Tình người Urenco
(TN&MT) - Tôi đã từng đặt câu hỏi: Vì sao gian khổ khó khăn như thế mà Người Urenco vẫn gắn bó với công việc. Và tôi đã có nhiều dịp đồng hành với Người Urenco để tự trả lời câu hỏi cho mình, rằng: Trong rất nhiều lý do, có một lý do neo họ lại, ấy là chữ "Tình".
Yêu nghề như yêu cuộc sống
Trong cái nắng nóng như thiêu như đốt, những đêm đông giá lạnh, những ngày mưa tầm tã, những người công nhân môi trường nói chung, người Urenco nói riêng vẫn miệt mài với công việc của mình. Có dịp quan sát công nhân môi trường Urenco vào dịp Tết mới thấy, trong dòng người hối hả mua sắm hay trong dòng người ngược xuôi đi đón giao thừa, những bóng áo xanh vẫn cặm cụi làm việc, càng vào những ngày cao điểm như thế, tinh thần làm việc của họ càng hăng say hơn, tập trung hơn, bởi không thế thì không thể đảm bảo khối lượng và chất lượng công việc. Đối với công nhân Urenco, bởi công việc của họ khó khăn vất vả nên hoàn thành công việc được giao cũng là một thứ niềm vui.
Bước chân vào nghề từ lúc còn trẻ măng, đến nay, cô gái trẻ Ninh Thị Loan (Tổ trưởng Tổ môi trường xung quanh hồ Hoàn Kiếm) vẫn “không có ý định chuyển nghề”. Gọi điện thoại lúc nào cũng nhận được câu trả lời: “Em đang làm trên phố”. Gặp lúc nào cũng thấy tay quét tay đẩy xe, nhanh thoăn thoắt mà chuẩn như cái máy lập trình sẵn, rồi phụ bốc rác lên xe, lên kế hoạch của tổ, sắp xếp, phân công công việc cho Tổ, chốt lại là “Không có thời gian để nghĩ về khó khăn vất vả, cứ việc đến tay là làm, làm xong ngắm phố thấy phố sạch đẹp là thấy vui trong lòng, niềm vui của chúng em đơn giản lắm”.
Cùng tổ với chị Loan có chị Huệ cũng gần 25 năm gắn bó với Urenco. Nhiều chị em khác người trẻ thì dăm bảy năm, người trên dưới 10 năm không ít. Mặc cho nắng mưa hay giá buốt và dù thu nhập còn hạn chế, họ vẫn ngày đêm tận tụy với nghề “bám đường”, vất vả nguy hiểm và đầy nguy cơ bệnh tật. Khi được hỏi vì sao vất vả thiệt thòi như thế mà các chị vẫn gắn bó với nghề, chúng tôi đều nhận được những câu trả lời rất giản dị: “Chúng tôi nhận thức rõ trách nhiệm của mình, nếu một ngày thiếu vắng những công nhân vệ sinh môi trường thì rác thải sẽ dồn ứ, gây ô nhiễm môi trường... từ đó, chúng tôi có thêm động lực để tiếp tục gắn bó với nghề. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất yêu công việc của mình vì thực sự đây là công việc ý nghĩa, góp phần xây dựng Thủ đô xanh sạch đẹp”. “Chúng tôi yêu nghề như yêu cuộc sống vì nghề đã mang lại cuộc sống cho chúng tôi”. “Nói thật, không yêu nghề thì không thể làm công việc này được”.
Chữ tình trong ngôi nhà Urenco
Tại Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị (Urenco) có rất nhiều cán bộ, công nhân gắn bó với nghề từ những ngày đầu mới lập nghiệp cho đến lúc về hưu, thậm chí có một số anh chị em công nhân về hưu rồi nhưng vẫn quay lại làm hợp đồng thời vụ. Một phần vì nhu cầu được làm việc, một phần do “sức hút” từ tình cảm chân thành của Công ty đối với anh chị em công nhân và giữa cán bộ, nhân viên với nhau.
Theo Phó Tổng Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Phạm Cao Thắng: “Bên cạnh trách nhiệm đảm bảo các chế độ, chính sách theo quy định và làm tốt chức năng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, Công ty và tổ chức Công đoàn luôn cố gắng tạo ra một tập thể trách nhiệm, đoàn kết gắn bó, chia ngọt sẻ bùi. Đó cũng là truyền thống được Người Urenco vun đắp qua bao thế hệ từ ngày thành lập đến nay. Chúng tôi đã xây dựng các quỹ hỗ trợ khó khăn, quỹ đồng hành đi học cùng con em công nhân. Như tới đây bước vào năm học mới, công nhân có hoàn cảnh khó khăn có con đang độ tuổi đi học sẽ được hỗ trợ một khoản để bớt gánh nặng đóng góp đầu năm học”.
