Biến đổi khí hậu

TP. Cần Thơ: Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu

Lê Hùng 31/10/2023 - 17:10

(TN&MT) - Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, TP. Cần Thơ đã triển khai thực hiện hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp ứng phó BĐKH, góp phần phát triển thành phố ngày càng ổn định, bền vững.

Tập trung nhiều nguồn lực

Để ứng phó hiệu quả với các hiện tượng cực đoan của BĐKH, thời gian qua, TP. Cần Thơ đã tập trung đầu tư hệ thống các trạm quan trắc tự động; ứng dụng công nghệ thông tin để dự báo, cảnh báo các hiện tượng sạt lở, triều cường gây ngập lụt đô thị, hạn hán, xâm nhập mặn; nâng cao năng lực ứng phó BĐKH cho cộng đồng; chủ động và kịp thời chuẩn bị các phương án, điều kiện phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai với từng ngành, lĩnh vực; đồng thời, cập nhật kế hoạch hành động ứng phó BĐKH giai đoạn 2020 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 để chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó BĐKH một cách đồng bộ và phù hợp với thực tiễn.

a1-can-tho.jpg
TP. Cần Thơ đã và đang triển khai thực hiện hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp ứng phó BĐKH, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ngày càng ổn định, bền vững.

Với mục tiêu phát triển đô thị bền vững, TP. Cần Thơ cũng đã tập trung nhiều nguồn lực, kể cả vốn vay ODA để đầu tư xây dựng các công trình, dự án nâng cấp đô thị, điển hình như công trình hồ Bún Xáng, hồ Xáng Thổi, rạch Tham Tướng, kè hai bên sông Cần Thơ, rạch Cái Sơn,... Khi các công trình này được hoàn thành sẽ góp phần chỉnh trang đô thị, bảo vệ vùng lõi của trung tâm TP. Cần Thơ trước rủi ro do ngập; tăng cường khả năng kết nối giữa khu vực trung tâm thành phố với các khu vực đô thị mới phát triển.

Cùng với đó, TP. Cần Thơ còn tích cực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới thích ứng với BĐKH trong xây dựng đô thị, giao thông, vật liệu xây dựng, thoát nước... Hiện nay, 100% công trình sử dụng vốn Nhà nước trên địa bàn thành phố được kiểm soát sử dụng vật liệu không nung; đưa vào khai thác 5 tuyến xe buýt không trợ giá với tổng chiều dài mạng lưới 250,5km với khoảng 135 xe buýt đời mới đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4; 21 xe điện phục vụ du lịch góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông.

Đặc biệt TP. Cần Thơ đã triển khai nhiều công trình, dự án nhằm xanh hóa đô thị, ưu tiên bố trí đất cho mảng xanh đô thị, khu dân cư; trồng cây phân tán và phát triển du lịch sinh thái miệt vườn bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, nâng cao khả năng hấp thụ khí nhà kính.

TP. Cần Thơ cũng đã tập trung lồng ghép các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong các kế hoạch tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Các mô hình thí điểm theo hướng kinh tế xanh, công nghiệp xanh, nông thôn xanh nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch ngày càng đa dạng; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp lồng ghép thích ứng với BĐKH, bảo vệ môi trường thông qua triển khai đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”; nhân rộng các mô hình tiên tiến như VietGAP, GlobalGAP; hiện đại hóa ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị gắn với du lịch; áp dụng quy trình thực hành tốt trong chăn nuôi, thủy sản, tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học theo hướng bền vững, thân thiện môi trường và thích ứng với BĐKH.

Bên cạnh đó, TP. Cần Thơ còn tích cực tham gia các chương trình, công ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực BĐKH, góp phần thu hút các nguồn lực đầu tư cũng như tiếp thu các sáng kiến, kinh nghiệm hay về ứng phó BĐKH. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động trao đổi, hỗ trợ, hợp tác với các Tổ chức hợp tác phát triển Đức GIZ, các địa phương của Nhật Bản, Hàn Quốc,... để triển khai các chương trình, dự án liên kết giữa các đô thị để thực hiện xã hội các-bon thấp tại TP. Cần Thơ; xây dựng báo cáo sơ lược về kịch bản các-bon thấp TP. Cần Thơ; xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai do BĐKH và tăng cường mạng lưới quan trắc xâm nhập mặn TP. Cần Thơ.

Sẵn sàng hợp tác, liên kết

Theo Sở TN&MT TP. Cần Thơ, chủ động ứng phó BĐKH là một nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định sự phát triển bền vững của TP. Cần Thơ trong thời gian tới. Trên tinh thần phát huy những kết quả đạt được cùng với tinh thần đổi mới, sáng tạo, TP. Cần Thơ cũng sẽ tiếp tục chủ động hơn nữa trong công tác ứng phó với thiên tai, nâng cao khả năng chống chịu của thành phố trong bối cảnh BĐKH ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường.

a2-can-tho.jpg
Dự án bờ kè hai bên sông Cần Thơ sẽ góp phần quan trọng giúp TP. Cần Thơ ứng phó hiệu quả với triều cường trong thời gian tới

Theo đó, TP. Cần Thơ sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch hành động ứng phó BĐKH giai đoạn 2020 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050; triển khai thực hiện đánh giá khí hậu TP. Cần Thơ; đồng thời, thực hiện nghiên cứu tiền khả thi về phát triển các giải pháp bảo hiểm rủi ro khí hậu cho TP. Cần Thơ; ban hành kế hoạch tăng cường khả năng chống chịu đến năm 2030 của TP. Cần Thơ. Trong đó, xác định tổng thể khả năng chống chịu của thành phố, các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội cũng như thách thức của thành phố và đề ra mục tiêu cụ thể trong xây dựng khả năng chống chịu cho giai đoạn tiếp theo.

Cùng với đó, TP. Cần Thơ sẽ triển khai thực hiện khoanh vùng các lĩnh vực và vấn đề trọng tâm mà thành phố cần phải tiếp tục nghiên cứu sâu hơn nhằm xác định các hành động phù hợp để tăng cường khả năng chống chịu, nhất là các lĩnh vực hạ tầng xanh, chuỗi giá trị về nông nghiệp, sinh kế - giảm nghèo, cơ chế điều phối để xây dựng chiến lược tăng cường khả năng chống chịu với BĐKH.

Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; xây dựng và trình diễn các mô hình sử dụng đèn LED chiếu sáng công cộng và khuyến khích người dân thay thế và sử dụng các trang thiết bị tiết kiệm điện, thúc đẩy sử dụng các dạng năng lượng mới và tái tạo; thực hiện cuộc vận động “Hộ gia đình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” và các chương trình thi đua “Hộ gia đình tiết kiệm điện” tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa trong cộng đồng, giúp các hộ gia đình trang bị những kỹ năng cơ bản để sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Bên cạnh đó, TP. Cần Thơ cũng sẽ chú trọng công tác khảo sát thực địa để rà soát và kịp thời cảnh báo đối với các điểm có nguy cơ sạt lở bờ sông; kịp thời thông báo, cảnh báo để người dân địa phương chủ động di dời đến nơi an toàn; lắp đặt biển báo, hướng dẫn phân luồng, cảnh báo các phương tiện giao thông thủy, giao thông bộ có tải trọng lớn, tốc độ cao lưu thông qua các khu vực đã sạt lở; xây dựng đề án di dời, bố trí dân cư ra khỏi vùng sạt lở, vùng có nguy cơ sạt lở cao; thống kê số lượng nhà cửa hiện đang lấn chiếm sông.

Cũng theo Sở TN&MT TP. Cần Thơ, tình hình BĐKH và nước biển dâng diễn biến ngày càng phức tạp và có xu hướng tác động tiêu cực hơn. Do đó, bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, các ngành, người dân, TP. Cần Thơ cũng luôn sẵn sàng hợp tác, liên kết với các địa phương trong khu vực cũng như hợp tác, liên kết với các tổ chức quốc tế để cùng nhau xây dựng kế hoạch hành động ứng phó BĐKH một cách thống nhất, đồng bộ và mang tính khả thi cao.

Dự kiến trong thời gian tới, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), TP. Cần Thơ sẽ triển khai thực hiện thí điểm xây dựng kế hoạch hành động lồng ghép tăng trưởng xanh và ứng phó BĐKH trên địa bàn thành phố nhằm tiếp cận một cách tổng thể về tính ưu tiên của các danh mục dự án đầu tư trong nhiều lĩnh vực trên cơ sở phân tích, đánh giá các rủi ro do BĐKH. Qua đó, kết nối với cơ hội, tiềm năng phát triển về tăng trưởng xanh, thích ứng trong điều kiện BĐKH thông qua thực hiện các dự án đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. Cần Thơ: Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO