TP.HCM: Ngổn ngang hạ tầng giao thông

10/07/2018 13:38

(TN&MT) - Thời gian qua, TP.HCM đã đầu tư nhiều nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông, qua đó nhằm kéo giảm nạn ùn tắc giao thông nghiêm trọng khu vực nội đô và các cửa ngõ ra vào Thành phố. Nỗ lực là vậy, song kết quả đạt được lại vô cùng “khiêm tốn”.

 
GT1
Các phương tiện vận tải lưu thông qua nút giao thông Mỹ Thủy 

Thất vọng nút giao thông Mỹ Thủy!

Nút giao thông Mỹ Thủy là điểm giao của hai trục đường chính của TP.HCM. Trong đó có trục đường Đồng Văn Cống - Nguyễn Thị Định ra vào cảng Cát Lái, với lượng xe vận chuyển hàng hóa lên tới hơn 20.000 lượt mỗi ngày, xung đột với hướng xe trục Bắc - Nam, khiến cho khu vực này thường xuyên bị kẹt xe nghiêm trọng trong nhiều năm qua.

Ngày 29/6 vừa qua, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM đã tổ chức thông xe cầu vượt trên đường Võ Chí Công (vành đai 2) qua vòng xoay Mỹ Thủy (quận 2, TP.HCM). Cầu vượt gồm 4 làn xe, dài 316m với kinh phí 203 tỷ đồng được triển khai thi công vào tháng 11/2016, với hy vọng giải quyết tình trạng kẹt xe quanh khu vực cảng Cát Lái. Sau khi thông xe, trên cầu vượt tổ chức lưu thông 2 chiều các loại xe ô tô trên đường Võ Chí Công. Bên dưới hầm chui tổ chức lưu thông 1 chiều các loại xe ô tô từ đường Võ Chí Công rẽ trái vào đường Nguyễn Thị Định để vào cảng Cát Lái và về hướng phà Cát Lái. Tuy nhiên, sau khi thông xe 1 ngày, cầu vượt này bất ngờ xuất hiện nhiều vết nứt, sụt lún, có chỗ thì trồi nhựa rất nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông.

Theo phản ánh của cánh lái xe, đoạn chân cầu vượt trên đường Võ Chí Công phía đầu cầu Kỳ Hà ở cả hai hướng quận 9 đi quận 7 và ngược lại, xuất hiện nhiều rãnh lún, mặt đường bị trồi nhựa, tạo thành gò cao khoảng 20cm. Ở đầu cầu hướng từ quận 9 đi quận 7 thì xuất hiện nhiều hơn, với vị trí lún kéo dài tới khoảng 5km.

Ngay sau khi có thông tin về việc sụt lún cầu vượt, đại diện đơn vị tư vấn giám sát - Công ty Công nghệ xây dựng cầu đường phía Nam đã lên tiếng khẳng định đây không phải là sụt lún. Theo giải thích của đơn vị tư vấn, đường này chỉ làm tạm để giao thông thông suốt, sau đó từ nền này sẽ đắp cao lên. Khi càng đắp cao thì sức chịu tải của đường càng tốt. Cầu giúp xe lưu thông từ cầu Phú Mỹ vượt qua nút giao thông Mỹ Thủy theo đường vành đai 2 ra xa lộ Hà Nội, vào cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và ngược lại.

Theo ghi nhận tại hiện trường, nhiều công nhân, kỹ sư cùng các phương tiện như cần cẩu, xe lăn, máy ủi... đã được tập kết, thi công ngay ở đầu cầu, tại những đoạn đoạn xuất hiện tình trạng sụt, lún. Trong khi đó, các phương tiện vẫn được phép lưu thông bình thường.

Trước lo ngại việc công trình chưa hoàn thiện đã cho xe lưu thông sẽ gây mất an toàn cho cả phương tiện lẫn kết cấu công trình, ông Lê Xuân Bắc, Trưởng ban Quản lý dự án 1 - Khu quản lý giao thông đô thị số 2 (thuộc Sở GTVT TP.HCM) khẳng định việc thi công được triển khai lần lượt trên từng làn nên không ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Còn về vấn đề an toàn cho phương tiện, đơn vị đã cử người túc trực ngày đêm, xử lý ngay khi có sự cố để đảm bảo lưu thông, vừa đảm bảo mục tiêu thi công. Trong khi đó, chuyên gia giao thông Phạm Sanh phân tích lẽ ra phải làm xong hoàn chỉnh mới đưa vào sử dụng. Công trình phải được hoàn thành và nghiệm thu, nếu đảm bảo chất lượng mới nên cho thông xe. 
 

GT2


Đã giải ngân nhiều vốn, vẫn kẹt?

Triển khai chương trình giảm ùn tắc giao thông, TP.HCM đề ra 7 nhóm giải pháp, với 172 dự án cần triển khai, nhu cầu vốn đầu tư lên đến gần 324.000 tỷ đồng. Nhu cầu vốn “khủng” là vậy, nhưng theo thống kê của Sở GTVT TP.HCM, trong giai đoạn 2016 - 2018, Thành phố chỉ chi được hơn 16.000 tỷ đồng, nguồn vốn của Trung ương là 18.158 tỷ đồng; Thành phố kêu gọi đầu tư các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) hơn 1.600 tỷ đồng… Thế thì từ nay đến năm 2020, TP.HCM sẽ cần hơn 284.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án ngành GTVT.

Trên thực tế, Sở GTVT TP.HCM đã và đang triển khai hàng loạt các công trình nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng ở các cửa ngõ của Thành phố. Đó là việc triển khai các cầu vượt bằng thép quanh Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất; thi công hầm chui trên quốc lộ 22, đoạn ngã tư An Sương (quận 12), cầu vượt Kỳ Hà trên đường Vành đai 2 thuộc Dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy (quận 2). Dự án thi công Đại lộ Phạm Văn Đồng, mở rộng xa lộ Hà Nội, có nguồn vốn hàng nghìn tỷ đồng đã đi vào hoạt động trong mấy năm qua. Hay từ nay đến cuối năm, Sở GTVT sẽ tổ chức thi công mở rộng cầu Chữ Y (nối quận 5 với quận 8), với kinh phí 186 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố; mở rộng cầu Kênh Tẻ với tổng mức vốn là 90 tỷ đồng…

Đánh giá về những biện pháp giảm nạn kẹt xe chủ yếu dựa vào công trình và dự án ở TP.HCM, một số chuyên gia giao thông đô thị nhận định, có giải ngân hết hàng trăm nghìn tỷ đồng vào các công trình giao thông trọng điểm, thì Thành phố vẫn cứ kẹt xe miết. Đã đến lúc chính quyền Thành phố phải tính đến việc xây dựng các khu đô thị vệ tinh ở các hướng, để giảm tải cho khu vực trung tâm.

Đồng tình với ý kiến này, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho rằng Thành phố nên đầu tư phát triển đô thị vệ tinh, tiểu vệ tinh theo tuyến: dọc theo các tuyến đường bộ (các tuyến trục hướng tâm, vành đai…) cần phát triển các khu dân cư, khu đô thị tập trung, thực hiện hệ thống đường gom, không hình thành các khu dân cư tự kết nối trực tiếp ra tuyến đường chính. Dọc theo các tuyến đường sắt đô thị, định hướng phát triển các khu đô thị mới lấy các nhà ga của các tuyến đường sắt đô thị làm trung tâm thương mại và xung quanh là khu dân cư…, đồng thời kéo dài các tuyến đường sắt đô thị để giãn dân, do thời gian di chuyển từ khoảng cách bán kính 20-30km vào trung tâm thành phố chỉ khoảng 20-30 phút.

Cũng theo ông Bùi Xuân Cường, trước khi phê duyệt dự án bất động sản, ngành chức năng TP.HCM cần đánh giá tác động giao thông khu vực dự án và phương án đấu nối giao thông để hạn chế ảnh hưởng đến giao thông khu vực khi dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng. Ngoài ra, cần có chế tài đối với các dự án phát triển đô thị trong nội thành, nghiên cứu phương án tính toán giá trị đầu tư toàn bộ hệ thống hạ tầng phục vụ cho các quận nội thành. Giá trị nêu trên sẽ tính vào giá trị các khu đất giao cho nhà đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Ngổn ngang hạ tầng giao thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO