đai. Nội dung các đơn thư, kiến nghị chủ yếu tập trung ở việc hồ sơ giải quyết trễ hẹn, hồ sơ trả đi trả lại nhiều lần…
Phát biểu tại buổi giám sát, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Thời gian qua, Sở TN&MT và Văn phòng Đăng ký đất đai Thành phố đã thiết lập “đường dây nóng” tiếp nhận các thông tin liên quan đến công tác cấp Giấy chứng nhận. Văn phòng Đăng ký đất đai Thành phố đã thành lập Tổ tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân, đồng thời phân công cụ thể nhiệm vụ cho các thành viên. Qua tiếp công dân, giải quyết đơn thư đã giải quyết nhiều vấn đề bức xúc của người dân liên quan đến cấp Giấy chứng nhận, đăng ký biến động khi thực hiện các quyền của người sử dụng nhà, đất.
Đặc biệt, để đảm bảo thời gian cấp Giấy chứng nhận, hạn chế tình trạng hồ sơ trễ hẹn, Sở TN&MT TP.HCM đã ủy quyền cho Văn phòng Đăng ký đất đai Thành phố ký cấp Giấy chứng nhận. Hiện tại, Sở TN&MT đã kiến nghị Thành phố tiếp tục phân cấp, giao thẩm quyền cho các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai các quận, huyện một số nội dung công việc liên quan đến cấp Giấy chứng nhận nhằm giải quyết hồ sơ được nhanh hơn nữa.
Sở TN&MT cũng đã tham mưu UBND Thành phố ban hành và công bố rộng rãi 67 thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, giúp người dân hiểu rõ hơn về trình tự thủ tục khi thực hiện cấp Giấy chứng nhận. Đặc biệt, khi chậm trễ trong việc giải quyết hồ sơ, cơ quan nhận hồ sơ cấp Giấy chứng nhận phải có Thư xin lỗi gửi người dân theo quy định; đồng thời xem xét điều động, luân chuyển, xử lý cán bộ thụ lý giải quyết hồ sơ bị trễ hạn, đặc biệt kiên quyết sa thải những cán bộ sai phạm, tiêu cực.
Đối với hướng giải quyết những trường hợp còn tồn đọng, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết: Hiện tại, TP.HCM đã kiến nghị Bộ TN&MT xem xét cho phép TP.HCM cấp Giấy chứng nhận cho những trường hợp mua bán bằng giấy tay - mua bán thực tế phù hợp quy hoạch sau ngày 01/01/2008 đến trước ngày 01/7/2014. Đối với những trường hợp người dân xây dựng sai phép, không phép thì sau khi xử lý vi phạm hành chính, nếu đảm bảo các quy định thì xem xét cấp Giấy chứng nhận. Còn đối với các trường hợp không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận thì tổ chức đăng ký để quản lý.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá: Khối lượng công việc cấp Giấy chứng nhận, cập nhật biến động hồ sơ đất đai của thành phố là rất lớn. Mặc dù, Thành phố đã có nhiều cố gắng giải quyết nhưng chưa đáp ứng được hết nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Đến nay, TP.HCM đã ban hành tương đối đầy đủ các quy định, văn bản hướng dẫn liên quan đến công tác cấp Giấy chứng nhận. Điều quan trọng là người đứng đầu các cơ quan quản lý chuyên ngành, UBND các quận - huyện, phường - xã - thị trấn đã quyết liệt trong giải quyết công việc cho người dân hay không?.
Vì vậy, để đẩy nhanh việc giải quyết 17.303 trường hợp nhà đất chưa được cấp Giấy chứng nhận, ông Trần Vĩnh Tuyến đã yêu cầu, muộn nhất đến ngày 30/11/2018, UBND 24 quận, huyện phải có báo cáo đánh giá và đưa ra hướng giải quyết của từng trường hợp cụ thể. Trong đó, những trường hợp nào đủ điều kiện thì tiến hành cấp Giấy chứng nhận; trường hợp nào vượt thẩm quyền thì xin ý kiến Bộ TN&MT; trường hợp nào không đủ điều kiện thì có văn bản trả lời người dân.
Đồng thời, trước ngày 31/12/2018, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận, huyện phải tổ chức tiếp xúc người dân có khiếu nại về cấp Giấy chứng nhận. Sau đó, UBND quận, huyện phải có văn bản trả lời người dân một cách rõ ràng, minh bạch lý do vì sao không được cấp Giấy chứng nhận. Đầu tháng 1/2019, UBND Thành phố sẽ tiến hành kiểm tra văn bản trả lời hướng giải quyết cho người dân của các quận huyện và Chủ tịch UBND các quận, huyện phải chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố về việc này.
Đối với hướng giải quyết những vướng mắc trong việc cấp Giấy chứng nhận căn hộ chung cư, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết: “Thành phố đang tiến hành phân loại và xử lý từng trường hợp. Trong đó, đối với những trường hợp tranh chấp, mâu thuẫn từ việc chủ đầu tư trước khi bán căn hộ cho người dân chưa giải chấp Giấy chứng nhận của dự án tại các tổ chức tín dụng thì chuyển hồ sơ sang Tòa án giải quyết.
Đối với việc chủ đầu tư có dấu hiệu lừa đảo, vừa thế chấp Giấy chứng nhận, vừa bán căn hộ cho nhiều người thì chuyển cơ quan điều tra tiến hành xử lý hình sự. Còn đối với những công trình vi phạm theo Giấy phép xây dựng, Thành phố sẽ thẩm định nếu những vi phạm không liên quan đến quy hoạch, công trình phòng cháy chữa cháy… thì xử phạt hành chính chủ đầu tư rồi tiến hành xem xét cấp Giấy chứng nhận cho người mua căn hộ”.