Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có bài phát biểu quan trọng khai mạc Lễ Mít tinh kỷ niệm Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2022, trong đó nhấn mạnh việc nhân loại cần khẩn trương chung tay hành động nhằm hồi sinh đại dương, phục hồi các hệ sinh thái biển, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường biển, mang lại sức sống mới cho đại dương, qua đó kiến tạo tương lai bền vững của con người và muôn loài.
Báo Tài nguyên và Môi trường trân trọng đăng toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.
Kính thưa đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương,
Thưa đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên; thưa các đồng chí Lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên,
Thưa bà Caitlin Wiesen, Quyền Điều phối viên Liên hợp quốc, Trưởng đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam và các vị khách quốc tế,
Thưa các đồng chí lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể ở Trung ương và địa phương,
Thưa các quý vị đại biểu, đồng chí, đồng bào,
Hôm nay, cùng với nhiều quốc gia trên thế giới và các tổ chức quốc tế, tại thành phố biển Tuy Hòa tươi đẹp, chúng ta long trọng tổ chức các hoạt động quốc gia kỷ niệm Ngày Đại dương thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2022.
Thay mặt Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tôi xin nhiệt liệt chào mừng đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; các đồng chí đại diện các Bộ, ban, ngành, cơ quan ở Trung ương; các vị khách quý đại diện cho các tổ chức quốc tế; các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Phú Yên và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ quan thông tấn báo chí cùng toàn thể các quý vị đại biểu và người dân thành phố Tuy Hòa đã đến tham dự buổi Lễ mít tinh trọng thể này.
Thưa quý vị đại biểu, thưa đồng chí, đồng bào,
Đại dương bao phủ hơn 70% bề mặt Trái Đất là cái nôi của sự sống, có vai trò quan trọng trong việc duy trì các hoạt động kinh tế, các giá trị văn hóa, tinh thần của con người. Một nửa lượng ô-xy của hành tinh chúng ta được tạo ra từ đại dương. Đại dương cũng là nơi cư trú của hầu hết đa dạng sinh học trên Trái đất và là nguồn cung cấp protein chính cho hơn một tỷ người.
Để nâng cao nhận thức cho công chúng và các nhà quản lý về vai trò quan trọng của biển và đại dương trong đời sống hằng ngày của con người, năm 1992 tại Hội nghị thượng đỉnh Trái đất tại Rio de Janeiro (Bra-xin), Chính phủ Canada đã đề xuất sáng kiến Ngày Đại dương thế giới. Kể từ năm 2009, sau khi được Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức lựa chọn, ngày 08 tháng 6 hằng năm được toàn thế giới hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới.
Tuy nhiên, đại dương của chúng ta hiện đang đối mặt với những nguy cơ chưa từng có do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, các hoạt động khai thác tài nguyên thiếu bền vững, ô nhiễm môi trường và suy giảm hệ sinh thái biển. Theo cảnh báo của Liên hợp quốc, 90% quần thể cá lớn bị cạn kiệt và 50% rạn san hô bị phá hủy; ô nhiễm rác thải nhựa đã chạm đến nơi sâu nhất trong lòng đại dương và con người đang lấy đi từ đại dương nhiều hơn những gì có thể được bổ sung.
Vì vậy, “Hồi sinh: cùng hành động vì đại dương” được lựa chọn làm chủ đề của Ngày Đại dương thế giới 2022. Chủ đề này nhấn mạnh việc nhân loại cần khẩn trương chung tay hành động nhằm hồi sinh đại dương, phục hồi các hệ sinh thái biển, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường biển, mang lại sức sống mới cho đại dương, qua đó kiến tạo tương lai bền vững của con người và muôn loài.
Thưa quý vị đại biểu, thưa đồng chí, đồng bào,
Hàng nghìn năm qua, biển đã gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước, gắn bó mật thiết với đời sống của người dân đất Việt. Biển không chỉ mang lại nguồn lợi vật chất mà còn làm giàu thêm vốn văn hóa và cuộc sống tinh thần khi đi vào tục ngữ, ca dao, lời ru của bà, của mẹ trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Trong kháng chiến cứu nước, biển chính là một tuyến đường huyết mạch và hôm nay, chúng ta vui mừng chào đón những nhân chứng sống của Đoàn tàu không số trong Lễ mít tinh trọng thể này. Sự hiện diện của các bác, các chú, chính là nhắc nhở chúng ta về vai trò của biển quê hương trong trang lịch sử hào hùng.
Trong thời bình, biển chính là cửa ngõ để Việt Nam vươn ra thế giới.
Với ý nghĩa đó, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và sớm đề ra nhiều chủ trương lớn, chính sách quan trọng về phát triển bền vững biển, đảo cũng như bảo vệ màu xanh của biển. Từ năm 2009 đến nay, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam được tổ chức hằng năm nhằm hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới nhằm tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn và phát huy giá trị của biển, đảo; khơi dậy lòng tự hào, ý thức dân tộc đối với chủ quyền vùng biển của tổ quốc và phát triển bền vững kinh tế biển.
