Tinh hoa làng nghề Việt giữa lòng Hà Nội |
Các hoạt động hoạt động văn hoá được tổ chức nhằm mục đích vừa bảo tồn các giá trị di sản, tăng cường hợp tác giao lưu giữa các địa phương, các tổ chức, cá nhân trong việc phát huy các giá trị nghề truyền thống. Đồng thời cũng góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh khu Phố cổ Hà Nội.
Bà Trần Thị Thúy Lan, Phó Trưởng ban, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội chia sẻ: Nhân dịp kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm Ngày Quốc tế Lao động, 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp với các làng nghề tổ chức nhiều chương trình văn hóa đặc sắc trưng bày, giới thiệu về sản phẩm làng nghề Việt.
Trong số rất nhiều nghề truyền thống, nghề gốm và các sản phẩm gốm truyền thống đã xuất hiện từ lâu, có thể nhắc tới một số làng nghề gốm trứ danh như Chu Đậu (Hải Dương), Thổ Hà (Bắc Giang), Phù Lãng (Bắc Ninh), Bát Tràng (Hà Nội),… Nghề gốm có lịch sử phát triển hàng nghìn năm, trong đó, các sản phẩm gốm của các làng nghề có vai trò rất quan trọng phục vụ chủ yếu trong đời sống sinh hoạt của nhân dân, thể hiện tinh hoa, bản sắc văn hóa dân tộc Việt.
Bà Trần Thị Thúy Lan chia sẻ về các làng nghề Việt |
Những nét đặc sắc, tiêu biểu của các làng gốm sẽ được trưng bày, giới thiệu, cùng với các hoạt động trải nghiệm với chủ đề “Chuyện của Gốm” sẽ được diễn ra tại Đình Kim Ngân số 42 - 44 Hàng Bạc, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm từ ngày 23/04 đến hết ngày 31/5/2021.
Nghệ nhân Phạm Ngọc Huy – Làng nghề gốm Bát Tràng cho biết: Nghề gốm phát triển rải rác khắp đất nước. Trong đó, trung tâm gốm sứ lớn có thể kể tới Bát Tràng, Thổ Hà, Phù Lãng, Hương Canh, Quế Quyển, Chum Thanh... Mỗi vùng quê gốm lại giữ kỹ nghệ riêng biệt. Và mỗi nơi lại có mặt hàng gốm đặc trưng riêng của mình, tạo thêm cái đa dạng và phong phú của công nghệ gốm Việt Nam.
Một đặc điểm riêng biệt của nghề gốm là đều phát triển dọc sát các triền sông. Bởi nó tiện đường chuyên chở, và đất sét dọc các triền sông là thứ nguyên liệu quý để sản xuất gốm, sứ. Với lịch sử hình thành lâu đời, nghề gốm truyền thống đã trải qua nhiều thăng trầm, có suy, có thịnh. Tuy nhiên, cho tới ngày nay, nghề gốm truyền thống ở nhiều nơi vẫn đang tiếp tục được bảo tồn và duy trì, ngày càng phát triển.
Công chúng Thủ đô tham dự sự kiện |
Nói về làng gốm Bát Tràng ông Huy cho hay, gốm sứ của làng Bát Tràng hết sức độc đáo, quá trình làm ra một sản phẩm bao gồm 2 giai đoạn chính gồm: Quá trình tạo cốt gốm và trang trí họa tiết, giai đoạn tiếp theo là phủ men lên lớp sản phẩm. Ngoài ra, trong công đoạn tạo cốt gốm cũng có nhiều bước nhỏ như cách chọn đất, xử lý và pha chế đất, tạo hình dạng sản phẩm theo ý muốn và sau cùng là phơi sấy, sửa sang lại hình dạng. Ở mỗi công đoạn đều cần đến sự khéo léo của người làm ra sản phẩm để có thể thổi hồn và tâm tư của mỗi sản phẩm…
Đặc biệt trong chuỗi các hoạt động văn hoá lần này, Ban tổ chức còn phối hợp với tỉnh Phú Yên giới thiệu tới du khách về nghề đan lát truyền thống Vinh Ba (xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa) – một nét đẹp di sản, một điểm đến du lịch hấp dẫn của tỉnh Phú Yên. Giới thiệu về sản phẩm thủ công sơn mài với chủ đề: “Tinh hoa sơn mài Việt” tại Đình Đồng Lạc - 38 Hàng Đào. Ngoài phần diễn giải về lịch sử sơn mài, khách tham dự chương trình sẽ được trải nghiệm tự tay làm một trong những quy trình làm sơn mài: cẩn trứng.