Các hạng mục của Dự án đã được sử dụng và bảo quản định kỳ
Theo đó, Dự án Bến đỗ được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt ngày 29 tháng 10 năm 2010 và dự kiến khởi công năm 2011. Dự án được phê duyệt, mục tiêu đầu tư là nhằm đáp ứng yêu cầu sử dụng hiệu quả đội tàu nghiên cứu biển trong công tác điều tra, khảo sát và quản lý tài nguyên môi trường biển, phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển. Dự án xây dựng mới 03 bến neo đậu tàu (cho tàu trọng tải đến 2.000 DWT); công trình kèm theo trên diện tích 2,86ha và đầu tư thiết bị phục vụ hoạt động của bến.
Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, Chính phủ đã chỉ đạo “Chưa khởi công các công trình, dự án mới sử dụng vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, trừ các dự án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai cấp bách, các dự án trọng điểm quốc gia”, do đó Bộ đã dừng khởi công và hoãn thời gian thực hiện dự án.
Năm 2013, Dự án được bố trí kinh phí vốn mở mới. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng trực thuộc Bộ (trước kia là Ban Quản lý dự án đầu tư về biển, hải đảo trực thuộc Tổng cục) nhiệm vụ thực hiện dự án. Đến ngày 31 tháng 12 năm 2016, các hạng mục đầu tư xây dựng và mua sắm thiết bị đều đã được triển khai và hoàn thành.
Trong quá trình thực hiện, Dự án đã được thanh tra, kiểm toán bởi Đoàn Thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2014, Đoàn Thanh tra của Bộ Tài chính năm 2015, Đoàn Giám sát đầu tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2015 và Đoàn Kiểm toán Nhà nước năm 2016. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng đã tiếp thu và khắc phục những tồn tại được nêu tại kết luận thanh tra, kiểm toán theo đúng quy định.
Dự án đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành tại Quyết định số 3605/QĐ-BTNMT ngày 28 tháng 11 năm 2018 và đã đưa vào sử dụng. Các hạng mục của Dự án: cầu cảng, ca nô, xe, máy, công trình, nội thất, thiết bị, nhà kho,... được sử dụng và bảo quản định kỳ. Hiện nay, Nhà kho của Bến đỗ đã được sử dụng lưu trữ mẫu khảo sát biển của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên - môi trường biển khu vực phía Bắc.
Về luồng tuyến vào bến đỗ, tại thời điểm lập dự án đầu tư (tháng 10 năm 2010), Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Cảng – Đường thủy (đơn vị tư vấn lập Dự án) đã thu thập số liệu, khảo sát địa hình, thủy văn, địa chất để lập thiết kế cơ sở của Dự án.
Theo kết quả khảo sát, luồng tàu tư biển vào bến gồm 02 đoạn: Đoạn luồng tàu tư vị trí bến neo đậu ra đến cửa sông Văn Úc có độ sâu tự nhiên đủ đảm bảo chạy tàu liên tục; Đoạn từ cửa sông ra đến biển có bãi cát, có thể lợi dụng thủy triều để chạy tàu. Thời gian chạy tàu qua đoạn ngưỡng cạn khoảng 20-30 phút.
Do thực tế có hiện tượng bồi lắng phù sa cửa sông Văn Úc, tháng 12 năm 2016, Ban Quản lý dự án đã lựa chọn Đoàn Đo đạc biên vẽ Hải đồ và Nghiên cứu biển (Bộ Tư lệnh Hải quân) khảo sát tuyến luồng ra vào bến.
Theo kết quả khảo sát, đoạn luồng tàu từ bến neo đậu ra đến cửa sông Văn Úc có độ sâu tự nhiên từ 5m đến 12m đủ đảm bảo chạy tàu liên tục. Đoạn từ cửa sông Văn Úc ra biển có bãi cát do bồi lắng, cần tận dụng thủy triều cuối năm để di chuyển tàu. Chính phủ đã có chủ trương giao Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức nạo vét tuyến luồng cửa sông Văn Úc để đảm bảo cho tàu ra, vào bến đỗ an toàn.
Như vậy, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã rất thận trọng trong việc khảo sát và đánh giá tuyến luồng vào bến trước và trong quá trình triển khai Dự án Bến đỗ và kiến nghị phương án xử lý kịp thời.
Dự án Bến đỗ là chuẩn bị cần thiết phục vụ Đội tàu nghiên cứu biển
Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam khẳng định, Dự án Bến đỗ là một bước chuẩn bị cần thiết để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ Đội tàu nghiên cứu biển, dự kiến sẽ thành lập.
Theo Quyết định số 47/2006/QĐ-TTg ngày 01 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên – môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020”, Chính phủ sẽ đầu tư 03 tàu nghiên cứu biển phục vụ điều tra tổng hợp, nghiên cứu khoa học công nghệ biển, đo vẽ bản đồ, hợp tác quốc tế, nghiên cứu đa dạng sinh học, nguồn lợi thuỷ, hải sản, khảo sát địa chất - khoáng sản, địa chất công trình biển, môi trường, khí tượng thủy văn biển. Tuy nhiên, do khó khăn về ngân sách, nên chưa thể đầu tư đóng mới các tàu này.
Bên cạnh đó, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tích cực làm việc với các đối tác nước ngoài để xin viện trợ tàu nghiên cứu biển...
Mặc dù, chưa có tàu nghiên cứu biển, nhưng hiện các công trình xây dựng, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật của Bến đỗ đang được bảo quản và sử dụng theo đúng quy định, nhà kho, sân bãi được Tổng cục sử dụng lưu trữ, bảo quản các mẫu nghiên cứu, điều tra, khảo sát biển…