Trình bày báo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Hiện nay, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) của thành phố được thu gom và xử lý đạt khoảng 8.900 tấn/ngày. Trong đó, khu vực nội thành thu gom xử lý đạt 100% (bao gồm 95% thu gom trực tiếp tại các chủ nguồn thải và 5% thu gom tại các tuyến đường, các điểm hẹn, thùng rác công cộng và vớt trên kênh rạch); khu vực ngoại thành đạt khoảng 85 – 90%, được thu gom, xử lý từ các chủ nguồn thải.
Khối lượng CTRSH hiện được xử lý tại 02 Khu liên hợp xử lý chất thải rắn. Trong đó, Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc – huyện Củ Chi ( rộng 687ha) gồm các nhà máy: Nhà máy xử lý CTRSH của Công ty cổ phần Vietstar, công nhệ tái chế nhựa, làm compost, công suất 1.200 tấn/ngày; Nhà máy xử lý CTRSH của Công ty Cổ phần Tâm Sinh Nghĩa – công nghệ tái chế nhựa, làm phân vi sinh và đốt chất thải còn lại, công suất 1.000 tấn/ ngày; Bãi chôn lấp số 3 (bãi chôn lấp dự phòng) của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố - công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, công suất 2.000 tấn/ngày. Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước – huyện Bình Chánh (614ha) với Bãi chôn lấp CTRSH của Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam – công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, công suất tiếp nhận hiện nay 5.000 tấn/ngày.
Công nghệ xử lý chất thải của TP.HCM hiện nay: 31% công nghệ đốt, tái chế, sản xuất phân compost; 69% công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh. Mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ CTRSH được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh tối đa là 50%, đến năm 2025 tối đa 20%.
Ông Nguyễn Toàn Thắng cũng cho biết, hiện nay, duy nhất trên cả nước, chỉ có TP.HCM là giao cho Sở TN&MT quản lý chất thải rắn sinh hoạt (các tỉnh thành khác là Sở Xây dựng).
Tại buổi làm việc, một số thành viên của Đoàn giám sát đặt câu hỏi liệu đến năm 2020, TP.HCM có kịp đạt mục tiêu giảm tỷ lệ chôn lấp rác xuống còn 50%, bởi thời gian còn lại là không nhiều. Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Toàn Thắng khẳng định, TP.HCM hoàn toàn tự tin có đủ khả năng để đạt được mục tiêu trên.
Theo ông Thắng, để từng bước áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến trong công tác xử lý CTRSH, giảm chất thải phát sinh ra môi trường, TP.HCM đã chỉ đạo các đơn vị xử lý chất thải hiện nay chuyển đổi công nghệ hiện hữu sang công nghệ tiên tiến. Theo đó, đến nay Nhà máy xử lý CTRSH của Công ty Tâm Sinh Nghĩa và Vietstar đã trình phương án đổi mới công nghệ từ đốt không phát điện sang đốt có phát điện, đồng thời cũng nâng tổng công suất của 2 nhà máy này lên 3.000 tấn/ngày. Còn Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam cũng cam kết giảm ngay 2.000 tấn rác/ngày từ chôn lấp sang công nghệ đốt thu khí gas.
Đồng thời, TP.HCM đã tiến hành kêu gọi đầu tư dự án xử lý CTRSH với công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại với phương châm công khai, minh bạch. Sau khi tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực xử lý chất thải, ngày 09/02/2018, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch tổ chức đấu thầu lựa chọn đầu tư xử lý rác đốt phát điện. Hiện nay, đã có 01 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xử lý chất thả với loại hình công nghệ khí hóa phẩm kết hợp phát điện, công suất 1.000 tấn/ngày do Công ty Trisun Green Energy Corporation làm chủ đầu tư.
“Như vậy, mục tiêu đến năm 2020 sẽ giảm tỷ lệ chôn lấp rác còn 50% và đến năm 2015 còn tối đa 20% đối với TP.HCM là hoàn toàn khả thi” – ông Nguyễn Toàn Thắng nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc, ông Huỳnh Cách Mạng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng kiến nghị các bộ ngành Trung ương cần sớm xây dựng và ban hành quy định về việc thải bỏ, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn cồng kềnh. Có hướng dẫn triển khi chi tiết thực hiện Điều 20 Nghị định 155/2015/NĐ – CP để tháo gỡ các khó khăn của thành phố trong triển khai thực hiện như: phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính; tổ chức thực hiện Quyết định vi phạm hành chính; sử dụng phương tiện ghi hình để xử phạt; thẩm quyền phạt tiền và mức phạt hợp với áp dụng cho đối tượng hộ gia đình không thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn (hiện mức phạt 15 – 20 triệu là quá cao, không phù hợp trong khi chi phí thu gom người dân đóng góp khoảng 20 – 30 ngàn đồng/ hộ).
Đồng thời, cần bổ sung, điều chỉnh Nghị định số 38/2015/NĐ-CP và ban hành Thông tư hướng dẫn tổ chức thực hiện về quản lý CTRSH, trong đó kiến nghị bổ sung các nội dung: quy định đơn vị thực hiện thu gom CTRSH tại nguồn phải là tổ chức có đăng ký kinh doanh theo Luật doanh nghiệp…
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội đã đánh giá cao công tác quản lý nhà nước về xử lý CTRSH của TP.HCM trong thời gian qua. Bởi TP.HCM là địa phương có dân số đông nhất cả nước, khối lượng rác thải phát sinh rất lớn, gần 9.000 tấn/ ngày.
Theo ông Phan Xuân Dũng, ít có 1 địa phương nào có một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ trong công tác quản lý nhà nước về môi trường như TP.HCM. Thành phố cũng luôn là địa phương đi đầu trong cả nước, tìm tòi sáng tạo tìm ra các cách làm hay, biện pháp quản lý hiệu quả để từ đó Trung ương đúc kết thành các quy định chung trên cả nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường cũng đề nghị TP.HCM cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn, bởi đây là chủ trương lớn của nhà nước ta trong công tác bảo vệ môi trường. “Tôi hy vọng, với các kết quả đã đạt được trong công tác bảo vệ môi trường nói chung, TP.HCM cũng sẽ thành công trong chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn, từ đó đúc rút kinh nghiệm để lan tỏa, áp dụng rộng rãi trên cả nước” – ông Phan Xuân Dũng cho biết.