Từ quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) cho đến Nam Du (Kiên Giang) hay Phú Qúy (Bình Thuận)... tình trạng khan hiếm nước ngọt vào mùa khô đã kéo dài nhiều năm nay.
Chính vì vậy, từ bao đời nay, nguồn nước sinh hoạt của người dân trên đảo chủ yếu lấy từ các giếng khoan, giếng khơi hoặc của một số giếng cổ công cộng. Nước ăn thì lấy nước mưa rồi chứa trong các bể. Bởi vậy, lượng nước ở đây phụ thuộc rất lớn vào thời tiết. Trong khi, lượng mưa trung bình một năm chỉ từ 1.500 - 2.100mm, dao động theo mùa. Mùa mưa chủ yếu chỉ diễn ra trong tháng 7 và 8.
Thậm chí, tình trạng thiếu nước ngọt không chỉ xảy ra vào mùa khô mà còn cả trong mùa mưa. Đó là chưa kể, mỗi khi có mưa bão hoặc triều cường, nước biển tràn qua đê vào khu dân cư rồi tràn vào các giếng khơi, không chỉ gây hiện tượng nhiễm mặn nguồn nước mà còn phá hủy các công trình nước sạch. Nước bị nhiễm mặn và bẩn nhưng bà con vẫn phải dùng vì cũng chẳng lấy đâu ra được nguồn nước ngọt và sạch.
Tương tự, trên các xã đảo vùng biển Tây Nam nước ta, chuyện “nước” cũng là đề tài bức bách không phải chờ đến mùa khô mới nói… Từ Hòn Tre - đảo gần đất liền nhất đến Thổ Châu - đảo xa nhất đều thiếu nước ngọt. Hòn Chuối (Cà Mau) là hòn duy nhất trên vùng biển này có người ở nhưng trên hòn lại không có mạch nước ngầm.
Hay như huyện đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) nằm cách đất liền hơn 100km, với diện tích chỉ khoảng 17,8km2, nhưng dân số hiện đã lên tới gần 28.000 người. Nhưng huyện đảo này lại không có hệ thống sông suối, lưu vực hứng nước mưa và công trình thủy lợi, nên người dân hiện phần lớn phải sử dụng nguồn nước ngầm chưa đảm bảo vệ sinh.
Bộ TN&MT đã phê duyệt thực hiện tiếp giai đoạn II của Đề án 47 với Dự án: “Điều tra, đánh giá chi tiết tài nguyên nước phục vụ xây dựng công trình cấp nước cho các đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam” trên 15 đảo sẽ góp phần vào việc đánh giá được số lượng, chất lượng về tài nguyên nước, cung cấp các cơ sở khoa học về nước dưới đất, nước mặt, giúp các cơ quan quản lý Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên nước phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng trên các đảo.
Kết quả thực hiện Dự án sẽ mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực về mặt tài nguyên nước, đáp ứng không nhỏ về mặt kinh tế cho nhân dân cũng như các lực lượng an ninh - quốc phòng đóng trên các đảo. Đồng thời, cung cấp cho các ngành kinh tế trọng điểm như: Công nghiệp, dịch vụ du lịch, các hệ thống cầu cảng, vận tải giao thông... mang lại sự ổn định đời sống cho nhân dân trên các đảo và củng cố tinh thần đoàn kết giữa nhân dân với lực lượng an ninh, quốc phòng trên đảo nhằm mục đích bảo vệ bình yên vùng biển đảo của Tổ quốc.