Đoàn công tác của Cục Bảo vệ môi trường miền Trung và Tây Nguyên (Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT) đã tổ chức khảo sát hiện trường, lấy 8 mẫu nước để phân tích |
Theo thông tin từ UBND huyện Bình Sơn, từ ngày 29/11, khu vực bờ biển xã Bình Thạnh từ cửa biển Sa Cần đến bãi tắm Khe Hai, nước biển có màu xám đen, nổi bọt kèm ít thực vật biển, không có mùi đặc trưng tập trung tại 2 điểm chính là biển Hải Ninh và bãi tắm Khe Hai.
Ngay sau khi nhận được phản ánh về hiện tượng nước biển có màu xám đen, nổi bọt tràn vào bờ biển, UBND huyện Bình Sơn đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện phối hợp với UBND xã Bình Thạnh đi kiểm tra, khảo sát thực tế tại khu vực.
UBND huyện Bình Sơn đã thông tin nhanh đến Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, Công an tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND xã Bình Thạnh và Trung tâm kỹ thuật quan trắc môi trường Dung Quất thuộc Ban quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi lấy các mẫu nước biển dọc theo đường bờ biển để phân tích các thông số cơ bản.
Khu vực bờ biển xã Bình Thạnh từ cửa biển Sa Cần đến bãi tắm Khe Hai, nước biển có màu xám đen, nổi bọt kèm ít thực vật biển |
Trong 2 ngày (4 và 5/12), Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi đã cử Đoàn công tác xuống kiểm tra hiện trường và lấy mẫu nước phân tích nhằm có kết quả đánh giá về chất lượng nước biển khu vực có hiện tượng nước biển màu đen.
Cũng trong khoảng thời gian này, sau khi nhận được thông tin về hiện tượng nước biển đổi màu tại khu vực bờ biển Bình Thạnh có màu xám đen, nổi bọt. Đoàn công tác của Cục Bảo vệ môi trường miền Trung và Tây Nguyên (Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT) đã phối hợp với các cơ quan liên quan của huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức khảo sát hiện trường, tìm hiểu về sự việc.
Đồng thời, Tổng cục Môi trường đã chỉ đạo Trung tâm Quan trắc môi trường miền Trung và Tây Nguyên tổ chức lấy 8 mẫu nước biển và 2 mẫu trầm tích tại khu vực có nước biển màu đen để phân tích, đánh giá, trong đó, có gửi mẫu đến các đơn vị chuyên môn để phân tích thêm về tảo biển.
Theo Đoàn công tác Cục Bảo vệ môi trường miền Trung và Tây Nguyên, trên bờ biển, nước biển và bọt nước ở khu vực này qua cảm quan không ngửi thấy mùi dầu và không có xuất hiện hải sản chết |
Qua khảo sát và ghi nhận ban đầu tại hiện trường trong 2 ngày theo dõi (từ 4 đến 5/12) của Đoàn công tác Cục Bảo vệ môi trường miền Trung và Tây Nguyên cho thấy, vệt nước màu đen đã di chuyển khoảng 300m từ hướng Nam về hướng Bắc của bờ biển và nhạt màu hơn. Chiều dài vệt nước màu đen chiều ngày 4/12 khoảng gần 200m, qua ngày 5/12 do sóng biển nên chiều dài vệt nước màu đen đã dài thêm thành vệt nước dài khoảng 600m, chỗ rộng nhất khoảng 80m.
Cũng theo Đoàn công tác Cục Bảo vệ môi trường miền Trung và Tây Nguyên, trên bờ biển, nước biển và bọt nước ở khu vực này qua cảm quan không ngửi thấy mùi dầu và không có xuất hiện hải sản chết.
Theo ý kiến người dân tại xã Bình Thạnh sống gần khu vực bờ biển này, hiện tượng vệt nước màu đen thường xuyên xuất hiện hàng năm và từ hàng vài chục năm nay đều có kể cả mùa biển động và biển lặng. Riêng trong năm 2019 này, mức độ lớn hơn các năm trước.
Trong thời gian tới, Tổng cục Môi trường sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ngãi đề theo dõi thêm diễn biến của hiện tượng này |
Người dân ở đây cũng cho biết thêm, vệt nước màu đen thường xuyên xuất hiện và di chuyển từ hướng Nam về hướng Bắc của bờ biển và tan dần. Khi xảy ra hiện tượng này, người dân vẫn sinh hoạt, tắm biển bình thường và nước biển màu đen sẽ dần mất đi trong vòng 1 tuần (biển lặng) và khoảng 20 ngày (biển động).
Đoàn công tác của Cục Bảo vệ môi trường miền Trung và Tây Nguyên cũng khẳng định, trong thời gian tới, Tổng cục Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ngãi đề theo dõi thêm diễn biến của hiện tượng này, chờ kết quả phân tích mẫu để có thêm cơ sở đánh giá về nguyên nhân của hiện tượng này.