TP. Hải Phòng cần quan tâm đến nguồn cấp nước sinh hoạt

Phạm Duy - Xuân Vũ| 14/11/2019 14:56

(TN&MT) - Các con sông cấp nước thô cho các nhà máy sản xuất nước sạch của Hải Phòng đều đang trong mức báo động về ô nhiễm, bài học nhãn tiền từ khủng hoảng nước sinh hoạt của Hà Nội vẫn còn đó.

 

Nước sông Rế đoạn chảy qua huyện An Dương đang bị ô nhiễm.

Nguồn nước phục vụ sản xuất nước sinh hoạt của Hải Phòng chủ yếu được lấy từ sông Rế thuộc hệ thống thủy lợi An Kim Hải. Sông Rế đang cung cấp 80% nước thô sản xuất nước sạch cho thành phố Hải Phòng. Tuy nhiên, nguồn nước này đang bị ô nhiễm nặng nề, các chỉ tiêu về Amoni, Nitrit, nhiều thời điểm vượt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 08-MT:2015/BTNMT về chất lượng nước mặt để sản xuất nước sinh hoạt.

Cụ thể, theo kết quả phân tích mẫu nước sông Rế ngày 16/10 của Công ty cổ phần Cấp nước Hải Phòng và Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi An Hải (đơn vị quản lý hệ thống thủy lợi An Kim Hải), chỉ số Permanganat đo được là 8,86mg/L (tiêu chuẩn cho phép không quá 5,26%); chỉ số Amoni (N) đo được 4,60mg/L (chỉ số cho phép không vượt quá 0,30mg/L); chỉ số Mangan là 0,272 (chỉ số cho phép không vượt quá 0,200mg/L).

Lãnh đạo Công ty khai thác công trình thủy lợi An Hải kiểm tra xả thải trên sông Rế.

Cũng theo kết quả khảo sát của 2 đơn vị trên vào ngày 22/10, sông Rế đang tồn tại ba điểm đen gây ô nhiễm. Điểm thứ nhất là cống An Trì (phường Hùng Vương, Hồng Bàng), điểm thứ 2 nằm trên đoạn cửa xả mương thoát nước thông Quỳnh Hoàng (xã Nam Sơn, An Dương), điểm thứ 3 là kênh Hỗ Đông (xã Hồng Phong, An Dương).

Trao đổi với Phóng viên, ông Trần Quang Hoạt – Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi An Hải cho biết, hiện nước thải khó xử lý nhất, nguy hiểm nhất đối với sông Rế là nước thải dân cư và nước thải chăn nuôi. Nước thải công nghiệp từ các nhà máy, xí nghiệp còn có biện pháp xử lý chứ dân tiêu thì chúng tôi không thể đắp vào không cho xả ra hệ thống.

Nước mương An Kim Hải ô nhiễm trầm trọng.

Hệ thống An Kim Hải đang lấy nước từ nguồn nước sông Rạng (Kim Thành, Hải Dương). Tuy nhiên, nước từ nguồn này không được đảm bảo và đang bị ô nhiễm nặng nề từ nước thải của các khu dân cư, các trang trại chăn nuôi chạy dọc QL5. Tại Hải Dương, nguồn này chỉ khai thác để phục vụ sản xuất nông nghiệp, không được lấy để sản xuất nước sạch nên công tác bảo vệ còn hạn chế và lỏng lẻo – ông Hoạt cho biết thêm.

Ông Hoạt dẫn chứng, một con kênh qua xã Lai Vu mà lượng bùn toàn phân lợn, thức ăn… dày khoảng hơn 1m, chỉ cần khùa lên cái là những con cá, nhất là cá rô phi ngớp hết vì bẩn. Thế mà thải trực tiếp ra nguồn nước, xong lại lấy nước vào để sản xuất nước ăn. Đó là 1 xã Lai Vu thôi, còn bao nhiêu xã khác. Như thế đủ để thấy, nguồn nước đang bị ô nhiễm ở mức độ nào.

Tại xã Kim Tân (Kim Thành) có những trang trại lớn, nuôi đến 2500 con lợn, nước thải được thu gom làm biogas nhưng không xuể cho nên toàn bộ nguồn thải này có đường dẫn và tiêu luôn ra sông. Sau khi nhận được phản ánh của người dân, chúng tôi đã làm việc với thủy nông Kim Thành và tiến hành kiểm tra. Vào đó mới thấy, đường ống dẫn nước thải chăn nuôi phát sinh khí, sôi sùng sục. Xung quanh đường dẫn cỏ rất tốt nhưng khi vạch đám cỏ ra mới thấy nước chảy qua đường ống ra sông rất nhiều.

Nói về các giải pháp để xử lý ô nhiễm nguồn nước sông Rế, ông Hoạt cho biết, giải pháp tình của công ty lúc này là những điểm nào bơm được nước thải là chúng tôi bơm. Hiện, có 3 điểm như: Tân Tiến, Hoàng Lâu, Bắc Sơn chúng tôi phải bơm nước thải cho đi đường khác xuống hạ lưu. Ngoài ra chúng tôi còn áp dụng giải pháp điều tiết, xây dựng đập chặn nước của kênh nhánh, không cho nước từ kênh nhánh đổ vào trục chính gây ô nhiễm.

Theo ông Hoạt, giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay vẫn là thau đảo, cứ lấy vào cứ tháo ra. Tuy nhiên, công ty không thể chủ động được nguồn nước vì phải phụ thuộc vào nguồn nước trên Kim Thành (Hải Dương), mình thì cần lấy nước vào nhưng họ cứ tháo ra. Đó là chưa kể, nguồn nước này đang còn đang bị ô nhiễm. Chính vì thế, công ty đang xây dựng phương án lấy nước từ nguồn khác. Cụ thể là lấy nguồn nước từ cống Kim Sơn tại Sông Cấm. Hơn 2 năm chúng tôi kiểm tra, khảo sát thì thấy nước tại Kim Sơn có chất lượng tương đối tốt. Đã xin Bộ Nông nghiệp mở rộng từ 2m cửa lên 7,5m cửa thì năng lực lấy rất tốt nhưng còn vướng cống qua đường tàu đường 5 chưa hoàn thiện được – ông Hoạt trăn trở.

Viện khoa học thủy lợi có hỗ trợ dùng công nghệ vi sinh để xử lý nước thải dân cư (ở làng nghề Tân Tiến), xây bể, dùng công nghệ vi sinh xử lý nước, nước thải ra là nước sạch. Hiện, dự án này đang bắt đầu xây dựng, sau khi xây dựng xong xét thấy có hiệu quả, kinh phí vừa phải có thể nhân ra nhiều điểm khác.

Không chỉ riêng sông Rế, sông Giá, sông Đa Độ đều đang trong mức báo động về ô nhiễm. Trong đó, Sông Đa Độ được đánh giá đang ô nhiễm nặng nhất vì hiện nay, trên hệ thống sông Đa Độ có tới 120 cơ sở công nghiệp, trang trại và 50 làng nghề, 11 bệnh viện lớn nhỏ và gần 60 trạm y tế xã đang xả nước thải chưa qua xử lý ra sông. Ngoài ra, còn có hàng loạt khu dân cư tập trung đang xả nước thải sinh hoạt ra khu vực lòng sông.

Theo kết quả quan trắc mới nhất của Sở TNMT Hải Phòng, trong tổng số 30 mẫu lấy quan trắc tại sông Đa Độ chỉ có 47% mẫu đạt chỉ tiêu đầu vào cung cấp nguồn nước thô để sản xuất nước sinh hoạt và có tới 10% mẫu bị ô nhiễm nặng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. Hải Phòng cần quan tâm đến nguồn cấp nước sinh hoạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO