(TN&MT) – Ngày 17/5, Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đã có bài: TP. Hải Dương: (Dự án “bỏ hoang” đất “vàng” lãng phí) phản ánh về việc Công ty xi măng Hải Hưng thuê đất tại số 5, đường Thống Nhất, phường Trần Phú, thị xã Hải Dương (nay là phường Lê Thanh Nghị, thành phố Hải Dương) để xây dựng trụ sở xi măng Công ty Phúc Sơn. Nhưng từ khi thuê đất (năm 1996) đến nay, diện tích đất “vàng” này đã bỏ hoang cho cỏ dại, gây lãng phí nguồn tài nguyên, thất thoát lớn nguồn thu ngân sách. Việc làm này khiến dư luận bức xúc, đặt ra câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai?

Với vị trí đất “đắc địa” khu dân cư đông đúc, phố sá sầm uất, nhưng diện tích 2.146m2 đất đã bị bỏ hoang hóa hơn hai thập kỷ qua. Diện tích đất này, không những gây lãng phí nguồn tài nguyên, thất thoát nguồn thu lớn ngân sách của tỉnh Hải Dương… mà còn làm “nhếch nhác” bộ mặt của thành phố Hải Dương, đang tập trung xây dựng đạt đô thị loại I. Nhiều năm qua, dư luận đặt ra câu hỏi: Vì sao trong thời gian dài Dự án “bỏ hoang” đất “vàng” bị lãng phí, mà tỉnh Hải Dương không có giải pháp thu hồi diện tích đất này? Và cũng thật “trớ trêu” mới đây Công ty xi măng Phúc Sơn đã có Văn bản số 149/CVPS ngày 17/5/2019, về việc: Báo cáo phương án sử dụng đất gửi chính quyền và một số sở, ban, ngành… tỉnh Hải Dương. Trong đó, Công ty xi măng Phúc Sơn đã giải trình nguyên nhân khiến 23 năm Dự án chậm tiến độ, đề nghị được tiếp tục “khởi động” lại dự án. Với nguyên nhân: “Công ty do khó khăn từ nguyên nhân, nguyên liệu đầu vào, là đá vôi được khai thác từ các mỏ đá của Công ty (mỏ Nhẫm Dương) bị tỉnh Hải Dương thu hồi để bảo vệ di tích Quốc gia đặt biệt An Phụ - Nhẫm Dương. Các mỏ đá Trại Sơn A và Trại Sơn C nằm trên địa bàn tỉnh khác, nên không nhận được sự ủng hộ của các cấp chính quyền (TP. Hải Phòng). Mặc dù, Công ty đã bỏ ra số kinh phí rất lớn gần 500 tỷ đồng, để đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư khu vực bán kính an toàn, của 2 mỏ Trại Sơn A và Trại Sơn C là 200m. Nhân dân nằm ngoài bán kính an toàn các mỏ đá nói trên kéo lên ngăn chặn hoạt động sản xuất của Công ty, nên toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình chệ, sản phẩm xi măng không đủ cung ứng cho thị trường, công nhân không có việc làm… thiệt hại rất lớn cho Công ty.
Xuất phát từ nguyên nhân trên, nên ảnh hưởng đến tình hình tài chính, câc kế hoạch xây dựng phải dừng lại do không có kinh phí, dự án xây dựng Nhà văn phòng tại đường Thống Nhất, TP. Hải Dương cũng nằm trong ảnh hưởng của tình trạng này. Ngay từ thời điểm năm 2013, Công ty đã có kế hoạch xây dựng xây dựng tòa nhà Văn phòng tại khu đất đường Thống Nhất, nên mới tiến hành cho tháo dỡ khu nhà cũ và triển khai các bước tiếp theo, đã báo cáo cơ quan thẩm quyền. Thành phố Hải Dương đã có ý kiến tại Văn bản số 301/UBND – QLĐT ngày 5/5/2008, tuy nhiên trải qua thời gian quy hoạch không gian, tổng thể của thành phố cũng thay đổi theo từng thời kỳ nên Công ty cũng đang xin ý kiến về quy hoạch và xem xét quy mô đầu tư xây dựng cho phù hợp, quyết định tạm dừng thi công. Chính vì vậy, để ổn định tình hình sản xuất của doanh nghiệp, sẽ tiến hành cân đối nguồn tài chính để tiến hành xây dựng Nhà văn phòng tại đường Thống Nhất, TP. Hải Dương. Song song với đó, sẽ thực hiện các thủ tục pháp lý để được phép xây dựng và lập hồ sơ xin chuyển đổi công năng của Trạm trung chuyển để báo cáo UBND tỉnh Hải Dương xin chuyển đổi mục đích dự án.”