Nhờ có sự quan tâm của Công ty và tổ chức công đoàn, toàn Công ty đã vượt lên hoàn cảnh, vượt qua thách thức trong công việc, cuộc sống; vượt qua những thời điểm cực kỳ khó khăn như giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19… Đối mặt với muôn vàn khó khăn và công việc nặng nhọc những nụ cười vẫn nở trên môi; nhà nghỉ lưu động cho công nhân đã ra đời và sẽ có thêm những ngôi nhà nghỉ lưu động khác; những ngày lễ tết, cán bộ và công nhân cùng đón giao thừa ở nơi làm việc; những cảnh ngộ như chị Hường, anh Hào, chị Trâm... thấy mình không cô đơn trong hoạn nạn.
Chung khó khăn, chung trách nhiệm, chung nỗi lo, chung sự quan tâm, chữ tình trong Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Urenco đang được người Urenco ngày ngày viết thêm trang mới.
Và chữ tình mang đến cộng đồng
Người Urenco cho nhau ân tình, người Urenco cũng biết cho đi ân tình để làm cho cuộc đời thêm ý nghĩa. Mặc dù khó khăn nhưng cán bộ, công nhân Urenco sẵn sàng đóng góp cho các hoạt động thiện nguyện ngoài xã hội. Khi không có tiền thì góp công, không có tiền, không góp công thì góp giọt máu hồng.
Mới đây thôi, sáng ngày 30/7/2024, những cán bộ, công nhân Urenco dù ngày hôm trước còn bù đầu vì công việc thì trong ngày đi hiến máu đã sẵn sàng cho mình một sức khỏe thật tốt và một tinh thần thật thoải mái. “Một giọt máu trao đi, một cuộc đời ở lại”, “Cho đi và không mong nhận lại!”, “Dòng máu Urenco tiếp thêm sự sống cho đời” - đó là những gì tôi nghe được trong lời chia sẻ của cán bộ, nhân viên Công ty Urenco.
Trong số đó, không chỉ có công nhân mà có cả các đồng chí trong Ban Lãnh đạo của Công ty. Trong số đó, có người hiến máu lần đầu nhưng cũng có người đã tham gia hiến máu nhiều lần. Như anh Nguyễn Văn Sơn (Bộ phận thu gom rác thải đường phố) có 9 lần hiến máu; anh Nguyễn Anh Tú (tổ xe) đã có 6 lần hiến máu thành công. Những người tham gia hiến máu lần đầu như chị Nguyễn Thị Chung dù có bỡ ngỡ nhưng đều có suy nghĩ: sẽ tiếp tục tham gia hiến máu cứu người. Chị Chung cho biết: “Trước đây do tính chất công việc phải làm đêm, tôi chưa có cơ hội tham gia hiến máu, rất may hôm nay Urenco đã tạo cơ hội cho những công nhân như tôi tham gia. Mặc dù không có điều kiện kinh tế nhưng tôi sẽ dùng sức khỏe để cứu người. Việc điều trị rất khó khăn và đắt đỏ, mong rằng thêm được đơn vị máu nào thì người bệnh sẽ bớt được phần nào chi phí điều trị”.
Là người trực tiếp tham gia hiến máu sáng 30/7, Phó Tổng Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Urenco Phạm Cao Thắng cho biết, đây là hoạt động thường niên thu hút hàng trăm người đăng ký, thậm chí gấp đôi chỉ tiêu ban đầu. Điều đó thể hiện tinh thần hăng hái tình nguyện vì cộng đồng của các cán bộ công nhân viên, đoàn viên thuộc Urenco. Những tình nguyện viên tham gia hiến máu hy vọng những giọt máu của mình sẽ giúp cho những người bệnh kịp thời điều trị.
Trao đổi về điều này, Tổng Giám đốc Công ty Urenco Phạm Văn Đức cho rằng, có nhiều cách để Công ty thể hiện trách nhiệm với cộng đồng phù hợp và hiến máu là một trong những nghĩa cử đẹp đang được Ban Lãnh đạo Công ty duy trì đều đặn. “Người Urenco không chỉ cần cù chịu thương chịu khó mà người Urenco còn rất nghĩa tình. Văn hóa Urenco sẽ được vun đắp ngày càng giàu thêm từ những việc làm đời thường như thế”.
Có rất nhiều những hoạt động thiện nguyện, nhân văn khác mà Người Urenco đang thực hiện như truyền kinh nghiệm làm việc, kỹ năng an toàn, chia sẻ mái ấm cho những người thu gom rác tự do. Ban lãnh đạo Công ty cũng đang xây dựng kế hoạch tổ chức các chương trình hướng dẫn kỹ năng thực hành, phổ biến kiến thức an toàn lao động, an toàn sức khỏe cho lực lượng này, đồng thời sẵn sàng thu nạp người thu gom rác tự do vào làm việc tại Công ty.
Có những công việc thầm lặng mà cao cả; có những tình yêu vô cùng giản dị mà thiết thực, thấm thía bền lâu. Tình yêu ấy đang được các thế hệ cán bộ, công nhân Urenco ngày ngày vun đắp.