Toàn cầu sử dụng gần 2 nghìn tỷ đồ đựng nước uống mỗi năm

09/05/2019 11:57

(TN&MT) - Một nghiên cứu của Anh mới đây cho thấy doanh số toàn cầu của chai, lon và hộp đựng đồ uống bằng nhựa và thủy tinh đang tăng lên.

Ngày càng có nhiều lo ngại về tác động tàn phá của con người đối với môi trường
Ngày càng có nhiều lo ngại về tác động tàn phá của con người đối với môi trường

Theo nghiên cứu, mọi người trên khắp thế giới đang sử dụng gần 2 nghìn tỷ chai, lon và hộp đựng đồ uống bằng nhựa và thủy tinh.

Nghiên cứu của Chiến dịch bảo vệ nông thôn nước Anh (CPRE) cho biết doanh số toàn cầu của các hộp đựng đồ uống theo dự báo sẽ đạt 1,9 triệu vào năm 2019 - tăng từ 1,6 triệu trong năm 2015.

Nghiên cứu được đưa ra khi chính phủ Scotland công bố kế hoạch cho một chương trình trả lại tiền đặt cọc cho các hộp đựng đồ uống bằng thủy tinh, nhựa và nhôm với mọi kích cỡ vào ngày 8/5. CPRE ủng hộ động thái này và đánh giá cao chính phủ Scotland cũng như kêu gọi các nước khác làm theo.

Hồi năm ngoái, chính phủ Anh cam kết công bố chương trình trả lại tiền đặt cọc tại Anh. Đó là tư vấn về hoạt động cần có trong chương trình. Samantha Harding, Giám đốc chương trình xả rác tại Chiến dịch bảo vệ nông thôn nước Anh cho rằng chính phủ Anh cần từ bỏ nỗ lực vận động hành lang của ngành và thực hiện một chương trình mạnh mẽ.

“Chúng tôi sẽ thúc giục Thư ký Bộ môi trường của Anh, ông Michael Gove xây dựng chương trình dựa trên tham vọng của Scotland và triển khai tốt hơn bằng cách đảm bảo mọi hộp đựng đồ uống cũng sẽ nằm trong hệ thống trả lại tiền đặt cọc của Anh”, bà Samantha Harding cho biết.

Theo bà, việc công bố hệ thống trả lại tiền đặt cọc sẽ không chỉ tăng tỷ lệ tái chế lên gần 100% mà còn khiến các nhà sản xuất bao bì đồ uống phải chịu trách nhiệm tuyệt đối về chi phí của mỗi mảnh bao bì mà họ tạo ra.

Điều này sẽ khuyến khích họ sử dụng nhiều vật liệu tái chế hơn, sẽ làm giảm chất thải, làm chậm sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và đưa chúng ta tiến gần hơn đến nền kinh tế tuần hoàn rất cần thiết cho hành tinh của chúng ta.

Ngày càng có nhiều lo ngại về tác động tàn phá của con người đối với môi trường. Tuần này, các nhà khoa học hàng đầu thế giới đã cảnh báo về hoạt động của con người, trong đó có việc tiêu thụ đang dẫn đến một sự suy giảm lớn trong các hệ thống hỗ trợ sự sống tự nhiên của Trái đất, đe dọa nền văn minh.

Harding cho biết: “Với doanh số toàn cầu đạt gần 2 nghìn tỷ, rõ ràng việc tiêu thụ lon, chai và hộp giấy đã đạt tỷ lệ cao. Nếu không hành động ngay lập tức, vùng nông thôn và môi trường của chúng ta sẽ tiếp tục phải trả giá cho những hành động bất cẩn của những người sản xuất các sản phẩm này”.

“Chúng tôi phối hợp với các nhà vận động từ khắp nơi trên thế giới, kêu gọi nhân rộng chương trình trả lại tiền đặt cọc trên toàn thế giới để giải quyết cuộc khủng hoảng môi trường do các hộp chứa đồ uống gây ra” – bà nói thêm.

Nhóm vận động đã kêu gọi một ngày hành động quốc tế vào ngày 9/5, với các tổ chức từ 25 quốc gia trên khắp 5 châu lục để công bố một loạt các hình ảnh và video trên không về các thông điệp kêu gọi một hành tinh sạch được viết trên sườn đồi, bãi biển và các tòa nhà.

Harding cho rằng việc làm trên nhằm nâng cao nhận thức về tác động môi trường của bao bì đồ uống và sẽ tăng áp lực đến các nước để mở rộng, cập nhật hoặc giới thiệu một hệ thống hoàn trả tiền đặt cọc ở mỗi quốc gia.

Trong một tuyên bố chung, các nhà vận động của Hành tinh Sạch cho biết: “Quy mô của vấn đề ô nhiễm đòi hỏi phải có hành động toàn cầu ngay lập tức. Bây giờ là lúc để các quốc gia trên toàn thế giới đứng lên và hành động chống lại sự tàn phá môi trường do lon, chai và hộp đựng đồ uống gây ra - chúng ta không còn thời gian để chờ đợi một hành tinh sạch nữa”.

Hồi năm 2017, một cuộc điều tra của Guardian đã phát hiện một triệu chai nhựa được mua trên khắp thế giới mỗi phút, với con số dự kiến ​​sẽ tăng 20% ​​vào năm 2021, tạo ra một cuộc khủng hoảng môi trường mà một số nhà vận động dự đoán sẽ nghiêm trọng như biến đổi khí hậu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Toàn cầu sử dụng gần 2 nghìn tỷ đồ đựng nước uống mỗi năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO