TP.HCM những ngày giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh Covid - 19 |
Nhiều chỉ số ô nhiễm giảm
Theo Sở TN&MT TP.HCM, kết quả quan trắc ô nhiễm không khí trong quý I/ 2020 tại 30 vị trí quan trắc cho thấy: Ô nhiễm chất lượng không khí trên địa bàn TP.HCM chủ yếu vẫn do bụi lơ lửng và mức ồn do các hoạt động giao thông gây ra.
Trong đó đó, tại 19 vị trí giao thông, số liệu bụi lơ lửng quan trắc được trong các tháng 1, 2, 3 vượt QCVN 05:2013/BTNMT lần lượt là 77,11%, 60,79%, 42,11% và số liệu mức ồn quan trắc được đều vượt trên 98%.
Tuy nhiên, theo Sở TN&MT, trong quý I năm 2020, các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và giao thông đều giảm do ảnh hưởng của đợt nghỉ Tết Nguyên đán và giãn cách xã hội để ứng phó với các diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã có tác động đáng kể đến chất lượng không khí của TP.HCM.
Cụ thể, mức độ ô nhiễm môi trường không khí của 3 tháng đầu năm 2020 đều có xu hướng giảm dần ở hầu hết các vị trí và thông số quan trắc, đặc biệt trong giai đoạn từ ngày 01 – 07 tháng 4. Theo đó, các số liệu quan trắc được đều đạt quy chuẩn cho phép, tần suất vượt chuẩn của bụi lơ lửng tại 19 vị trí giao thông trong ngày 7/4 chỉ là 7,4%.
Ngoài ra, so với tháng 01/2020, khi mật độ giao thông đông đúc trong giai đoạn trước Tết Nguyên đán, nồng độ các chất ô nhiễm không khí trong tháng 03/2020 cũng giảm đáng kể. Cụ thể: bụi lơ lửng giảm 1,2 lần; PM10 giảm 1,36 lần; PM2.5 giảm 1,44 lần; CO giảm 1,2 lần; NO2 giảm 1,35 lần; SO2 giảm 1,1 lần.
Cũng theo Sở TN&MT TP.HCM, nguyên nhân chính của việc giảm ô nhiễm chất lượng môi trường không khí trong thời gian qua là do ảnh hưởng của dịch bệnh nên các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; sản xuất ở các KCN, tiểu thủ công nghiệp; hoạt động xây dựng các công trình đều giảm quy mô hoạt động.
Đặc biệt, tại TP.HCM, trong thời gian giãn cách xã hội, người dân hạn chế đi lại khiến cho mật độ giao thông giảm, không xảy ra tình trạng kẹt xe tại các nút giao thông nên đã giảm mức độ ô nhiễm môi trường không khí.
Tuy nhiên, theo Sở TN&MT TP.HCM, số liệu quan trắc trong những ngày gần đây, các thành phần ô nhiễm không khí tại thành phố đang có xu hướng tăng nhẹ trở lại.
Hoạt động giao thông là một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí tại TP.HCM |
Cảnh báo nguồn ô nhiễm từ hoạt động giao thông
Trước đó, tại buổi họp báo về tình hình ô nhiễm không khí trên địa bàn TP.HCM thời điểm cuối năm 2019, ông Cao Trung Sơn, Giám đốc Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường (Sở TN&MT TP.HCM) cho biết: Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí trên địa bàn TP.HCM chủ yếu từ 3 nguồn chính: hoạt động giao thông, hoạt động sản xuất công nghiệp và hoạt động xây dựng.
Hiện nay, theo số liệu thống kê, trên địa bàn TP.HCM có khoảng gần 10 triệu phương tiện giao thông, với hơn 7,6 triệu xe máy, 700 ngàn ô tô và hơn 2 triệu phương tiện của người dân từ các khu vực khác mang vào thành phố để sinh sống. Trong đó, nhiều phương tiện cá nhân không thực hiện nghiêm túc chế độ bảo hành bảo dưỡng định kỳ là nguyên nhân làm tăng lượng khí phát thải ra môi trường với mức độ độc hại ngày càng lớn. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố hiện vẫn tồn tại khoảng 37 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông gây ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là vào các khoảng thời gian đi làm và tan tầm của người dân thành phố.
Còn theo thống kê không đầy đủ, TP.HCM có khoảng 1.000 nhà máy xí nghiệp quy mô lớn và hàng chục ngàn cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Trừ một số nhà máy xí nghiệp nằm trong các KCN tập trung hoặc nằm tại khu vực xa dân cư, còn lại hầu hết các sơ sở sản xuất nhất là cơ sở xuất xuất tiểu – thủ công nghiệp đều nằm xen kẽ với khu vực dân cư nên khí thải từ các hoạt động sản xuất gây ô nhiễm không khí và anh hưởng đến sức khỏe của nhiều người dân.
Ông Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ô nhiễm Không khí và Biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết: Theo khảo sát trên địa bàn TP.HCM, hoạt động giao thông chiếm phát thải cao nhất, cụ thể chiếm 99% trong tổng phát thải CO, SO2 chiếm 78%, bụi chiếm 46%…Còn hoạt động công nghiệp của thành phố chiếm 22% trong tổng số phát thải SO2, bụi chiếm 21%..
Đặc biệt, theo ông Bằng, với sự gia tăng của các phương tiện giao thông cá nhân như hiện nay, tình hình ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn nói chung, TP.HCM nói riêng sẽ càng nghiêm trọng nếu không có các chính sách, mục tiêu cụ thể và các hành động kịp thời đối với việc kiểm soát nguồn phát thải của các phương tiện giao thông.
Được biết, Chương trình giảm ô nhiễm giai đoạn 2016 - 2020, TP.HCM đặt mục tiêu giảm 70% lượng ô nhiễm không khí tăng lên do hoạt động giao thông; 90% khí thải công nghiệp được xử lý đạt quy chuẩn.