Duy trì tốt hoạt động giám sát môi trường tại Dự án Bôxit nhôm Lâm Đồng (Ảnh minh họa) |
Đẩy mạnh kiểm soát các nguồn thải lớn
Báo cáo của Tổng cục Môi trường cho thấy, năm 2020, Tổng cục đã tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm soát các dự án, nguồn thải lớn, có nguy cơ gây sự cố môi trường; tích cực, chủ động, khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương thực hiện các hoạt động kiểm tra, khắc phục, xử lý kịp thời các điểm nóng về môi trường, tạo được sự đồng thuận và ủng hộ của cộng đồng, dư luận.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, Tổng cục tiếp tục duy trì tốt hoạt động giám sát môi trường đối với các dự án, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố ô nhiễm môi trường cao nhằm bảo đảm an toàn về môi trường trong quá trình hoạt động, như: Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Nhà máy Giấy Lee&Man Việt Nam, Nhà máy Bột - Giấy VNT19 tại KKT Dung Quất, Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn tại tỉnh Thanh Hóa; các Dự án tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân - Bình Thuận; Nhà máy nhiệt điện sông Hậu tại Hậu Giang và Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải tại Trà Vinh; Dự án Bôxit nhôm Lâm Đồng và các dự án tại Trung tâm điện lực Thái Bình; Dự án “Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt” tại tỉnh Quảng Ngãi; các cơ sở, chủ đầu tư hạ tầng KCN Tằng Loỏng, Lào Cai; các cơ sở đang hoạt động tại Làng nghề Phong Khê và CCN giấy Phong Khê, tỉnh Bắc Ninh; Công ty TNHH Khai thác chế biến Khoáng sản Núi Pháo, Thái Nguyên; Công ty Cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất; Công ty TNHH MTV Lọc – Hóa dầu Bình Sơn.
Đơn vị cũng tích cực, chủ động hướng dẫn các địa phương triển khai nhiều hoạt động đẩy nhanh tiến độ xử lý triệt để của các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; triển khai công tác đánh giá kết quả triển khai Kế hoạch xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020 và định hướng cho giai đoạn tiếp theo. Đến nay, trên phạm vi cả nước còn 123 cơ sở trong tổng số 435 gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/2013/QĐ-TTg chưa hoàn thành xử lý triệt để (giảm 24 cơ sở so với cùng kỳ năm 2019).
Chủ động ứng phó, khắc phục ô nhiễm
Thời gian qua, Tổng cục Môi trường đã phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường tại khu vực bị ô nhiễm do hoá chất bảo vệ thực vật tồn lưu theo Quyết định số 1946/QĐ-TTg và Quyết định số 807/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin tại các "điểm nóng" về ô nhiễm như sân bay Biên Hòa, thúc đẩy hợp tác quốc tế đặc biệt là đối với Hoa Kỳ.
Tổng cục cũng phối hợp tốt với các cơ quan chuyên môn tại địa phương xác minh, xử lý hàng chục thông tin phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường; trong đó có nhiều vụ việc được Tổng cục Môi trường tổ chức kiểm tra, xác minh nhanh như vụ việc đổ trộm các thùng phuy tại địa bàn Thôn 1, xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội; vụ việc Công ty Cổ phần Quản lý công trình đô thị Hải Dương sử dụng tro lò đốt rác thải để san lấp mặt bằng; thông tin ô nhiễm nước thải công nghiệp nhuộm chưa xử lý tại các xã: Phú Phúc và Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam chảy thẳng ra sông Hồng gây ô nhiễm nghiêm trọng; vụ việc đốt rác thải khu vực đường vào Chùa Phật tích ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh; vụ việc người dân tại một số xã ở huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương phản ánh nhà máy xử lý rác gây mùi ô nhiễm.
Vụ việc đổ trộm các thùng phuy tại địa bàn Thôn 1, xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội |
Bên cạnh đó, đơn vị tiếp tục triển khai có hiệu quả Đường dây nóng tiếp nhận, xác minh, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường. Tính đến ngày 25/6/2020, đường dây nóng của Tổng cục Môi trường đã nhận được tổng số 1.522 thông tin phản ánh về ô nhiễm môi trường, trong đó có 1009 vụ việc đã được xử lý và còn lại 513 vụ việc các địa phương đang xử lý.
Sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm
Trong 6 tháng cuối năm 2020, để kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tài cho biết, sẽ tăng cường công tác kiểm soát các dự án, nguồn thải lớn, có nguy cơ gây sự cố môi trường. Tiến hành tổng kết đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 2015-2020 của các Chiến lược, Chương trình, Kế hoạch trong lĩnh vực môi trường và đôn đốc hoàn thành tiến độ xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng năm 2020.
Tổng cục cũng tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thẩm định, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường; kiên quyết không cấp phép cho các dự án có loại hình, công nghệ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, các dự án có tác động đến sinh thái và rừng tự nhiên của Việt Nam.Tăng cường năng lực quan trắc và cảnh báo môi trường vùng kinh tế trọng điểm, khu vực tập trung nhiều nguồn thải và khu vực nhạy cảm về môi trường; đẩy nhanh việc xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu về môi trường.
Đồng thời, theo yêu cầu của Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, để ngăn chặn nguy cơ gây ô nhiễm, Tổng cục Môi trường cần triển khai thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường; tăng cường các hoạt động thanh tra đột xuất; thực hiện thanh tra đến đâu, ban hành kết luận đến đó; xử lý nghiêm, có tính răn đe đối với các hành vi vi phạm; đồng thời kịp thời tháo gỡ vướng mắc về chính sách, pháp luật, giúp các địa phương làm tốt công tác quản lý nhà nước trên địa bàn.
Thứ trưởng đề nghị, Lãnh đạo Tổng cục chỉ đạo rà soát kỹ đối tượng để bảo đảm đưa vào Kế hoạch thanh tra năm 2021 các đối tượng có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường./.