Thưa quý vị đại biểu, thưa đồng chí, đồng bào,
Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam với chủ đề “Phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển” do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Kinh tế Trung ương, Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Yên tổ chức phát động thể hiện trách nhiệm và nỗ lực của Việt Nam trong nỗ lực chung toàn cầu về bảo vệ, phục hồi đại dương.
Hôm nay, tại Phú Yên, một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có bờ biển dài, được thiên nhiên ưu đãi về tài nguyên, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển, nhiều danh thắng về biển, đảo độc đáo và các lễ hội đặc sắc của ngư dân, tạo nên nét văn hóa riêng, chúng ta hãy cùng nhau cam kết hành động vì màu xanh biển, trời Tổ quốc và vì các đại dương trên Trái đất. Mỗi hành động dù nhỏ nhất vì biển và đại dương của chúng ta hôm nay chính là bảo vệ, bảo tồn và phát triển tương lai bền vững cho các thế hệ mai sau.
Nhân dịp Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2022, tôi đề nghị các Ban, bộ, ngành và địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, các tổ chức quốc tế:
Thứ nhất, thống nhất trong nhận thức và hành động để ứng xử một cách có trách nhiệm với biển và đại dương theo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên cơ sở luật pháp quốc tế, coi đây tiêu chuẩn về đạo đức, văn hóa của mỗi cộng đồng, doanh nghiệp và người dân; thúc đẩy hơn nữa việc phát triển các cộng đồng văn minh sinh thái biển.
Thứ hai, thực hiện quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo, phát triển các ngành kinh tế biển nhằm thu hút mạnh hơn các nguồn lực đầu tư; chú trọng phát triển nuôi biển xa bờ tại các đảo tiền tiêu; đẩy mạnh nuôi trồng và khai thác có trách nhiệm tại các vùng biển xa bờ và viễn dương phù hợp với từng vùng biển, khả năng phục hồi của hệ sinh thái.
Thứ ba, các địa phương có biển cần phát triển các khu bảo tồn biển tại các đảo tiền tiêu, kết hợp bảo tồn đa dạng sinh học biển và khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển; khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học biển, phục hồi các hệ sinh thái biển, đặc biệt là các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển.
Thứ tư, xử lý tốt các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển và đại dương từ đất liền, nhất là rác thải nhựa, thông qua việc tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý trên đất liền, khu vực ven biển và các đảo; tăng cường sức chống chịu và khả năng thích ứng với những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây ra.
Thứ năm, thúc đẩy các hoạt động hợp tác, quan hệ đối tác với các đối tác, tổ chức quốc tế nhằm giải quyết những vấn đề về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; phát triển bền vững kinh tế biển, đan xen lợi ích để bảo vệ các quyền và lợi ích của Việt Nam; tham gia tích cực và chủ động vào các cơ chế hợp tác quốc tế liên quan đến biển và đại dương.
Thưa quý vị đại biểu, thưa đồng chí, đồng bào,
Với những định hướng đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ; sự nỗ lực của các cấp chính quyền, sự chung tay hành động của mỗi người dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự hỗ trợ tích cực từ các tổ chức quốc tế, tôi tin tưởng rằng, chúng ta sẽ đạt được nhiều thành tựu về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; gìn giữ hành tinh xanh, đại dương trong lành của toàn nhân loại.
Về phần mình, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp thực chất, hiệu quả với các Ban, bộ, ngành và các địa phương trên cả nước trong việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước và pháp luật quốc tế liên quan tới biển, đảo; khơi dậy niềm tự hào, phát huy tính sáng tạo, tinh thần lao động của nhân dân, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc Việt Nam; từng bước nâng cao chất lượng sống cho người dân, đặc biệt là người dân ven biển.
Nhân dịp này, thay mặt Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tôi xin chân thành cảm ơn tới các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã luôn dành sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát về công tác trong công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo, phát triển bền vững kinh tế biển.
Trân trọng cảm ơn sự đồng hành, phối hợp hiệu quả của các Bộ, ngành và địa phương, các tổ chức quốc tế.
Đặc biệt, tôi trân trọng cảm ơn đồng chí Trần Tuấn Anh, các đồng chí Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và nhân dân tỉnh Phú Yên đã phối hợp tổ chức các hoạt động quốc gia kỷ niệm Ngày Đại dương thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2022.
Xin trân trọng cảm ơn và kính chúc sức khỏe đồng chí Trần Tuấn Anh, đồng chí Phạm Đại Dương, bà Caitlin Wiesen và các quý vị đại biểu.
Trân trọng cảm ơn./.