Tôm hùm tại vựa nuôi Phú Yên đang “ra đi” hàng loạt là do bị chết ngạt trong điều kiện nuôi bất lợi, thời tiết chuyển đổi quá đột ngột. Theo thống kê sơ bộ, đã có ít nhất 523.000 con tôm hùm bị chết chỉ trong 10 ngày qua tại tỉnh Phú Yên.
Ngày 27.5, trao đổi nhanh với PV Dân Việt, ông Nguyễn Trọng Tùng - Giám đốc Sở NNPTNT Phú Yên đã cho biết về nguyên nhân tình trạng tôm hùm đang chết hàng loạt tại vựa nuôi TX.Sông Cầu, Phú Yên.
|
Hơn nửa triệu con tôm hùm vừa chết chỉ trong 10 ngày qua ở Phú Yên. |
Theo đó, ông Tùng cho biết: "Kết quả xét nghiệm mẫu tôm hùm tại đây cho thấy tôm bị nhiễm bệnh sữa. Nguyên nhân tôm hùm chết hàng loạt do mật độ nuôi quá dày, cả về lượng lồng nuôi và số con/lồng. Cụ thể, tại thời điểm kiểm tra là 150 - 300 con/lồng (tôm hùm xanh) và 70 - 75 con/lồng (tôm hùm bông). Bên cạnh đó, nước vùng nuôi đang bị ô nhiễm nặng do thức ăn tôm dư thừa, chất thải từ hoạt động nuôi tích tụ".
Một nguyên nữa khiến tôm hùm chết nhiều, theo ông Tùng là do thời tiết gần đây chuyển đổi mưa giông đột ngột, gây hiện tượng biển bị phân tầng mạnh, nước tầng đáy rất lạnh. Tiếp đó, nắng nóng kéo dài làm tảo phát triển quá mức ở tầng đáy, gây thiếu ô-xy cục bộ vào ban đêm, thủy sản bị chết ngạt. Tác nhân gây bệnh luôn có sẵng trong môi trường nước, khi tôm yếu sức thì bệnh dễ dàng xâm nhập, làm chết nhanh hơn.
Thống kê nhanh của cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên cho thấy, chỉ trong 10 ngày qua, tại vựa nuôi tôm ở thị xã Sông Cầu đã có 523.970 con tôm hùm sắp thu hoạch bị chết. Trọng điểm thiệt hại là vùng nuôi xã Xuân Phương và phường Xuân Yên (Sông Cầu), với trên 300 hộ nuôi có tôm chết, gây thua lỗ hàng trăm tỷ đồng.
|
Ngư dân Sông Cầu đang nhặt đầu tôm hùm chết. |
Trước mắt, Sở NNPTNT Phú Yên khuyến cáo, các hộ nuôi cần nâng lồng lên cách mặt nước khoảng 1 - 1,5m để tránh tôm hùm bị thiếu ô-xy. Thường xuyên theo dõi lồng tôm, nhất là ban đêm, để sớm phát hiện sự cố. Khi phát hiện tôm bị ngạt, nhanh chóng di chuyển lồng đến nơi thông thoáng hơn, áp dụng các biện pháp tạo oxy. Sang thưa mật độ lồng nuôi, vớt con chết đem chôn lấp vệ sinh. Tiến hành thu hoạch nếu tôm đạt kích cỡ thương phẩm, nhằm giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra sự cố môi trường.
Bên cạnh đó, người nuôi cần lựa chọn mua giống tôm hùm không có triệu chứng bệnh truyền nhiễm. Thực hiện biện pháp tổng hợp phòng bệnh tôm hùm lồng. Không sử dụng thức ăn ươn thối và dư thừa lượng. Bổ sung các loại vitamin, men tiêu hóa để tăng sức đề kháng của tôm hùm.
Cử lực lượng chống dịch Hiện tại, tỉnh Phú Yên đang cấp bách cử lực lượng giám sát, hướng dẫn chống dịch bệnh cho người nuôi thủy sản. Xuất hóa chất từ nguồn sự trữ quốc gia để Sông Cầu hỗ trợ tiêu hủy lượng tôm chết không bán được. Thống kê đầy đủ danh sách hộ nuôi bị thiệt hại để có cơ sở đề xuất cơ chế, chính sách giúp ổn định sản xuất. Tỉnh Phú Yên cũng đang tập trung quy hoạch, chọn vị trí nuôi lồng bè có dòng chảy, độ sâu thích hợp. Vận động người dân nuôi đúng quy hoạch, không để tình trạng phát triển tràn lan, mất kiểm soát, quá tải môi trường nuôi. |
Theo Dân Việt